Tràm, đước rớt giá, người trồng liêu xiêu

Gia Bách
Gia Bách
24/06/2021 06:16 GMT+7

Nhiều hộ dân trồng rừng kinh tế tại Cà Mau đang điêu đứng vì giá gỗ tràm, gỗ đước giảm sâu và bán không ai mua.

Bán giá rẻ cũng không ai mua

Cả tháng nay, ông Nguyễn Minh Mẫn (ngụ ấp 13, xã Nguyễn Phích, H.U Minh, Cà Mau) vẫn không tìm được người mua hơn 2 ha rừng tràm thâm canh của gia đình đã tới kỳ thu hoạch, dù ông kêu giá chỉ 48 triệu đồng/ha, thấp hơn 1/3 lần so với những năm trước.
Cùng cảnh ngộ, ông Phạm Thành Tài (ngụ xã Nguyễn Phích) cho biết năm trước cừ tràm có giá 40.000 đồng/cây, nhưng hiện giờ cao nhất chỉ 32.000 - 33.000 đồng/cây.
Toàn ấp 13 hiện còn khoảng 20 hộ có tràm chưa bán được, dù phương án khai thác đã hoàn tất. Ông Lý Hồng Duẩn, cán bộ phụ trách nông - lâm - ngư UBND xã Nguyễn Phích, cho biết: “Hiện giá tràm tại các bãi kinh doanh cừ tràm U Minh chỉ ở mức 2/3 so với các năm trước. Tràm thâm canh đã khó bán thì tràm quảng canh còn thê thảm hơn, hiện giá chỉ bằng một nửa so với tràm thâm canh nên bà con trồng tràm đang gặp khó khăn”.
Theo Công ty TNHH MTV lâm nghiệp U Minh Hạ, hiện có khoảng 2.000 ha tràm quảng canh không tiêu thụ được. Do chi phí khai thác giữa tràm thâm canh và quảng canh bằng nhau nhưng sản lượng tràm thâm canh lại cho gấp đôi. Diện tích trồng tràm bản địa quá lớn khiến nguồn cung vượt cầu. Ngoài ra, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến cho các hoạt động xây dựng bị đình trệ, nên lượng cừ tràm bị ùn ứ.

Người dân phải chạy tìm nhà thầu

Tại H.Ngọc Hiển (Cà Mau), giá gỗ đước cũng giảm mạnh. Những năm trước, với 1 ha rừng đước, người trồng khai thác được khoảng 400 m3 gỗ, giá bán bình quân 1 triệu đồng/m3, có lúc tăng lên 1,2 triệu đồng/m3. Thế nhưng năm nay giá các nhà thầu mua chỉ 400.000 - 500.000 đồng/m3.
Ông Tô Văn Dưng (ngụ ấp Ông Ðịnh, xã Tân Ân Tây, H.Ngọc Hiển) cho biết rừng đước của gia đình ông đã trồng gần 20 năm mới khai thác, nhưng lại đúng vào năm giá rớt thê thảm. “Trồng đước là cơ hội thay đổi cuộc sống của người dân, bởi khi khai thác rừng, người dân mới có tiền xây, sửa nhà khang trang hơn, rồi lo cho con cái học hành tới nơi tới chốn... Còn hiện nay, giá gỗ đước rớt như vậy khiến mọi dự định của gia đình tôi đều dở dang”, ông Dưng than thở.
Gỗ đước được H.Ngọc Hiển cơ cấu thành ngành hàng chủ lực của địa phương, là một trong những đột phá để nâng cao cuộc sống người dân. Nhưng hiện nay, người dân phải chạy tìm người mua, trong khi người mua không tìm được mối tiêu thụ nên cũng chỉ mua vào ở mức cầm chừng để tạo việc làm cho nhân công lao động. Bên cạnh đó, ông Lâm Toàn (ấp Ông Ðịnh, xã Tân Ân Tây) cho biết: “Phần lớn các nhà thầu thu mua cây rừng vẫn phải qua đấu giá do các ban quản lý rừng tổ chức, ai trúng thầu sẽ được thu mua. Thực tế, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 khiến giá gỗ đước sụt giảm và nhiều nhà thầu khi trúng thầu rồi nhưng lấy lý do dịch để ép giá người dân”.
Nhiều người dân lo lắng nếu không khai thác đước, mật độ rừng che phủ quá dày sẽ ảnh hưởng đến tôm nuôi, đời sống người dân cũng vì thế mà khó khăn hơn. Trong khi đó, ông Tạ Minh Mẫn, Phó trưởng ban Quản lý rừng Ðất Mũi (H.Ngọc Hiển), thông tin: “Giá cây đước trên địa bàn huyện đang giảm mạnh. Chúng tôi đã tổ chức họp dân để công khai cho bà con lựa chọn nhà thầu. Ngoài ra, chúng tôi cũng mời gọi nhiều nhà thầu để tăng mức giá cây, tăng được bao nhiêu thì mừng cho bà con bấy nhiêu. Nhưng thời gian qua, hầu hết các nhà thầu vẫn mua gỗ ở mức giá rất thấp”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.