'Trái tim' của đô thị Quy Nhơn

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
23/06/2024 07:06 GMT+7

TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng đầm Thị Nại (Bình Định) là viên ngọc quý thiên nhiên ban tặng.

Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 12.2023) xác định phát triển, mở rộng TP.Quy Nhơn (Bình Định) về phía đông bắc, lấy đầm Thị Nại làm trung tâm, xây dựng trung tâm hành chính mới của tỉnh tại Khu kinh tế Nhơn Hội.

Lá phổi xanh giữa lòng đô thị

Đầm Thị Nại rộng hơn 5.000 ha, thuộc các huyện Tuy Phước, Phù Cát và TP.Quy Nhơn. Đầm nước mặn này là nơi hợp lưu của 2 con sông lớn: sông Côn và sông Hà Thanh, ngăn cách với biển Đông bởi bán đảo Phương Mai.

'Trái tim' của đô thị Quy Nhơn- Ảnh 1.

Nội thành Quy Nhơn được bao bọc bởi biển Đông và đầm Thị Nại

DŨNG NHÂN

Theo điều tra thống kê của Sở TN-MT tỉnh Bình Định năm 2020, đầm Thị Nại là nơi sinh sống của 141 loài thực vật, 11 loài chim, 7 loài thú, 5 loài bò sát, 101 loài cá và 187 loài động vật không xương sống… Đặc biệt, khu sinh thái Cồn Chim rộng 480 ha với các cánh rừng ngập mặn giữa đầm Thị Nại cùng hệ sinh thái phong phú được ví như "lá phổi xanh" của TP.Quy Nhơn và vùng phụ cận.

Vừa qua, Tuần lễ Amazing Bình Định Fest 2024 (từ ngày 21 - 31.3) với 2 sự kiện chính được tổ chức tại đầm Thị Nại là giải đua thuyền máy nhà nghề quốc tế và giải đua mô tô nước đã thu hút 710.000 lượt khách tham quan, mua sắm tại Bình Định. Đây là lần đầu tiên Liên đoàn Đua thuyền máy quốc tế (UIM) tổ chức giải đua thuyền máy nhà nghề quốc tế tại Việt Nam.

'Trái tim' của đô thị Quy Nhơn- Ảnh 2.

Một VĐV tham gia giải đua mô tô nước quốc tế tại đầm Thị Nại tháng 3.2024

BTC

Theo ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đầm Thị Nại kín gió, diện tích mặt nước hơn 5.000 ha với hệ sinh thái ngập mặn đa dạng, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế về mặt nước, sức gió, điều kiện tự nhiên, xã hội và văn hóa để trở thành địa điểm tổ chức giải đua thuyền máy nhà nghề quốc tế. UBND tỉnh Bình Định đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty H20 Management Limited (F1H20) và Công ty CP Bình Định F1 về việc tổ chức giải đua thuyền máy nhà nghề quốc tế UIM F1H2O và mô tô nước UIM-ABP Aquabike tại đầm Thị Nại 5 năm liên tục (từ 2024 - 2028).

Hai giải đua được tổ chức 5 năm liên tiếp tại đầm Thị Nại sẽ mở ra bước ngoặt cho thể thao dưới nước ở Việt Nam, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Bình Định và Việt Nam ra thế giới.

Khai thác lợi thế đặc biệt

Ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP.Quy Nhơn, cho biết quy hoạch mở rộng Quy Nhơn về phía đông bắc sẽ kết nối thành phố với H.Tuy Phước, lấy đầm Thị Nại làm trung tâm phát triển.

'Trái tim' của đô thị Quy Nhơn- Ảnh 3.

Một lễ hội của ngư dân ở xã Nhơn Hải, TP.Quy Nhơn

Quy Nhơn - Tuy Phước và khu vực xung quanh đầm Thị Nại là nơi hội tụ mọi yếu tố cảnh quan thiên nhiên đa dạng trong một vùng đất nhỏ. Trung tâm của vùng cảnh quan thiên nhiên này là đầm Thị Nại, nơi kết nối giữa đất liền và bán đảo, liên kết giữa cánh đồng bằng phẳng và núi non, giữa các mạch sông suối và biển, tạo thành bản sắc cảnh quan hiếm có.

