Chợ Tân Định (Q.1) là một trong những khu chợ được xây dựng sớm nhất ở Sài Gòn. “Chợ khánh thành vào khoảng năm 1927 - 1928 cùng thời gian xây xong chợ Bình Tây ở Chợ Lớn” (Theo Trần Hữu Quang, Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu).
Cửa chính Mã Lộ - con đường xe ngựa xưa
Chợ Tân Định khoảng những năm 1940 |
Tư liệu |
Theo tài liệu, chợ Tân Định mang tên một làng cũ ở khu Tân Định. Trước đó, chợ có tên là chợ Phú Hòa (Marche’ De Phu Hoa) dựng trên mảnh đất của làng Phú Hòa thuộc vùng Tân Định. “Tuy là ngôi chợ làng nhưng có nhà lồng hẳn hoi, bên dưới thông thoáng, tập trung buôn bán đông đúc. Chợ Phú Hòa hình thành từ thập niên 1880. Ðó là một ngôi chợ làng trù phú của vùng Bắc Sài Gòn. Nhưng sau đó có lẽ do nằm gần nhà thờ Tân Định, vùng Tân Định nên được đổi tên thành chợ Tân Định”, theo Tim Doling, tác giả sách Khám phá Sài Gòn - Chợ Lớn - Di sản của Thành phố Hồ Chí Minh.
Bà Vân, ông Hiệp ở sạp tạp hóa chợ Tân Định |
LÊ VÂN |
Kiến trúc của chợ Tân Ðịnh mang vẻ đẹp hiện đại thời mới khánh thành, được lấy cảm hứng từ một kiến trúc của châu Âu: mái lợp ngói, cột đà đúc bê tông, khung dầm bằng sắt. Mặt tiền hiện tại của ngôi chợ nằm trên đường Hai Bà Trưng, nhưng khi mới khánh thành thì cửa chính của chợ ngó ra đường Mã Lộ vì ngôi chợ có địa chỉ giao dịch tại con đường này. “Tất cả hàng hóa mua bán ra vào chợ đều qua cửa phía sau bằng xe ngựa, khi tôi còn bé, dãy nhà đường Mã Lộ này là của người Chà Và (người Ấn Độ) cho thuê. Nơi này vốn là bến xe ngựa đậu dày đặc con đường chở hàng hóa ra vô. Vì thế mới có tên là Mã Lộ”, ông Lý Minh, 60 tuổi, người có 3 thế hệ từng sống ở số nhà 28A đường Mã Lộ kể lại.
Bà Hoa ở sạp chạp phô quen thuộc của nhiều khách Việt kiều từ thời má chồng tới nay |
lê vân |
Chợ Tân Định có nhà lồng với 4 mặt hình chữ nhật chia làm 4 cửa vào chợ. Mặt tiền chợ ngó ra đường Hai Bà Trưng, mặt sau ngó ra đường Mã Lộ (thời Pháp có tên là đường Lê Văn Duyệt). Hai mặt còn lại giáp đường Nguyễn Văn Nghĩa, Nguyễn Hữu Cầu (trước 1975 là đường Trần Văn Thạch). Phía trên chợ không có tháp lầu mà có 3 tháp chuông mang tính trang trí hơn là sử dụng; sau năm 1975, chỉ còn lại một cái chuông ở giữa. Bốn mặt của chợ Tân Ðịnh có 8 cửa, người đi chợ có thể ra vào bằng lối nào cũng được. “Trước năm 1975, mặt chợ trên đường Hai Bà Trưng được phân chia ra nhiều cửa hàng nho nhỏ có cửa sáo đóng lại khi vãn chợ. Ở đây có những cửa hàng bán trái cây nhập cảng và trái cây nội địa, tất cả được sắp xếp và trưng bày rất đẹp mắt, mùa nào quả nấy. Kế bên có những cửa hàng xén, đồ đạc hàng hóa được xếp trong những tủ kiếng đẹp đẽ. Phía về đường Trần Văn Thạch (nay là đường Nguyễn Hữu Cầu) có những cửa hàng bán đồ nhôm, đồ sắt như búa, kìm, đinh, dây xích sắt…”, ông Minh nhớ lại cảnh chợ xưa.
Chợ chảnh có còn chảnh?
