“Ngày nay, không gian lớp học kết nối với thế giới bên ngoài cũng đồng nghĩa với việc giờ đến trường không còn kết thúc lúc học sinh rời lớp học, và thật đáng buồn, bắt nạt học đường cũng không dừng lại ở đó”, bà Henrietta Fore, Giám đốc điều hành UNICEF, nhận định.
Rơi xuống “hố sâu” vì mạng xã hội
Trung tuần tháng 10, ngành giải trí châu Á chấn động với tin tức diễn viên Sulli (Hàn Quốc) tự vẫn ở tuổi 25. Chiếc “thòng lọng” bình luận ác ý trên mạng xã hội, một dạng bắt nạt qua mạng, khiến Sulli bị trầm cảm dẫn đến cái chết. Sau khi xem lại những chia sẻ của Sulli trước khi qua đời, nhiều người cho rằng nguyên nhân dẫn đến quyết định tự tử của cô là do áp lực và trầm cảm. Vấn đề trầm cảm của Sulli được cho là xuất phát từ những bình luận ác ý của “hater” (danh từ chỉ những người chuyên bình luận tiêu cực, tung tin đồn gây hại cho nghệ sĩ).
Ở VN, những câu chuyện tương tự không phải hiếm và xảy ra với cả người nổi tiếng cũng như người bình thường. Bắt nạt trên mạng đầy rẫy trên internet và hầu hết người trẻ đã trải qua hay chứng kiến điều đó một vài lần. Người ta có thể dễ dàng miệt thị, xúc phạm những người mình chưa từng gặp mặt.
Nguyễn Ngọc Bảo Hân (19 tuổi), mẫu ảnh của Local Brands VN, tài khoản Instagram có 278.000 người theo dõi, cho biết: “Cộng đồng mạng đang giết từng người một, người mà họ không hề quen biết. Bàn phím là những con dao, những lời nói được phóng ra lao thẳng vào đối tượng trước mặt, nhưng họ lại lầm tưởng rằng làm vậy là thẳng thắn, cá tính. Chính tôi cũng từng là nạn nhân của tin đồn, tin giả. Những người có tầm ảnh hưởng, những người nổi tiếng rất hay bị người khác miệt thị, mà 80% là người lạ”.
Theo Beautiful Mind VN, một tổ chức do bạn trẻ lập ra để hỗ trợ các vấn đề về tâm lý, giữa tháng 6.2015, nữ sinh N.T.A.T (15 tuổi, ở Đồng Nai), bị bạn trai tung clip sex lên mạng. Chỉ trong 2 ngày, có gần 300.000 lượt xem, 18.000 lượt thích, 4.000 lượt chia sẻ, hàng ngàn bình luận, vừa đay nghiến vừa cợt nhả. Bố mẹ T. van xin cộng đồng mạng “hãy tha cho cháu”.
Cộng đồng mạng đang giết từng người một, người mà họ không hề quen biết. Bàn phím là những con dao, những lời nói được phóng ra lao thẳng vào đối tượng trước mặt, nhưng họ lại lầm tưởng rằng làm vậy là thẳng thắn, cá tínhNguyễn Ngọc Bảo Hân (mẫu ảnh của Local Brands VN) |
Bùi Q.H, học sinh một trường THCS tại Yên Bái, vào ngày 17.9.2016 sau khi đi học về đã bị một nhóm thanh niên chặn lại ở cổng trường, đánh liên tiếp bằng gậy cao su, bắt em quỳ và chắp tay xin tha trong khi có rất nhiều bạn bè trong trường qua lại. Chưa dừng lại ở đó, clip em bị đánh được tung lên mạng. H. bị chẩn đoán chấn động não và tổn thương nặng nề về tâm lý. Sau khi về nhà, em cảm thấy xấu hổ vì nhiều người nhìn thấy mình quỳ gối. Ngày 24.9, em thấy clip mình bị đánh được phát tán lên mạng. Ngày 25.9, mẹ của em phát hiện con mình treo cổ tự tử.
Học sinh bị bắt nạt trên mạng ngày càng tăng
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhắc lại câu chuyện nữ sinh lớp 8 mang xăng đốt Trường THCS Phạm Ngũ Lão (Khánh Hòa), khiến hai chân bỏng nặng, phải nhập viện chỉ vì lời đùa trên mạng xã hội, gây xôn xao dư luận năm 2016.
