Trăm năm 'kẻ chợ' Sài thành: Chợ nhà giàu nuôi người nghèo

Lê Vân
Lê Vân
03/05/2022 06:35 GMT+7

Phố chợ “nhà giàu” gần trăm tuổi trải qua nhiều biến động lịch sử ở TP.HCM lại là nơi cưu mang, giúp cho những người bám víu vào chợ đổi vận.

“Chợ Lớn, góc ngã tư Tổng Đốc Phương (nay là Châu Văn Liêm), trên đường Nguyễn Trãi, những tiệm nước nơi đây làm bánh và thức ăn rất khéo: há cẩu (chả cá vò viên), bánh xếp nước, thịt bò vò viên và nhất là “xíu mại” (thiểu mãi), thịt bằm nát vò viên bao một lớp bột mì… xíu mại khô nhét vào ổ bánh mì, ăn khoái khẩu hơn sandwich…”, (Vương Hồng Sển, Sài Gòn Tạp pín lù). Những món ăn mang hồn vị người Hoa ấy, đến hôm nay vẫn hút khách ở khu chợ nhà giàu, Q.5, TP.HCM qua nhiều thế hệ người giữ chợ.

Tiệm bánh mì Tăng nổi bật ngay ngã ba phố chợ chung cư

lê vân

Ba đời bám chợ

Tiệm hủ tíu của bà Giang Tiêu ở chợ Thủ Đô là địa chỉ quen thuộc của người Hoa sống quanh khu chợ. Tiệm hủ tíu mì có cái tên “Phát Đạt” như kỳ vọng từ thời của người mẹ đã mất của bà Giang Tiêu. Bà Giang Tiêu bán ở chợ từ thời của mẹ. Trước đó bà Giang Muối, mẹ của bà Giang Tiêu, từng đẩy xe hủ tíu mang hương vị Quảng Đông đi bán ở các vỉa hè quanh chợ Bà Chiểu. Khoảng năm 1970 thì hai mẹ con bà Muối về chợ Thủ Đô, bán nhờ góc cầu thang chung cư Phùng Hưng.

Anh Tăng Chiêu Quân làm pate bằng chiếc lò củi gia truyền có từ năm 1968

LÊ VÂN

Bà Giang Tiêu nhớ lại: “Hồi đó má tôi theo ngoại bán ở chợ Bà Chiểu trước tiên, rồi sau ngoại tôi về tá túc ngay góc cầu thang chung cư Nguyễn Trãi bán. Bà ngoại chỉ để được đúng một cái bàn nhựa và gánh hủ tíu kê sát vào góc vì không có tiền thuê chỗ bán. Lúc tôi 7 tuổi đã theo má, phụ má và ngoại đi bưng hủ tíu cho người bán buôn khắp chợ này, cho tới ngày ngoại mất, rồi má tôi bị tai biến mất thì tôi thay má bán”. Xe hủ tíu giờ đã trở thành tiệm ăn khang trang, rộng rãi nhất nhì khu chợ. Bà Tiêu cũng mua thêm được căn chung cư trên lầu để ở riêng.

Bà Giang Tiêu nấu món hủ tíu xào theo công thức bà ngoại và mẹ để lại

LÊ VÂN

Chuyện con cháu “kế nghiệp” bán buôn ở chợ Thủ Đô này không thiếu. Như xe đậu hũ tươi của hai cha con người Hoa ngay trước tiệm cà phê Ba Lù. Hay hàng bún mắm của bà Năm bây giờ thành xe bán bánh canh cua. Sau năm 1975, nhiều người đã phải thay đổi hàng bán buôn để phù hợp với tình hình mới. Như gia đình bà Hoàng (60 tuổi) đã chuyển sang bán sạp mì, bún khi nghề gánh nước hết thời. Thế hệ thứ hai của xe bún mắm cô Năm trong chợ này lại bán bánh canh cua để giữ chỗ chứ nhất quyết không muốn bỏ nghề chợ dù khó khăn thế nào. Còn bà Giang Tiêu, năm nay đã 60 tuổi nhưng vẫn đứng bán hủ tíu cả sáng lẫn chiều vì bà nói nghỉ chợ thì chẳng biết làm gì cho hết tuổi già bóng xế.

Xe bánh mì 70 năm, bán ngàn ổ mỗi ngày

Đặc sản của khu chợ Thủ Đô không thể thiếu các món hủ tíu, hoành thánh, sủi cảo của người Hoa từ thời lập chợ nhóm. Cứ đến 2 giờ chiều, những dãy dù sẽ được xếp gọn, nhường chỗ cho các xe đẩy đồ ăn từ hủ tíu, hoành thánh, sủi cảo, khổ qua chà ớt, chè thập cẩm, bánh canh cua… những món ăn xế hấp dẫn. Nhưng phải kể đến một tiệm bánh mì vốn chỉ là chiếc xe đẩy hàng rong nay đã trở thành tiệm bánh mì lớn nhất khu chợ này. Đó là tiệm của ông già họ Tăng, năm nay đã 67 tuổi. Ông Tăng Tấn, chủ tiệm bánh mì Tăng, nằm ngay góc ngã ba phố chợ chung cư, cho hay xe bánh mì của nhà ông đã bán từ thời ông chú họ người Hoa, từ trước năm 1950. Tới năm 1968 thì xe bánh mì họ Tăng chạy vòng quanh các vỉa hè chung cư vừa bán vừa chạy cảnh sát thời đó dẹp chợ “chồm hổm”. Lúc nhỏ, ông Tăng Tấn cũng chỉ theo phụ người chú họ, năm 1982, ông mới chính thức tiếp quản xe bánh mì này. Dân chợ Thủ Đô hiếm ai chưa từng cắn ổ bánh mì của ông già họ Tăng.

Phố chợ Phùng Hưng vào những năm 1940 - 1949

TƯ LIỆU

Ngoài bánh mì, tiệm còn có các loại chả lụa, thịt nguội dăm bông, xôi cadé, bơ đậu phộng… bí truyền. Anh Tăng Chiêu Quân (36 tuổi), con trai thứ 2 của ông Tăng Tấn, từng là nhân viên ngân hàng nhưng quyết định nghỉ việc để về cùng anh trai tên Tăng Chiêu Minh (39 tuổi) phụ việc buôn bán.

Từ xe đẩy bánh mì ở vỉa hè, ông Tăng đã mua được căn nhà ngay góc ngã ba khu đèn Năm Ngọn sầm uất để mở tiệm bánh mì Tăng với tấm bảng hiệu đỏ rực giữa khu chung cư lâu đời. Anh Tăng Chiêu Minh cho biết tiệm bánh mì này hiện mỗi ngày có thể bán từ 700 - 1.000 ổ, kèm theo 25 kg xôi và các loại thịt, chả cho khách khắp TP.HCM chứ không riêng gì ở quận. (còn tiếp)

“Nghỉ không được, quen giấc cứ 2 - 3 giờ sáng là thức theo tiếng cọt kẹt của những người dựng dù cho chợ sáng. Mình có chút đỉnh rồi thì giữ giá tô hủ tíu, để khách quen còn nơi ghé lại…”, bà Giang Tiêu, 60 tuổi, chủ tiệm hủ tíu 3 đời bán buôn ở chợ Thủ Đô, Q.5, chia sẻ.

Trăm năm 'kẻ chợ' Sài thành


Xe hủ tíu Giang Cẩu ký 'since 1968'

Ai đi ở chợ 'chảnh'?

Chợ nhà giàu 'xuyên thế kỷ'

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.