Vợ chồng bà Xuân với những giỏ trứng còn đầy khi buổi chợ vãn |
lê vân |
“Ban đầu chợ không có hai dãy phố nên có những bãi đất trống hai bên đậu ô tô. Những gia đình công chức, sĩ quan cao cấp của chính quyền thời bấy giờ thường đi chợ Tân Định bằng xe du lịch, xe jeep. Những chiếc xe này xếp hàng chờ những bà nội trợ “cao cấp” nên từ đó Tân Định có một thời được mệnh danh là chợ nhà giàu” (trích sách Đời chợ, tác giả Lương Minh - Các Ngọc). Trải qua gần 100 năm, ngôi chợ này cho đến hôm nay vẫn còn vang danh “chợ chảnh”.
Bà Xuân trước theo mẹ bán rau, giờ đổi qua bán các loại trứng gà, vịt… |
lê vân |
Một trong những lý do, như bà Nguyễn Thị Hoa, 55 tuổi, chủ sạp tạp hóa có ba thế hệ bán đồ ở khu đường đậu, chợ Tân Định, cho biết: “Chợ này trước nổi tiếng về vải vóc, đồ la ghim nhập khẩu hàng lựa tay, chuyên bán lẻ cho “khách sang”, hiếm khi trả giá, nên có người mới kêu là chợ chảnh”.
Hầu hết tiểu thương ở chợ Tân Định hôm nay khi nghe tôi hỏi về “chợ giàu, chợ chảnh” đều bật cười hoặc ngán ngẩm chỉ ra cảnh chợ vắng hoe, ế ẩm. Ông Nguyễn Văn Hiệp, 69 tuổi, ở sạp mì tươi, thổ lộ: “Đã từng chảnh thôi. Trước dịch thì còn nhộn nhịp, nhưng giờ là thời “thuận mua vừa bán”, chảnh thì khách bỏ đi rồi bán cho ai?”. Tương tự, bà Nguyễn Thị Vân bán hàng tạp hóa, nay đã 67 tuổi vẫn ráng đi chợ giữ sạp vì suốt mùa dịch chẳng có khách Việt kiều ghé tấp nập như xưa. Bà Hoa nói: “Lúc trước dịch, sạp đường đậu, tạp hóa này bán được lắm. Khách mua gửi cho bà con ở nước ngoài nhiều, khách du lịch ghé cũng đông đúc. Nay thì chỉ còn người bán ngó nhau”. Bà Hoa bán ở chợ từ những năm chưa tới 20 tuổi, phụ má chồng ở sạp. Sau má chồng bà Hoa để lại sạp cho bà, rồi tới đời con dâu bà tiếp nối. Nhưng do dịch nên con bà nghỉ chợ đi làm bên ngoài, giờ chỉ còn bà Hoa ngồi canh sạp.
Bà Hoa ở sạp chạp phô quen thuộc của nhiều khách Việt kiều từ thời má chồng tới nay |
LÊ VÂN |
Dãy sạp vải và quần áo trẻ em vốn nổi tiếng ở chợ Tân Định những ngày này cũng kém phần nhộn nhịp. Bà Chín, 70 tuổi, chủ sạp vải có ba thế hệ bán buôn ở chợ, than thở: “Cứ kéo dài thế này thì không biết còn trụ được lâu không”.
Ông Lý Minh, người bảo vệ ở chợ Tân Định đã gần 50 năm |
LÊ VÂN |
Suốt gần trăm năm làm nghề chợ tiếp nối cùng gia đình, bà Xuân, 67 tuổi, nay đã đổi nghề bán trứng gà, vịt cùng chồng. Trước 1975, má bà Xuân bưng thúng rau chạy khắp bốn mặt chợ bán rong rồi có sạp la ghim bên ngoài chợ mà nuôi cả gia đình sống khỏe. “Chợ này mang tiếng chợ giàu thôi nhưng rất hiền. Cân đo đếm đầy đủ, hàng ngon nên khách ghé mua không trả giá, người buôn bán cũng có ý thức, lịch sự lắm. Nhưng giờ chắc nghèo hết trơn rồi, tại vì ế đó”, bà Xuân cười nói.
(còn tiếp)
Trăm năm 'kẻ chợ' Sài Thành
Bình luận (0)