Đây là mô hình, giải pháp tiêu biểu trong công tác Hội của Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM, do Hội Sinh viên các trường trong Cụm liên kết hoạt động số 4 Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM thực hiện.
Nơi giúp sinh viên "sạc" đầy cảm xúc tích cực
Cặn kẽ hơn về ý tưởng ra đời của "Trạm dừng cảm xúc", Nguyễn Tuấn Đạt, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, kể về câu chuyện đáng buồn liên quan đến sức khỏe tâm thần khiến Đạt cứ trăn trở mãi. Đạt từng chứng kiến sự phát triển của một người bạn từ những ngày đầu khi còn là tân sinh viên. Bạn là một cô gái rất nhiệt huyết, luôn sáng tạo và tràn đầy năng lượng trong mọi hoạt động, từ học tập đến các phong trào. Nhưng rồi vì một lý do nào đó, bạn rơi vào trầm cảm. Bạn dần xa cách mọi người, ánh mắt buồn bã, mất đi sự nhiệt huyết vốn có, và cuối cùng phải tạm ngưng việc học để điều trị.
"Chứng kiến điều đó, mình nhận ra sức khỏe tâm thần quan trọng đến mức nào đối với mỗi người. Nó không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần mà còn tác động rất lớn đến học tập, công việc và cuộc sống của sinh viên. Hiện nay, thực trạng này đang phổ biến. Chính vì vậy, ý tưởng về dự án "Trạm dừng cảm xúc" ra đời với mong muốn tạo ra một không gian an toàn và tích cực, nơi mọi người có thể tìm được sự hỗ trợ và đồng hành khi cần", Đạt chia sẻ.
Về cái tên "Trạm dừng cảm xúc", Đạt nói: "Ban đầu, tụi mình đặt cái tên này cho kênh podcast, với ý nghĩa là một điểm dừng để mọi người có thể tạm nghỉ ngơi giữa nhịp sống hối hả. Nó giống như một nơi để lắng nghe bản thân, cảm nhận rõ hơn những suy nghĩ và cảm xúc của mình. Tụi mình muốn "Trạm dừng cảm xúc" là nơi mà ai cũng có thể ghé qua sau những ngày dài mệt mỏi hoặc khi tâm trạng không ổn định. Đó là nơi để nạp lại năng lượng và sẵn sàng bước tiếp".
Mỗi tập podcast của dự án đều bắt đầu bằng câu: "Và đây là Trạm dừng cảm xúc - một người bạn luôn ở đây để sạc đầy cảm xúc tích cực và sẵn sàng lắng nghe mọi tâm sự của bạn". Vì ý nghĩa tích cực và gần gũi mà cái tên này mang lại, nên các bạn đã quyết định dùng tên "Trạm dừng cảm xúc" cho toàn bộ chuỗi hoạt động của dự án.
Theo Đạt, "Trạm dừng cảm xúc" giống như một người bạn đồng hành đáng tin cậy của sinh viên thành phố, một người luôn ở bên cạnh để lắng nghe và sẻ chia. Dự án giúp sinh viên nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần và dũng cảm đối diện với những vấn đề mình đang gặp phải.
"Nhưng hơn cả một nơi để hỗ trợ, "Trạm dừng cảm xúc" còn là một sự động viên tinh thần cho các bạn trẻ. Khi biết rằng xung quanh mình luôn có những người anh, người chị và những người bạn sẵn sàng lắng nghe và đồng hành, các bạn sẽ cảm thấy an tâm hơn, bớt cô đơn hơn khi đối mặt với những thử thách trong cuộc sống", Đạt bày tỏ.
Dự án có sự tham gia của các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần, hội sinh viên các trường cùng nhiều sinh viên quan tâm đến vấn đề này. Thành phần tham gia dự án đa dạng đã tạo nên một bức tranh tổng thể vừa gần gũi vừa chuyên môn, giúp dự án chạm đến những vấn đề thiết thực mà các bạn trẻ đang đối mặt, đồng thời mang lại hiệu quả hỗ trợ rõ ràng và tích cực.
Khi sinh viên giải quyết vấn đề sức khỏe tâm thần cho sinh viên
Ngay từ những ngày đầu của dự án, điều khiến các thành viên trăn trở nhất là trước khi có thể giúp đỡ sinh viên, người trẻ, thì các thành viên phải thật sự hiểu các bạn trước. "Hiểu những gì các bạn đang trải qua, những khó khăn các bạn gặp phải, có như vậy mình mới có thể chạm đến và hỗ trợ đúng những gì cần giúp đỡ. Mỗi thế hệ, mỗi ngành học, mỗi môi trường đều có những đặc điểm riêng, kéo theo những áp lực khác nhau. Vì vậy, việc tìm ra một điểm chung để xây dựng các hoạt động và nội dung phù hợp là điều vô cùng quan trọng", Đạt kể.
