Trái phiếu doanh nghiệp được gỡ khó

07/03/2023 06:32 GMT+7

Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng Nghị định 08 ra đời đã mở một lối thoát cho nhiều doanh nghiệp bất động sản, nhưng để thị trường thực sự phục hồi, cần rất nhiều yếu tố khác.

Giảm áp lực dòng tiền cho DN

Nghị định 08 về trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cho phép tổ chức phát hành kéo dài kỳ hạn và thanh toán gốc, lãi bằng tài sản khác ngoài tiền mặt. Trong trường hợp trái chủ không đồng ý thay đổi này, doanh nghiệp (DN) phải có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Ngoài ra, nhiều quy định khác cũng đã giúp thị trường trái phiếu (TP) thông thoáng hơn.

Trái phiếu doanh nghiệp được gỡ khó  - Ảnh 1.

Nghị định 08 chưa thể tạo động lực mạnh mẽ cho thị trường trái phiếu, bất động sản phục phồi

LÊ QUÂN

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu đánh giá Nghị định 08 đã xây dựng được khuôn khổ pháp lý để xử lý vấn đề TPDN, trong đó có TPDN bất động sản (BĐS). Nghị định số 08 vừa tháo gỡ được vướng mắc, khó khăn, vừa xác định lộ trình xây dựng thị trường TPDN theo hướng minh bạch, bền vững. Đây là căn cứ pháp luật để DN phát hành TP thực hiện đàm phán với trái chủ, nhất là nhà đầu tư cá nhân về kéo dài kỳ hạn của TP trong thời gian tối đa không quá 2 năm hoặc thanh toán gốc, lãi TP đến hạn bằng tài sản khác trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện, tuân thủ quy định của pháp luật dân sự.

"Được biết tổng giá trị TPDN BĐS đáo hạn trong 2 năm 2023 - 2024 rất lớn, khoảng 230.000 tỉ đồng. Trong đó, năm 2023 khoảng 119.000 tỉ đồng, năm 2024 khoảng 111.000 tỉ đồng. Nên Nghị định 08 sẽ tác động tích cực và hiệu quả đến việc xử lý 119.000 tỉ đồng TP đến hạn trong năm 2023. Nhưng việc xử lý TP đến hạn phải được sự đồng thuận của các trái chủ với DN thông qua đàm phán thỏa thuận nên mất rất nhiều thời gian, mà hiện nay chỉ còn gần 9 tháng để thực hiện Nghị định 08. Đề nghị Bộ Tài chính và Thủ tướng xem xét cho phép sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Nghị định 08 vào khoảng đầu quý 4 để tiếp tục xây dựng thị trường TPDN phát triển theo hướng minh bạch, lành mạnh, an toàn và bền vững", ông Lê Hoàng Châu đề xuất.

Chủ tịch Hội Môi giới BĐS VN (VARS) Nguyễn Văn Đính phân tích: Nghị định 08 cho phép DN kéo dài thời gian, có dịp cơ cấu lại hoạt động đầu tư kinh doanh, nợ… để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhiều DN BĐS hiện đang rất khó khăn về dòng tiền khi thanh khoản yếu. Ngoài khó khăn về dòng tiền trả TP đến hạn thì còn áp lực chi phí hoạt động, lương nhân viên…

"Có thể nhiều người sẽ cho rằng Nghị định 08 chưa thực sự tháo gỡ cho DN, thị trường BĐS nhưng với bối cảnh hiện nay, rất khó để cơ quan quản lý nhà nước đưa ra chính sách cởi mở hơn. Nhưng về tâm lý thì có tác động khá tích cực", ông Đính nhận xét.

Đại diện Tập đoàn Novaland cho biết Nghị định 08 nới lỏng hơn cho DN trong việc xử lý các lô TP đã phát hành là hết sức thiết thực. Tuy nhiên, đối với TP đến hạn, DN cũng đề xuất các phương án bao gồm giãn thời hạn thanh toán tiền gốc TP trong thời gian thích hợp hoặc hoán đổi tiền gốc TP với các sản phẩm BĐS do công ty đang đầu tư và phát triển.