Theo định hướng quy hoạch chung TP.Quy Nhơn, khu vực lập quy hoạch bao gồm TP.Quy Nhơn hiện hữu, khu vực H.Tuy Phước, hai xã Canh Vinh, Canh Hiển (H.Vân Canh) và TT.Cát Tiến, xã Cát Chánh, một phần xã Cát Hải (H.Phù Cát). Như vậy, toàn bộ đầm Thị Nại sẽ nằm ở trung tâm đô thị Quy Nhơn. Khi đó, TP.Quy Nhơn và vùng phụ cận phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm với 2 trung tâm chính là TP.Quy Nhơn hiện nay và Khu kinh tế Nhơn Hội.

Theo ông Ngô Hoàng Nam, quy hoạch khu vực đầm Thị Nại hướng tới phát triển du lịch có kiểm soát, xây dựng đô thị bền vững kết hợp bảo tồn cảnh quan tự nhiên và duy trì diện tích rừng ngập mặn tự nhiên có lợi ích cho hệ sinh thái của đầm. Quanh đầm sẽ hình thành khu dịch vụ du lịch sinh thái với các công trình có quy mô không quá lớn, không làm mất đi ấn tượng cảnh quan tự nhiên. Tổ chức khu đô thị du lịch ven đầm Thị Nại với cấu trúc đô thị mở, cho phép xây dựng các công trình phục vụ du lịch với kiến trúc hài hòa với thiên nhiên, mật độ thấp. TP.Quy Nhơn cũng sẽ tổ chức dải quảng trường và công viên công cộng tại khu vực ven đầm Thị Nại, gắn với bản sắc cảnh quan quan trọng nhất của khu vực là cảnh quan mặt nước đầm và rừng ngập mặn. Đồng thời, xây dựng khu công viên sinh thái ngập mặn - Cồn Chim kết hợp các điểm du lịch khác ven đầm nhằm hình thành chuỗi du lịch sinh thái, khám phá, trải nghiệm xung quanh đầm Thị Nại.

'Trái tim' của đô thị Quy Nhơn- Ảnh 4.

Đầm Thị Nại có nhiều cánh rừng ngập mặn và hệ sinh thái phong phú

DŨNG NHÂN

Quy hoạch chung TP.Quy Nhơn cũng xác định sẽ xây dựng cầu Thị Nại 2 bắc qua đầm Thị Nại (song song với cầu Thị Nại), cầu Thị Nại 3 nối Khu kinh tế Nhơn Hội với trung tâm xã Phước Sơn (H.Tuy Phước) ra QL1A, cầu Thị Nại 4 nối Khu kinh tế Nhơn Hội với xã Phước Hòa (H.Tuy Phước) và TX.An Nhơn, đồng thời sẽ xây dựng bãi đỗ, bến xe khách tại Khu kinh tế Nhơn Hội...

Theo ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, tỉnh này đang tiến hành quy hoạch vùng Tuy Phước, mà đầm Thị Nại đóng vai trò rất quan trọng, trong đó có khu bảo tồn thiên nhiên Cồn Chim rất quý. Theo đó, sẽ quy hoạch một số điểm du lịch quanh đầm Thị Nại để phát triển du lịch đêm, du lịch sinh thái, tạo ra các sản phẩm mới để phát triển du lịch tỉnh Bình Định.

Gắn với nhiều sự kiện lịch sử của đất nước

Theo các tư liệu lịch sử, đầm Thị Nại ở Bình Định từng là nơi đóng quân của thủy binh vương quốc Chiêm Thành, Đại Việt, Tây Sơn... Tại đây diễn ra nhiều trận giao tranh ác liệt giữa thủy quân Chiêm Thành với quân Nguyên (Trung Quốc), Chiêm Thành với Đại Việt, Tây Sơn với triều Nguyễn, quân Đại Nam với quân Pháp… Đặc biệt, trận thủy chiến giữa thủy quân Tây Sơn và triều Nguyễn năm 1800 tại đầm Thị Nại được Đại Nam nhất thống chí (bộ sách dư địa chí Việt Nam do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn) chép là "võ công đệ nhất buổi trung hưng" của triều Nguyễn.

Tại đầm Thị Nại còn có thương cảng Thị Nại nổi tiếng sầm uất, là nơi giao thương của cư dân bản địa với các thương nhân nước ngoài vào thời Chiêm Thành, Tây Sơn, nhà Nguyễn… Ngày nay, khu vực đầm Thị Nại có cảng Quy Nhơn, một trong những cảng biển lớn của Việt Nam.

Tháng 12.2006, tỉnh Bình Định khánh thành cầu vượt đầm Thị Nại dài 2.475 m, được xem là cầu vượt biển dài nhất Việt Nam tính đến năm 2017 khi cầu vượt biển Đình Vũ - Cát Hải được khánh thành ở Hải Phòng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.