Tiến sĩ Kiên cho biết bà từng vào Khánh Hòa gặp giáo viên nhà trường và cả gia đình, học sinh (HS), nghe họ trình bày về sự việc, để hiểu hơn diễn biến tâm lý của nạn nhân. Theo chia sẻ của HS, ban đầu, em chỉ muốn "giật tít câu like", hành động bộc phát khi lứa tuổi chưa ổn định tâm lý. Tuy nhiên, sau khi nhận được hơn 1.000 like chỉ trong nháy mắt, HS này bị dồn ép bằng tin nhắn, ép buộc phải đốt trường đi. Do quá sợ hãi, em đã mua xăng và khi đang loay hoay đốt phòng y tế thì bị phát giác. Bản thân em cũng bị bỏng, cùng với sang chấn tâm lý nặng nề.
Tại VN, từ năm 2015 đến nay, tiến sĩ Kiên và các chuyên gia đến từ ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, có 10 nghiên cứu về bắt nạt trực tuyến, khảo sát trên 5.000 HS, giáo viên, chuyên gia.
Tháng 1.2019, nhóm đưa ra kết quả: Cứ 10 HS thì có 3 em bị bắt nạt qua mạng. Hậu quả là nhiều em căng thẳng, thậm chí tự tử. Kết quả cho thấy, năm 2015 có 24% HS cấp THCS và THPT tham gia khảo sát là nạn nhân của ít nhất một hình thức bắt nạt trên mạng. Đến 2016, tỷ lệ này tăng lên 35,7%. Năm 2018, kết quả nghiên cứu tại 3 địa phương Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa cho thấy gần 34% HS cấp THCS, THPT tham gia bắt nạt qua mạng với vai trò khác nhau như nạn nhân, thủ phạm, vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm.
Ngoài, ra, nhóm nghiên cứu của Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng gồm các thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Hạnh và Nguyễn Thị Phương Trang, đã có nghiên cứu khảo sát, phân tích thực hiện trên 500 HS THPT tại 2 trường THPT trên địa bàn TP. Đà Nẵng về tình trạng bắt nạt trực tuyến. Kết quả phân tích số liệu cho thấy có 32,9% HS không bao giờ bị bắt nạt trực tuyến, 22,1% HS hiếm khi bị, 28,4% HS thỉnh thoảng bị, 7,7% HS thường xuyên bị bắt nạt, 9% HS rất thường xuyên bị bắt nạt trên mạng.
Nhóm nghiên cứu cho hay, ở những HS bị bắt nạt, kết quả phân tích cho thấy có tương quan thuận ở mức thấp của các vấn đề cảm xúc như stress, lo âu, trầm cảm và vấn đề hành vi như tăng động, khả năng kiểm soát kém và tính bất thường với việc bị bắt nạt. (còn tiếp)
“Lời bình luận tưởng vô hại, nhưng có thể đẩy ai đó tới cái chết”
Diễn viên - người mẫu Châu Bùi (tên thật là Bùi Thái Bảo Châu, 22 tuổi, sinh ra tại Hà Nội, từng tham gia phim Em chưa 18) cho biết nếu như trước đây, việc bắt nạt chỉ có thể xảy ra trực tiếp thì bây giờ, trong thời đại bùng nổ mạng xã hội, hình thức bắt nạt nguy hại không kém là trên mạng xã hội, và cô cũng từng là nạn nhân.
“Tôi mong muốn tất cả mọi người đặt mình vào vị trí của người khác, hãy quan tâm cảm xúc của người khác, bởi ngay cả những lời nói, bình luận trên mạng mà bạn nghĩ rằng vô hại, cũng có thể trở thành nguyên nhân cho cái chết của một ai đó. Lời nói tiêu cực có tính sát thương mạnh hơn bạn tưởng”, Châu Bùi chia sẻ.
Thúy Hằng
|
Vấn đề phổ biến khi người trẻ sử dụng internet
Theo tiến sĩ Trần Văn Công, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), bắt nạt trực tuyến là khi một người hay một nhóm người cố ý đăng, gửi, hoặc chia sẻ, truyền đạt liên tục thông tin cá nhân mà không được phép, thông tin tiêu cực, đe dọa, sai sự thật về ai đó trên internet thông qua các ứng dụng và các thiết bị điện tử làm ảnh hưởng đến danh dự, gây tổn thương cho họ.
Ngày 6.9, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc công bố một kết quả khảo sát về bạo lực trẻ em. Có đến 1/3 thanh thiếu niên ở 30 quốc gia cho biết họ đã từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng. Trong đó, 1/5 cho biết đã từng bỏ học vì bị bắt nạt trên mạng và bạo lực. Gần 3/4 thanh thiếu niên cho biết mạng xã hội như: Facebook, Instagram, Snapchat và Twitter là những nền tảng phổ biến nhất xảy ra bắt nạt trên mạng.
|
Bình luận (0)