|
Thuận lợi và thách thức
Nằm cách trung tâm tỉnh Đồng Tháp khoảng 40 km, VQG Tràm Chim có diện tích 7.313 ha, nổi tiếng với hơn 232 loài chim; trong đó có 32 loài chim quý hiếm, được bảo tồn cấp quốc gia và quốc tế như: sếu đầu đỏ, giang sen. Ngoài ra, Tràm Chim còn có 150 loài cá nước ngọt, 174 loài thực vật nổi… Đặc biệt, VQG Tràm Chim là vùng đất còn sót lại lớn nhất của hệ sinh thái Đồng Tháp Mười, có hệ sinh cảnh độc đáo không còn tìm thấy ở Đông Dương. Chính vì thế, vào ngày 22.5.2012, VQG Tràm Chim đã được Ban Thư ký công ước Ramsar trao bằng chứng nhận là khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới. Bên cạnh đó, Tràm Chim cũng được Tổ chức Bảo tồn chim quốc tế xếp vào 1 trong 8 vùng chim quan trọng ở vùng nước ngọt của Việt Nam.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, từng là Chuyên gia về đất ngập nước thuộc Quỹ bảo vệ động vật hoang dã Quốc tế (WWF) cho rằng VQG Tràm Chim xứng đáng là khu Ramsar đầu tiên của ĐBSCL và khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam vì đáp ứng được 5 trong số 9 tiêu chí do Ramsar đề ra. Ông Thiện nhận định: “Được Ban Thư ký công ước Ramsar công nhận, VQG Tràm Chim sẽ có lợi thế rất lớn để phát triển du lịch sinh thái; đồng thời nhận được sự hỗ trợ của các chuyên gia trong và ngoài nước về những đóng góp chuyên môn cũng như cách thức áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, khi được thế giới biết tới và nhắc đến nhiều hơn trong các diễn đàn quốc tế về bảo tồn và sử dụng đất ngập nước, VQG Tràm Chim có cơ hội được Ban Thư ký công ước Ramar hỗ trợ và tăng thêm sự chú ý từ các quỹ bảo tồn khác”.
Tuy nhiên, VQG Tràm Chim vẫn còn đó những thách thức, như: tình trạng gia tăng dân số trong vùng đệm; nhiều hộ dân lén lút săn bắt cá và chim thú; thậm chí còn có người còn đưa trâu, bò, gà, vịt vào VQG… Nhìn nhận vấn đề này, UBND tỉnh Đồng Tháp và Ban quản lý VQG Tràm Chim đã đưa ra một số giải pháp mang tính định hướng, như: tăng cường tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý và tăng cường lực lượng bảo vệ; xây dựng đề án bảo tồn và phát triển VQG Tràm Chim từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030...
Tiềm năng du lịch
Theo ông Võ Tiến Thành, Phó tổng giám đốc Công ty CP Du lịch tỉnh Đồng Tháp, VQG Tràm Chim là nơi có tiềm năng để phát triển du lịch và nghiên cứu khoa học mà tới nay, địa phương vẫn chưa khai thác hết. VQG Tràm Chim vào mùa khô và mùa nước nổi đều thu hút khách du lịch với những điểm nhấn đặc thù. Ông Thành cho biết qua nghiên cứu, công ty đã mạnh dạn đưa ý tưởng du lịch Tràm Chim mùa nước nổi vào tour du lịch mới.
Mùa nước nổi không gì tuyệt vời bằng khi dong xuồng len lỏi trong mênh mang rừng tràm, tưởng như đang lạc vào vùng đất hoang sơ. Len qua các cánh rừng, du khách có thể ngắm các ổ chim dòng dọc, rừng sen rộ nở như một Đồng Tháp Mười thu nhỏ. Đặc biệt, Tràm Chim vẫn còn lúa ma – một loài lúa hoang dại kỳ lạ, chỉ xuất hiện trong mùa lũ, có thân dài luôn vượt lên mặt nước dù nước cao tới đâu. Theo anh Nguyễn Văn Hùng, một du khách đến từ TP.HCM, đẹp nhất là có mặt ở Tràm Chim vào trước lúc bình minh hay buổi chiều tà. Bởi đấy là thời điểm chim rời tổ hay về tổ; chúng bay rợp trời, kêu hót vang lừng… Leo lên đài Vọng Cảnh cao 20 m, ngắm toàn cảnh VQG Tràm Chim, du khách thấy mình như chìm khuất giữa thiên nhiên rộng lớn.
Đến VQG Tràm Chim, du khách còn có thể trải nghiệm cảm giác làm ngư dân thứ thiệt. Trên cánh đồng nước mênh mông, khách dùng chài, câu, lưới đánh bắt cá giữa bốn bề gió lộng, dưới nước cá đớp mồi, trên trời vang tiếng chim kêu. Du khách sẽ vô cùng thích thú khi nhìn cảnh chim săn mồi, những cánh cò bay chấp chới, nghe tiếng chim chích chòe kêu rộn ràng... Sau một ngày tham quan thú vị, khách ngồi bình thản thưởng thức món cá lóc cuốn lá sen non, chuột đồng quay lu… và dĩ nhiên không thể bỏ qua món khô cá trê trứ danh, đặc sản rừng tràm.
Thanh Dũng
>> Tràm Chim được công nhận là khu Ramsar
>> Người canh giữ Tràm Chim
>> Đăng ký Vườn quốc gia Tràm Chim vào Ramsar
>> Cháy Vườn quốc gia Tràm Chim
>> Về Tràm chim Ăn cơm "lúa ma", coi chim hạc múa
>> Sếu đã về Tràm Chim
Bình luận (0)