Chẳng cứ phải là người Nam bộ mà hầu như trên khắp thế giới, ở đâu cũng có làn điệu "ru" (ru em, ru con…). Ở VN thì Bắc, Trung, Nam đều có những bài ru con. Cùng với điệu "ru" lại có "lý", miền Bắc thì Lý cây đa, Lý hái hoa, Lý giao duyên…; miền Trung Lý con sáo, Lý hoài nam, Lý chim quyên...; miền Nam thì Lý ngựa ô, Lý quạ kêu, Lý đất giồng… Tuy thế, ở Nam bộ, từ những bài dân ca đã phát triển ra nhiều làn điệu hoặc hình thức nghệ thuật khác như: đờn ca tài tử, ca ra bộ, cải lương… Từ cuối thế kỷ 19 đến những năm 1910, âm nhạc Nam bộ đã hoàn thiện hệ thống bản tổ và "tài tử hóa" dân ca, nhất là thể loại "lý".
Đầu thế kỷ 20 đã có những nhạc sư đem nhạc lễ từ cung đình Huế vào phương Nam rồi truyền dạy và sáng tạo thành loại hình đờn ca tài tử. Nhạc sư Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi, 1855 - ?), từng dạy đội ca múa nhạc của triều đình Huế, đã vào truyền dạy ở vùng Cần Đước (Long An), Lê Tài Khị (Nhạc Khị, 1870 -1946) dạy tại Bạc Liêu và Kinh lịch Trần Quang Quờn (thầy Ký Quờn, 1870-1948) dạy ở Vĩnh Long. Nhờ sự truyền dạy và sáng tạo này mà khắp Nam bộ loại hình đờn ca tài tử phát triển rầm rộ, làm cho kho tàng âm nhạc Nam bộ thêm đa dạng và phong phú hơn. Giai đoạn này còn là sự thi thố tài năng giữa hai khu vực miền Đông (Ba Đợi) và miền Tây (Nhạc Khị và Ký Quờn) đã đem lại những hiệu quả tốt đẹp và là thời hoàng kim sáng chói nhất trong lịch sử nhạc tài tử.
Theo giáo sư Trần Văn Khê, từ năm 1917, Trần Quang Quờn đã "có sáng tác vài chục bài bản mới" như Hiệp điệp xuyên hoa, Cứ hổ báo nhập trọng địa và Dạ bán chung thinh. Còn ở Bạc Liêu, năm 1919 đánh dấu sự ra đời của bản Dạ cổ hoài lang do nhạc sĩ Cao Văn Lầu (học trò của Nhạc Khị) sáng tác. Bản Dạ cổ hoài lang mỗi câu có 2 nhịp, các nghệ sĩ hậu bối đã chuyển thành 4 nhịp, rồi 8 nhịp mà hình thành nên bài vọng cổ đầu tiên.
Giáo sư Trần Văn Khê từng nhận định: "Nét nhạc của bài Dạ cổ hoài lang có mấy chỗ giống như nét nhạc của bài Hành Vân, lại mang hơi hướng của cách ru em miền Nam nên dễ đi vào lòng người". Còn thạc sĩ Huỳnh Khải cho rằng bài Dạ cổ hoài lang là sự hòa quyện của nhạc cung đình miền Trung và âm hưởng các điệu lý Nam bộ, sau khi trở thành vọng cổ "thì theo cấu trúc mở, mở ra con đường để người ta sáng tạo".
Người viết may mắn được nhiều lần gặp gỡ tiến sĩ Nguyễn Lê Tuyên (Úc). Mỗi lần về nước, anh lại trao cho tôi những tư liệu quý báu về ca cổ Nam bộ khoảng 100 năm trước mà anh sưu tầm được từ nước ngoài. Ngày 3.12.2016, anh Tuyên phát hiện những hiện vật cổ từ Triển lãm Toàn cầu Paris năm 1900. Trong triển lãm này, nhà nhân chủng học Léon Azoulay đã thực hiện một bộ sưu tập thu âm với khoảng 400 ống sáp (wax cylinder), thu nhiều thể loại âm nhạc và tiếng nói của các dân tộc trên thế giới. Một bài ca của Nam bộ đã được thu âm trong bộ sưu tập lịch sử này với tên là Chant populaire d'amour. Qua một giọng ca nữ người Sài Gòn, lời ca phơi bày nỗi niềm thân phận của người phụ nữ VN như là một phiên bản "dạ cổ" của thế kỷ 19.
Tiến sĩ Nguyễn Lê Tuyên đã cùng với thạc sĩ âm nhạc dân tộc Huỳnh Khải ký tự và tạm đặt tên cho bản thu âm này là Vọng lang. Điều thú vị là chữ "lang" không hề được sử dụng trong Dạ cổ hoài lang (có sau bài này 19 năm) nhưng lại xuất hiện nhiều lần trong bản thu âm năm 1900 với các cụm từ như "vọng lang", "bạn lang" và "nữ lang". Hai bài có một số ca từ hoàn toàn giống nhau như "luống trông", "tào khang", "ong bướm" và "duyên sắt/cầm".
Phân tích chất liệu âm nhạc về thang âm, giai điệu và tiết tấu cho thấy Vọng lang chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của nhiều bài nhạc tài tử. Thạc sĩ Huỳnh Khải đã đưa ra bằng chứng cho thấy một số nét nhạc của Vọng lang hoàn toàn giống hay tương tự các bài Tây thi, Cổ bản và Ú liu ú xáng (Thiên bất túc). (còn tiếp)
Bình luận (0)