Theo ông Hoàng Đạo Thúy trong cuốn Hà Nội thanh lịch, lúc đó kiểu guốc Sài Gòn được ưa chuộng cùng với áo cánh cổ thìa. Đôi guốc Sài Gòn “thấp gọn và xinh” khiến các cô Hà Nội rất thích. Phố Hàng Dép, đầu Hàng Bồ là hàng bày nhiều guốc nhất: “chiến thắng trên phản bày hàng là “guốc Sài Gòn”. Nhẹ, gọn, xinh xắn, rẻ tiền, gót sen đi lách cách, không guốc nào sánh kịp”.
Tuy có loại guốc được ưa chuộng ở xứ Bắc, không phải hầu hết dân chúng miền Nam lúc đó đều có đôi guốc dưới chân. Đa số dân chúng nông thôn đi chân không, trừ lúc đi tắm buổi chiều tối mang guốc cho sạch chân chuẩn bị đi ngủ, hoặc có một đôi để dành đi xa hoặc dự tiệc. Tuy vậy đối với dân Sài Gòn, guốc đã phổ biến, được dùng cả ngày. Theo tác giả Vương Đằng, trước khi có kiểu guốc tân thời được ưa chuộng, trước năm 1910, ở miền Nam đã có guốc vông làm bằng thân cây vông. Nhưng hồi xưa, ai làm nấy xài, vừa dày vừa thô. Quai guốc thời ấy đơn giản, cái gì cũng có thể dùng làm quai nếu chắc và dẻo. Ông Vương Đằng xác định từ năm 1910, loại guốc một quai, đóng đinh hai đầu quai, vắt ngang năm đầu ngón chân được truyền bá bắt đầu từ Sài Gòn (nên gọi là “guốc Sài Gòn”), rồi lan khắp miền Nam và khắp cả nước.
|
Báo Lục Tỉnh Tân Văn ra tháng 9.1919 nhắc đến một “tiệm đẽo guốc” - tức nơi sản xuất guốc, quảng cáo “đờn bà Annam mang guốc này mới thiệt sang trọng”. Tiệm này xuất phát từ “một nhóm anh em ở Sài Gòn hùn nhau” mở ra tại đường Cần Giuộc số 11 (...). Tiệm giới thiệu với sự tự hào khi có phong trào dùng đồ nội hóa, tẩy chay hàng Tàu: “Guốc tiệm chúng tôi bán ra, tay của thợ Annam làm với cây trong đất Annam, da trong xứ Annam, đinh của Langsa, dầu sơn của Langsa, chẳng dùng món nào của China hết thảy. Chúng tôi tưởng tuy là nghề hèn mọn mặc dầu, nhưng mà có cho Annam dùng, khỏi dùng guốc Khách trú”. Guốc có nhãn in chữ Annam, ghi số và giá tiền.
Cho đến thập niên 1930, mặt hàng guốc đã rất thịnh hành và có nhiều thương hiệu cạnh tranh nhau. Giới chủ làm guốc đầu tư máy móc, thu mua nguyên liệu để sản xuất guốc. Đến năm 1933, chưa thoát khỏi khủng hoảng kinh tế nhưng đọc trên nhật báo Sài Gòn (số 177, 5.12.1933) thấy tiệm Guốc Cầu Kiệu ở số 478 Paul Blanchy (Hai Bà Trưng hiện nay) là tiệm lâu năm, quảng cáo làm guốc bằng máy móc tinh xảo, được sơn loại tốt nhất và cần mua nhiều loại gỗ tốt để làm guốc. Tiệm có thợ người Nam, sơn mài theo lối Bắc, rất kỹ lưỡng, kiểu dáng nhã nhặn, lại rẻ tiền, nhiều màu sơn đẹp, bền chắc. Nếu cần có xe hơi giao hàng đi lục tỉnh, có địa chỉ bán ở Cần Thơ và Phnom Penh và có kho trữ hàng ở chợ Sài Gòn (Bến Thành). Bộ tranh ký họa Monographie dessinée de l’Indochine: Cochinchine do học sinh Trường Vẽ Gia Định xuất bản năm 1935 có bức tranh vẽ bảy đôi guốc với các kiểu dáng khác nhau: có guốc cao gót, có đôi có quai đục lỗ trang trí, quai chéo, có đôi kiểu dáng chữ nhật thô sơ dùng ở nông thôn…
Tuy guốc Sài Gòn có lúc vang danh ở xứ Bắc, nhiều thợ thủ công xứ Bắc vốn giỏi nghề thủ công từ ngàn xưa đã vào Sài Gòn làm guốc cho tiệm guốc Phù Lưu của ông Phạm Văn Viên ở số 111 đường Lagrandière (nay là Lý Tự Trọng). Tiệm này tự hào quảng cáo trên báo Tân Văn (số 26, 19.1.1935): “Rất đẹp mà nhã, là guốc Phù Lưu”. Lời giới thiệu của tiệm chú trọng sự thoải mái của người mang: “Guốc mang vừa lịch sự, tính theo khoa học không hại vệ sinh. Chơn đi được tự nhiên không phải chúi vào, xiêu lệch, được nở nang theo sức khỏe”.
Về nghề làm guốc, báo Khoa học (số 40, 15.2.1933) có bài của Thiện Dư Hoàng Mạnh Khánh khá chi tiết, cho rằng nghề này có lợi to, nhiều người làm. Người ngoài Bắc đem cả thợ vào Nam kỳ mở hiệu guốc. Gỗ để đẽo guốc thường dùng gỗ vành bè, gỗ trám chẩu, gỗ xoan, gỗ vạng…; gỗ phải thẳng thớ mới làm được guốc. Guốc đẽo và bào xong phải để cho khô mới đem sơn. Bài viết cho thấy kỹ thuật làm guốc khá công phu, nhất là để sử dụng ngoài Bắc do thời tiết khắc nghiệt hơn trong Nam, chất liệu sơn ta được tận dụng triệt để để chống nứt nẻ cho guốc.
Thập niên 1960, ở Sài Gòn vẫn thấy các cô, các bà đi guốc, nhiều đôi vẽ hoa trong lòng guốc, quai bằng nhựa trắng trong hơi ngả vàng. Lúc đó không còn nghe tiếng khua guốc kêu lóc cóc nữa vì guốc đã được lót đế bằng cao su cho êm và lâu mòn. Giữa thập niên 1960, phụ nữ có nhiều chọn lựa cho đôi chân của mình. Họ thích đi lại đôi hài cườm diện với áo dài, sau đó là trào lưu guốc cao gót mũi nhọn, một biến thể của đôi guốc Việt nhưng xuất xứ từ phương Tây. Cho đến sau 1975, vẫn thấy có người mang đôi guốc gỗ quai nhựa trong, sơn trắng và quang dầu bóng.
(Trích từ Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm - Công ty Phan Book và NXB Đà Nẵng liên kết xuất bản 2021)
Bình luận (0)