"Công ty đang quyết liệt tái cấu trúc toàn diện với sự hỗ trợ và tư vấn của nhiều đối tác hàng đầu nhằm đưa ra những giải pháp cơ cấu tài chính phù hợp, tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi. Hơn hết là nỗ lực để thực hiện các quyền lợi của các trái chủ, khách hàng và các bên liên quan. Công ty cũng đang tập trung xây dựng bàn giao các sản phẩm BĐS theo từng giai đoạn, từng bước ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh", đại diện Novaland cho hay.

Chưa giải quyết gốc rễ của thị trường

Theo ông Đính, khó khăn của DN BĐS cũng có phần nguyên nhân khách quan từ tác động của dịch Covid-19 dẫn đến khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhà nước buộc lòng phải đưa ra chính sách điều hành để chống đỡ với bão tài chính, DN khó lòng thoát khỏi vòng ảnh hưởng. Trong bối cảnh đó, có thể phải sàng lọc bớt DN để thị trường phát triển bền vững hơn. Nhưng nếu không giãn bớt thì vô tình giết chết cả những DN có uy tín, nộp ngân sách nhiều. Khi DN phá sản nhiều, rất khó để vực lại ngành kinh tế, thu ngân sách cũng bị hao hụt.


Về lâu dài, thị trường BĐS cần được cải tổ toàn diện, nhất là phải đẩy mạnh phát triển những sản phẩm phục vụ cho đại chúng, chứ không chỉ phục vụ cho nhà giàu với phân khúc cao cấp, chỉ phục vụ vài phần trăm dân số.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu

Đồng quan điểm, chuyên gia BĐS Phạm Thành Trung cho rằng Nghị định 08 chỉ là "bơm" thêm ô xy để DN cầm cự chứ thực tế không thay đổi bản chất vấn đề đối với lĩnh vực BĐS hiện tại, chưa giải quyết gốc rễ vấn đề ở đây là tiếp cận tín dụng được dễ dàng, lãi suất cho vay phải giảm mạnh hơn nữa và đặc biệt là phải thật sự cắt giảm các thủ tục hành chính, các vướng mắc trong pháp lý. Hiện Nghị định 08 cho phép DN được gia hạn, kéo dài thêm 2 năm nếu trái chủ đồng ý, còn không đồng ý thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán của mình. Ngoài ra, vấn đề là niềm tin của nhà đầu tư chưa củng cố được.

"Đây là cơ sở pháp lý rõ ràng hơn, để các DN đẩy mạnh việc xử lý TP. Mới chỉ là điều kiện cần để gỡ rối cho thị trường TPDN nói chung và TP BĐS nói riêng. Còn điều kiện cần nhất để giải quyết câu chuyện TPDN phải đến từ 2 thứ: dòng tiền thật vào mua TP và niềm tin. Mà phải có niềm tin thì mới có dòng tiền quay lại. Cần có thêm nhiều giải pháp để kéo lại lòng tin cho nhà đầu tư vào thị trường này", chuyên gia này nói.

Đại diện một DN BĐS ở Hà Nội cho rằng cần có thời gian để Nghị định 08 có Thông tư hướng dẫn, đi vào cuộc sống mới đánh thấu đáo được hiệu quả. Nhưng xét trong bối cảnh hiện nay, có lẽ nhiều quy định trong Nghị định 08 rất khó tạo ra thay đổi đột biến, tháo gỡ, hỗ trợ cho thị trường.

"Thị trường TP khó khăn khiến nhiều công ty lâm cảnh cùng quẫn vì thiếu tiền mặt, vốn lưu động cho sản xuất kinh doanh. Trước đây DN có thể xoay vốn từ tín dụng hoặc phát hành TP. Nhưng khi Nghị định 65 có hiệu lực, DN như gặp phải cú sốc vì mất bầu sữa. Thêm vào đó, tiếp cận vốn ngân hàng cũng khó hơn nên lại càng túng bấn vốn kéo dài. Các giải pháp: dừng triển khai dự án, giảm nhân sự, chậm lương… đều đã áp dụng, chắt bóp mọi nguồn lực để trang trải nợ mà vẫn phải khất lần, khất lượt xin hoãn…thế nên cần có những giải pháp đột phá hơn", vị này nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.