'Trầm cảm ở học sinh ngày càng có diễn biến phức tạp'

Thúy Hằng
Thúy Hằng
03/08/2024 12:13 GMT+7

'Trầm cảm ở học sinh ngày càng có diễn biến phức tạp, thậm chí, có những em vì vượt quá sức chịu đựng của bản thân đã dẫn tới nhiều hệ lụy đáng tiếc khác...'.

Lo lắng, trầm cảm, tự hại bản thân và các rối loạn tâm thần khác

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Giào, Viện trưởng Viện Ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục, nhấn mạnh như vậy tại chương trình buổi tập huấn "Nâng cao năng lực hoạt động tham vấn tâm lý trong nhà trường" dành cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, sinh viên đang học tập, công tác tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đào tạo tại TP.HCM diễn ra sáng nay, 3.8. Chương trình do Viện Ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM tổ chức.

'Trầm cảm ở học sinh ngày càng có diễn biến phức tạp'- Ảnh 1.

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Giào, Viện trưởng Viện Ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục (thứ 3 từ trái qua) trao đổi với các thầy cô giáo tham gia tập huấn

THÚY HẰNG

Trong bài phát biểu của mình, thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Giào đề cập tới tình trạng bạo lực học đường đang trở nên khá phổ biến ở hầu hết các quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Những hậu quả từ bạo lực học đường đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và sức khỏe học sinh, sinh viên.

Đáng chú ý, theo thạc sĩ, bác sĩ Giào, năm học 2022 - 2023, theo kết quả điều tra mới nhất của Bộ GD-ĐT phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào ngày 25.4.2022, tỷ lệ quan hệ tình dục của thanh thiếu niên trước 14 tuổi tăng gấp 2 lần trong vòng 6 năm. Và tháng 6.2022, Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam công bố trung bình mỗi năm cả nước có gần 300.000 ca nạo phá thai, chủ yếu ở độ tuổi 15 - 19; trong đó có 70% là học sinh, sinh viên…

Trong khi đó, ngày nay, xã hội phát triển với tốc độ không ngừng, việc tiếp xúc với internet và công nghệ hiện đại đã khiến các thành viên trong gia đình ít có thời gian quan tâm và chăm sóc lẫn nhau. Phụ huynh mải mê làm việc, có ít thời gian tâm sự, lắng nghe và thấu hiểu con mình. Con cái chạy theo sự thay đổi và phát triển của xã hội.

Ngoài ra, các áp lực đến từ việc học tập, thi cử, những nhận thức chưa đúng đắn về giới tính, tình yêu… cũng là một trong các lý do làm gia tăng những vấn đề tâm lý học đường tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác.

'Trầm cảm ở học sinh ngày càng có diễn biến phức tạp'- Ảnh 2.

Các đại biểu, học viên tại buổi tập huấn sáng nay

THÚY HẰNG

"Theo báo cáo của Bộ Y tế năm 2023 ước tính có khoảng 3,2 triệu người Việt Nam mắc bệnh trầm cảm. Con số này chiếm 3,1% dân số, tương đương với 1 trong 32 người. Trong đó, nhóm tuổi từ 18 - 29 có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất (5,4%), tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở phụ nữ (4,2%) so với nam giới (2,1%). Theo các báo cáo, tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm chung ở trẻ em là 2%. Ở lứa tuổi vị thành niên, con số này từ 5% đến 8%. Trên toàn cầu, rủi ro sức khỏe ở tuổi vị thành niên đang trải qua những thay đổi lớn. Ba thập kỷ trước, mối đe dọa lớn nhất với các em vị thành niên là rượu, thuốc lá, mang thai, các chất gây nghiện... nhưng ngày nay là sự lo lắng, trầm cảm, tự hại bản thân và các rối loạn tâm thần khác. Trầm cảm là một vấn nạn rất nan giải trong nhà trường, xã hội hiện nay", thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Giào chia sẻ.

Tầm quan trọng của việc tham vấn tâm lý học đường

Viện trưởng Viện Ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục khẳng định từ những vấn đề học sinh gặp trầm cảm, căng thẳng và nhiều vấn đề tâm lý nêu trên, có thể thấy được tầm quan trọng của việc tham vấn tâm lý học đường cần phải được quan tâm và đẩy mạnh nhiều hơn. Nhà trường và các bậc phụ huynh cần dành nhiều thời gian quan tâm, đầu tư khi con trẻ còn đang ngồi trên ghế nhà trường, đặc biệt là các em ở lứa tuổi dậy thì.

'Trầm cảm ở học sinh ngày càng có diễn biến phức tạp'- Ảnh 3.

PGS-TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam

THÚY HẰNG

Quá trình tham vấn tâm lý học đường không chỉ giúp các em có thể giải quyết tốt các vấn đề vướng mắc mà còn hỗ trợ cải thiện tốt các mối quan hệ với thầy cô, cha mẹ, bạn bè... Tham vấn sẽ giúp cho học sinh, sinh viên mau chóng giải quyết các tình huống khó khăn trong học tập và cuộc sống. Đồng thời, các em cũng có được đời sống lành mạnh, thoải mái, giảm bớt các áp lực, căng thẳng để học tập và sinh hoạt vui vẻ, hiệu quả hơn.

Một nghiên cứu của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho thấy số lượng người làm công tác tham vấn học đường ở khu vực phía nam tăng dần qua các năm, từ 0,34 người/trường năm 2013-2014 lên 1,09 người/trường vào năm học 2017-2018. Con số này được đánh giá là vẫn ít ỏi. Trong khi đó, vì nhiều lý do, nhiều học sinh, sinh viên còn e ngại tham vấn tâm lý trong trường học.

Chương trình tập huấn "Nâng cao năng lực hoạt động tham vấn tâm lý trong nhà trường" diễn ra từ 8 giờ sáng tới 16 giờ chiều nay, 3.8. Trong buổi sáng, PGS-TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam, trao đổi với các học viên về những nhân tố tác động đến hoạt động tham vấn tâm lý trong nhà trường hiện nay.

PGS-TS Trần Thị Lệ Thu (Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam) trao đổi về kinh nghiệm tổ chức, triển khai kế hoạch tham vấn tâm lý đối với cá nhân và nhóm trong nhà trường...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.