Bà mẹ 54 tuổi ấy là Hồ Thị Vội, tên phong tục của người Pa Kô là Kăn Ling, cư ngụ ở bản Tăng Cô, xã A Túc, H.Hướng Hóa, Quảng Trị.
Bà mẹ "nhiều con nhất" vùng tây
Đường lên A Túc rất xa, ngót trăm cây số kể từ TP.Đông Hà, đến chim đại bàng bay còn mỏi cánh. Nhưng tiếng lành về mẹ Kăn Ling tưởng như còn “bay” xa hơn. Nhiều người dân ở khắp vùng Lìa rộng lớn biết về bà mẹ được mệnh danh “có nhiều con nhất núi rừng phía tây Quảng Trị” này.
Nhưng khi chúng tôi đứng trước túp lều ọp ẹp ở bản Tăng Cô, trong đầu bật lên câu hỏi: Cảnh nhà như thế, sao bà mẹ vẫn muốn nhận nuôi lắm con? Và những đứa con đã phải xoay xở ra sao trong ngôi nhà bé tẹo?
Bà mẹ Kăn Ling giàu tấm lòng. Bà như lẩn vào bản làng nghèo, nơi có 561 hộ nhưng đã hết 349 hộ khó khăn. Thuở nhỏ, mẹ Kăn Ling cũng không học hành gì nhiều, cứ hồn nhiên lớn lên như con nai, con hoẵng ngoài bìa rừng. Mãi đến sau này, tham gia công tác Đoàn, bà mới hoàn thành khóa bổ túc văn hóa và làm cán bộ xã A Túc kể từ năm 1986. Sau mấy chục năm, ngoài khoản lương tháng tròm trèm 5 triệu đồng, bà cùng chồng (ông Hồ Văn Tàng, tên phong tục là Kôn Ling, 58 tuổi) phải cuốc cào đến tứa cả máu tay để canh tác trên 2,5 ha rừng bời lời và 2 ha sắn. Nguồn thu của gia đình nhìn cả vào đó.
|
Vậy mà, bà cứ… nhận nuôi con đều đều. Ngoài 4 đứa con đẻ, mẹ Kăn Ling có thêm 11 con nuôi. “Nhà cũng nghèo, nhưng mẹ không chịu được tiếng khóc của những đứa trẻ mồ côi, nên mang chúng về nuôi. Mẹ chẳng dám nghĩ gì nhiều đâu, chỉ cố làm sao cho chúng có cái ăn cái mặc như những đứa trẻ khác”, bà lý giải.
tin liên quan
Chuyện cổ tích của một ngôi chùaNăm 2005, mẹ Kăn Ling lặn lội qua tận xã Pa Tầng kế bên để đón 3 chị em mồ côi khác: Hồ Thị Hà (5 tuổi), Hồ Thị Hinh (3 tuổi), Hồ Thị Hội (1 tuổi). Cách đây 3 năm, nhân khẩu gia đình mẹ Kăn Ling lại gia tăng khi nhận nuôi 2 trẻ mồ côi khác: Hồ Thị Miệc (lúc đó mới 2 tuổi) và Hồ Thị Muôi (1 tuổi).
Nến cong cho lửa thẳng
|
Chỉ có già làng Kôn Huôm (70 tuổi) biết. Ông bảo, ngày xưa dân bản dù sao cũng có nhiều bữa cơm tươm tất, riêng nhà mẹ Kăn Ling cứ sắn độn cơm trường kỳ. “Chỉ có cách đó, mọi người trong gia đình mới… đủ no cái bụng”, già Kôn Huôm lý giải. Ông Kôn Ling nhớ lại chuyện nhà mà toát mồ hôi, bởi có thời điểm gia đình lúc nhúc hai chục miệng ăn, bữa cơm phải chia làm 2 mâm, mỗi mâm 10 người. “Cả bản Tăng Cô chắc không có gia đình nào có nồi cơm to như chúng tôi, đủ để nấu một lần hơn chục lon gạo. Nhưng nồi to là một việc, còn có gạo để đổ vô nấu hay không lại là việc khác”, ông Kôn Ling tếu táo.