Để thực hiện được dự án này, đầu tiên Đạt cùng các thành viên của dự án đã thực hiện một nghiên cứu cấp cơ sở về chủ đề: "Tình trạng rối loạn lo âu, trầm cảm và các yếu tố liên quan của sinh viên TP.HCM". Kết quả từ nghiên cứu này chính là nền tảng để xây dựng nội dung và định hướng cho toàn bộ hoạt động của dự án.
"Trạm dừng cảm xúc" là một chuỗi hoạt động kết hợp cả trực tuyến lẫn trực tiếp, hướng đến việc hỗ trợ tinh thần cho sinh viên. Trong đó, các bạn thành lập fanpage để chia sẻ những thông điệp tích cực, hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe tinh thần và yêu thương bản thân mỗi ngày. Ngoài ra, dự án còn có kênh podcast, nơi khai thác và phân tích các vấn đề tạo áp lực cho sinh viên qua những câu chuyện gần gũi trong cuộc sống hằng ngày. Mỗi tập podcast không chỉ gợi mở sự lắng nghe và đồng cảm mà còn đưa ra những gợi ý thiết thực để sinh viên có thể vượt qua khó khăn.
Về hoạt động trực tiếp, dự án tổ chức các buổi tọa đàm và tư vấn với sự tham gia của các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần. Đây là cơ hội để sinh viên được gặp gỡ, trò chuyện, chia sẻ trực tiếp về những vấn đề mình đang gặp phải. Qua đó, các bạn sẽ hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần và học cách chăm sóc tinh thần một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, dự án còn phối hợp với nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch biên soạn cuốn cẩm nang "Nhận diện và chăm sóc sức khỏe tâm thần cho sinh viên". Cuốn cẩm nang này được gửi tặng sinh viên, giúp các bạn có thêm thông tin hữu ích về việc chăm sóc sức khỏe tinh thần.
Điều đặc biệt, tất cả sản phẩm mà dự án tạo ra đều được chính các bạn sinh viên thực hiện. Từ việc lên ý tưởng, viết nội dung, thu podcast cho đến thiết kế những ấn phẩm truyền thông trên fanpage, tất cả đều là kết quả của sự sáng tạo và nỗ lực không ngừng của sinh viên thành phố. Điều này không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm mà còn là minh chứng rõ ràng cho sự quyết tâm cống hiến vì cộng đồng của sinh viên thành phố mang tên Bác.
Đến nay, kênh podcast của dự án đã đạt hơn 2 triệu lượt nghe, tổ chức được nhiều buổi tọa đàm tại các trường đại học, cao đẳng và học viện, thu hút hàng ngàn sinh viên tham gia; trao tặng hơn 5.000 cuốn cẩm nang...
Trong thời gian tới, Đạt cho biết dự án sẽ tiếp tục mở rộng sự tham gia của các chuyên gia, thu hút thêm thành viên từ các trường. Đồng thời, dự án cũng không ngừng cải thiện cách thức hoạt động để ngày càng phát triển vững vàng hơn.
Phạm Trần Trúc Anh, sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, từng tham gia các hoạt động của dự án, cho biết dự án là nơi mà Trúc Anh hay gọi là ký gửi cảm xúc. Vì ở đây mọi người có thể tìm được những người hoặc những câu chuyện giống với bản thân, đọc các bài viết hay nghe những mẩu podcast cảm thấy như được đồng cảm, được vỗ về, nhìn thấy được hình ảnh của bản thân.
"Ngoài ra mình thấy khá thu hút khi dự án có các chuyên gia, bác sĩ về tâm lý, mà nhiều khi bên ngoài khó tiếp cận được họ. Ở đây tụi mình có thể thoải mái đặt câu hỏi, thậm chí là ẩn danh, qua các tọa đàm, như một cơ hội hiểu hơn về cảm xúc của bản thân. Từ đó, mình thấy giải quyết được nhiều khúc mắc, cảm thấy được "chữa lành" nhiều hơn", Trúc Anh bày tỏ.
"Trạm dừng cảm xúc" không chỉ dừng lại ở sinh viên, mà còn là một thông điệp mà các thành viên dự án gửi đến cộng đồng. "Mình mong rằng các ban ngành, đoàn thể, và cả doanh nghiệp sẽ quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tâm thần của giới trẻ, những người sẽ là nguồn nhân lực quan trọng cho sự phát triển của thành phố, đất nước trong hôm nay và mai sau. Bởi vì bên cạnh một cơ thể khỏe mạnh, thì một tinh thần vững vàng cũng là chìa khóa để học tập, làm việc và sống tốt hơn", Đạt kỳ vọng.
Bình luận (0)