'Tim nhân tạo là một sự thất bại'. Câu mở đầu của Giáo sư Carpentier trong phần giới thiệu về tim Carmat tại Viện Tim TP.HCM làm mọi người... chưng hửng.
Giáo sư Carpentier và công trình nghiên cứu 25 năm: tim nhân tạo toàn diện Carmat - Ảnh: Reuters |
Không chưng hửng sao được khi đây là thành quả nghiên cứu trong gần 3 thập niên của ông - chuyên gia hàng đầu thế giới về phẫu thuật tim mạch. Tim nhân tạo toàn diện Carmat có thể xem là một “tuyệt phẩm” của y khoa, với sự kết hợp về kinh nghiệm chuyên môn của Giáo sư Carpentier và công nghệ cao cấp của Tập đoàn hàng không và quốc phòng EADS (Pháp). Bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối có thể được cứu sống nhờ được ghép trọn vẹn một quả tim máy vào lồng ngực - điều tưởng chừng chỉ có trong các bộ phim khoa học viễn tưởng nay đã thành hiện thực. Vậy mà công trình này lại bị chính cha đẻ xem là... thất bại, dù các kết quả thử nghiệm lâm sàng ngày càng khả quan hơn.
Ưu tiên chữa trị hết mức cho tim
|
Là chuyên gia đã nổi tiếng trên thế giới từ cuối thập niên 1960 khi chế tạo thành công van tim nhân tạo có nguồn gốc sinh học (sau đó được hoàn thiện và lưu hành với tên gọi van tim Carpentier - Edwards), có thể nhận thấy mục tiêu chính trong mọi công trình nghiên cứu của Giáo sư Carpentier luôn nhằm giúp bệnh nhân tìm lại cuộc sống bình thường sau khi được điều trị. Van tim Carpentier - Edwards đã tạo nên bước đột phá của y học vì bệnh nhân sau khi ghép không cần phải “gắn bó” suốt đời với thuốc kháng đông.
Giáo sư Carpentier giới thiệu về tim Carmat tại hội thảo ở Viện Tim TP.HCM cuối năm 2015 - Ảnh: Lan Chi
|
Trách nhiệm và tình thương
Nghề y với nhiệm vụ cứu người nên luôn được xem là nghề cao quý, nhưng thế nào là một thầy thuốc tốt? Trong một lần trò chuyện riêng, Giáo sư Carpentier đã chia sẻ với PV Thanh Niên: “Bác sĩ phải điều trị cho bệnh nhân như những gì bác sĩ muốn người khác làm cho mình nếu lỡ lâm bệnh. Đó là về nguyên tắc, nhưng cần thêm vào nguyên tắc đó tình yêu thương tha nhân”. Với Giáo sư Carpentier, trong hành trang của thầy thuốc, tinh thần trách nhiệm vẫn chưa đủ mà còn cần phải có tấm lòng.
|
Cơ hội ghép tim miễn phí
Với tấm lòng của Giáo sư Carpentier, “sự nghèo khó của bệnh nhân chưa bao giờ là hạn chế trong việc tiến hành các thủ thuật can thiệp tim mạch, nếu các thủ thuật này thật sự hiệu quả”. Viện Tim TP.HCM hình thành và hoạt động theo đúng tôn chỉ trên. Sau hơn 2 thập niên, Quỹ Alain Carpentier đã giúp hơn 4.200 bệnh nhi nghèo được mổ tim miễn phí hoặc được hỗ trợ phần lớn chi phí tại viện này với tổng kinh phí gần 4,8 triệu USD. Ban đầu, quỹ hoạt động nhờ nguồn vốn do Giáo sư Carpentier tài trợ. Sau đó, ông đã thành lập Phòng khám y khoa quốc tế (CMI) và dành toàn bộ lợi nhuận để cùng Viện Tim TP.HCM trang trải chi phí điều trị cho các trường hợp khó khăn. Ngoài ra, hằng năm CMI còn tổ chức các chương trình từ thiện để quyên góp thêm.
Giáo sư Carpentier cho biết bệnh nhân nghèo Việt Nam có thể được ghép tim nhân tạo Carmat miễn phí trong thời gian thử nghiệm và cả khi “tuyệt phẩm y khoa” này chính thức được lưu hành nhờ vào các chương trình xã hội nói trên. Nhờ “người bạn lớn” Alain Carpentier, rất nhiều bệnh nhân Việt Nam, dù điều kiện kinh tế không cho phép, vẫn được tiếp cận những thành tựu khoa học tiên tiến nhất.
Bình luận (0)