Nhưng đám con của mẹ Kăn Ling đâu chỉ có mỗi chuyện ăn. Chúng còn lớn lên, còn phải tìm vợ gả chồng. Mà theo phong tục Pa Kô, bà mẹ ấy còn phải lo bò dê để đãi tiệc dân làng. Vậy mà bà chu toàn hết. Nhớ dạo con nuôi Hồ Thị Pưng đi lấy chồng, biết cảnh nhà khó khăn, già làng Kôn Huôm kéo mẹ lại bảo chỉ cần làm mâm cúng theo phong tục là đủ, không cần mở tiệc đãi dân bản. Nhưng mẹ Kăn Ling lắc đầu nguầy nguậy. Mẹ bảo rằng thà là “đơn sơ” với con ruột, chứ con nuôi phải cưới hỏi đàng hoàng. “Chúng mồ côi đã là một cái tội rồi. Nay cưới hỏi cũng không có nữa, thì làm răng ngẩng mặt lên nhìn dân bản?”, mẹ Kăn Ling tự hỏi.
|
Nhưng cũng có lần bà mẹ mạnh mẽ ấy bất lực. Đó là dạo con nuôi Hồ Văn Dành mắc chứng bệnh lạ, nôn ra máu. Dù được chuyển ra tận bệnh viện huyện để chạy chữa, nhưng cuối cùng Dành không qua khỏi. Em mất năm 1996, khi mới 12 tuổi và làm con của mẹ Kăn Ling được chẵn 10 năm. Dân bản Tăng Cô đến bây giờ vẫn còn nhớ mãi hình ảnh mẹ Kăn Ling cõng Dành trên lưng, đi bộ thất thểu từ bệnh viện. Bước trên con đường đất xuyên giữa bản, bà vừa đi vừa khóc…
|
Thế đấy, ở vùng rẻo cao, nuôi con sống đã khó, để chúng trở thành người hiểu biết lại càng khó bội phần. Vậy mà mẹ Kăn Ling làm được.
Bốn đứa con đẻ của bà toàn là những “hạt giống đỏ” của núi rừng. Hồ Thị Líp (30 tuổi) tốt nghiệp ĐH Sư phạm Vinh, nay đang là giáo viên Trường tiểu học A Dơi. Hồ Thị Lẻ (26 tuổi), tốt nghiệp ĐH Sư phạm tiểu học Huế, đang là giáo viên hợp đồng tại Trường tiểu học và THCS A Túc. Hồ Cu Lế (24 tuổi), tốt nghiệp Cao đẳng Y tế Huế, đang là cán bộ dân số xã A Túc. Hồ Thị Tê (21 tuổi) đang là sinh viên năm 3 tại Trường ĐH Kinh tế Huế. Trong đám con nuôi, cô gái được làm tiệc cưới chu đáo Hồ Thị Pưng đã tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, đang làm giáo viên mầm non ở xã Xi. Hồ Văn Dưa, Hồ Văn Thiết, Hồ Thị Thiệp... dù không học hành nhiều, nhưng cũng đã yên bề gia thất và trở thành gương sản xuất giỏi ở địa phương. Sáu đứa nhỏ hơn hiện vẫn đang đi học, chưa đứa nào có ý định bỏ học.
Đàn con ấy biết mẹ phải chật vật nên cũng già trước tuổi, như cây rừng cứng cỏi hơn trước gió. Ngày khai giảng, không đứa nào giục mẹ may cho áo mới. “Chúng bảo, mẹ chỉ cần giặt áo cũ thật sạch. Cũng không cần mua dép mới, chỉ cần sửa lại đôi dép đứt quai là được…”, mắt bà mẹ Kăn Ling ánh lên niềm vui. “Đến bàn tay mẹ cũng chỉ 10 ngón, mà mẹ có tới 15 đứa con. Làm sao nắm được hết tay chúng để đi hết cuộc đời. Nhưng trong nghèo khó, rất nhiều người đã tiếp sức để mẹ có thêm mạnh mẽ để gồng gánh”, giọng mẹ Kăn Ling đầy chiêm nghiệm.
Bình luận (0)