Bạo lực từ mạng xã hội tới học đường: Dạy học sinh võ tự vệ miễn phí

Thúy Hằng
Thúy Hằng
30/10/2019 19:45 GMT+7

Học sinh được học võ tự vệ miễn phí trong trường học, không chỉ để tăng cường sức khỏe , rèn luyện ý chí, phản xạ nhanh mà còn giáo dục tinh thần thượng võ, kẻ mạnh không bắt nạt kẻ yếu.

Đó là chương trình dạy võ tự vệ cho học sinh các trường THCS  ở Q.1, TP.HCM. Chương trình được áp dụng từ năm 2011 tới nay, hàng ngàn em nhỏ đã được học võ tự vệ (gồm môn Vovinam và môn võ cổ truyền) bài bản, hoàn toàn miễn phí trong 8 năm qua.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Tấn Lợi, Phó giám đốc Trung tâm thể dục thể thao Q.1, TP.HCM cho biết chương trình dạy võ tự vệ miễn phí được triển khai từ năm 2011. Các học sinh lớp 8 sẽ được dạy võ tự vệ, giống như một môn học khác, trong năm học. Theo ông Lợi, chương trình này được xuất phát từ thực trạng nhiều trẻ em bị thiếu kỹ năng sống để có thể tự vệ và đối mặt với các nguy hiểm xảy ra, đồng thời vấn đề bạo lực học đường cũng luôn là vấn đề nóng, được xã hội quan tâm.
“Khi được học về võ tự vệ, các em không chỉ được học kỹ thuật võ, các cách phản xạ khi gặp những tình huống bất ngờ để bảo đảm an toàn cho chính mình mà còn có thể hỗ trợ, giúp đỡ bạn bè khác trong nhiều hoàn cảnh. Điều quan trọng của chương trình này là tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho giáo viên, phụ huynh và học sinh về tác hại của bạo lực học đường, triển khai thực hiện mô hình “trường học an toàn” hiệu quả. Nguồn gốc sâu xa của võ đạo là tinh thần thượng võ, cao thượng, kẻ mạnh không ăn hiếp kẻ yếu, mọi người chung sống hòa bình với nhau. Chúng tôi muốn lan tỏa tinh thần này để các em hiểu, và không có những hành vi bắt nạt học đường, bạo lực học đường làm tổn thương người khác”, ông Nguyễn Tấn Lợi cho hay.

Một giờ học võ tự vệ của học sinh Q.1

Phi Hải

Chia sẻ với người viết chiều 30.10, anh Nguyễn Xuân Hậu, giáo viên môn thể dục, Trường THCS Văn Lang, cho biết từ những ngày đầu triển khai chương trình học võ tự vệ miễn phí trong trường, các học sinh trường THCS Văn Lang đã rất hào hứng. “Mỗi buổi sẽ có 2 huấn luyện viên từ Trung tâm thể dục thể thao, cùng các thầy cô giáo trong trường quản lý lớp. Học trò rất hào hứng với kiến thức võ tự vệ học được, các em hỏi chúng tôi rất nhiều, trong những hoàn cảnh cụ thể, như là nếu em bị bạn đánh như thế này thì sẽ phải tự vệ ra sao… Thậm chí có em nói giá mà được học võ tự vệ này xuyên suốt cả năm học chứ không chỉ một học kỳ thì quá tuyệt”, anh Hậu nói.
Theo anh Hậu, trong bối cảnh bạo lực học đường là nỗi lo sợ của nhiều học sinh, giáo viên, phụ huynh, những lớp học võ tự vệ càng quan trọng. “Võ tự vệ giúp các em bảo vệ bản thân, những người bên cạnh, hoặc khi biết những đòn đánh nguy hiểm sẽ nguy hại như thế nào cho các bạn của mình, các em sẽ không bao giờ làm. Nhưng điều quan trọng hơn, không phải học võ để biết kỹ thuật và ra tay với kẻ yếu, mà học võ thuật, sâu xa là hiểu võ đạo, trở thành người có đạo đức, nắm được tinh thần, ý chí đoàn kết, tương thần tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, không phải kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu”, anh Hậu nói.

Rèn luyện về kỹ thuật, ý chí và cả đạo đức trong những giờ học võ tự vệ

Phi Hải

Trong khi đó, cô Hồ Thị Ngọc Sương, hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, Q.1, TP.HCM, cho biết từ những buổi học võ tự vệ, gồm có Vovinam và võ cổ truyền được dạy miễn phí trong trường học, các học sinh của cô đã ngày càng có tình yêu với thể dục thể thao nói chung, các môn võ nói riêng.
“Không chỉ học võ tự vệ trong các tiết học, các em học sinh đăng ký vào các CLB võ thuật được tổ chức trong trường và say mê tập luyện. Đây cũng là “cái nôi” để tìm kiếm ra nhiều tài năng võ thuật, thi đấu các giải Hội khỏe Phù Đổng, các giải thể thao học sinh, các đại hội võ thuật quốc gia, quốc tế. “Khi mà bạo lực học đường, bắt nạt trên mạng xã hội, bắt nạt học đường xảy ra ở khắp nơi, học võ tự vệ là cách tự mỗi học sinh được rèn luyện, nâng cao bản thân. Tôi cũng nhìn thấy ở đây, những người trẻ đang góp phần bảo tồn và phát huy võ thuật truyền thống của Việt Nam, đó là một điều thật sự tốt đẹp”, cô Sương nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.