Nhưng người “kẻ chợ” vẫn không thể bỏ nghề, họ ở lại hoặc đến những khu chợ truyền thống khác tiếp tục bán buôn vì nhiều lẽ.
Kỳ thú xóm Ba Chợ
Ở Sài Gòn - TP.HCM, có những tên chợ đã tồn tại gần hoặc hơn cả trăm năm trong trái tim người đi - người ở mảnh đất này đều khiến ta có chút “bối rối”. “Chợ không đàn bà là chợ Cầu Ông Lãnh”, tôi thắc mắc khi nghe câu vè ấy. Chợ Cầu Ông Lãnh thật có phải không đàn bà? Bà Năm Vân, 67 tuổi, cư dân thế hệ thứ 4 khu rạch Cầu Ông Lãnh, rạch Cầu Muối cười ngặt nghẽo hỏi: “Thế tui là đàn bà hay đàn ông? Má tôi, nội tui, con gái, dâu tui đều bán buôn ở 2 chợ này từ hồi nảo hồi nào rồi đó”. Hóa ra cái tên chợ xưa lại mang một điển tích khác. Như nhà văn Sơn Nam lý giải: “Rạch Cầu Ông Lãnh xưa do ông Lãnh sự xuất tiền ra làm nên mới có tên là Cầu Ông Lãnh”. Nhưng cũng có tích nói là do ông Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (một vị tướng kháng Pháp thế kỷ 18 - 19 ở Sài Gòn) xây cầu bắc qua rạch.
Những phụ nữ bán cá ở Cầu Ông Lãnh xưa |
Tư liệu |
Theo cuốn Địa chí tỉnh Gia Định xưa, chợ Cầu Ông Lãnh là ngôi chợ được xây cất sớm nhất thời Sài Gòn, khoảng năm 1864, ngay sau đó chợ Cầu Muối cũng được thành lập. Cái tên Cầu Muối bắt nguồn từ tích xưa ghe thuyền miền Tây lên Sài Gòn đổ muối ở gần một cây cầu gần bờ rạch Cầu Muối, nhưng khi quân Pháp chiếm Sài Gòn thì bị bỏ lại. Cả hai chợ đều là “trên bến dưới thuyền” nhưng con rạch Cầu Muối sau này đã bị lấp lại để xây đại lộ Kitchener (là đường Lò Heo, sau đó Nguyễn Thái Học), nên chợ Cầu Muối trở nên xa với bến sông (rạch Bến Nghé, theo khảo cứu của nhà văn Sơn Nam).
Trước năm 1975 và sau đó cho đến năm 2003, chợ Cầu Muối nằm ở góc phía bắc đường Cô Giang và Nguyễn Thái Học ngày nay. Rạch Cầu Ông Lãnh nay là cây cầu Ông Lãnh nối Q.1 với Q.4. Bà Chín Hoa, 62 tuổi từng là chủ 2 sạp rau cải ở chợ Cầu Muối khẳng định: Khu này thời ông bà nội tôi lên tới là lò mổ heo, nên tên đường Nguyễn Thái Học hồi đó cũng là đường Lò Heo. Rồi lò heo dời đi, dân tứ xứ lên dựng chòi ở vũng sình lầy dơ dáy còn lại mà ăn ở và bán buôn. Khi có chợ thì mạnh ai nấy giành chòi làm sạp bán.
Chợ Cầu Muối xưa |
tư liệu |
Khu vực chợ Cầu Muối và chợ Cầu Ông Lãnh xưa nằm trong vùng “ba chợ” ở Sài Gòn. Theo tài liệu, xưa ở vùng này có khu bán đồ khô tạp hóa, bị hỏa hoạn cháy rụi, chính quyền lúc đó cho xây lại một chợ tên “Chợ Cháy”. Do đó mà dân nơi này còn được định danh “dân ba chợ”.
“Ba chợ khi ấy là một xóm náo nhiệt nhất Sài Gòn xưa. Chợ này cách chợ kia vài trăm mét. Đó là chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Muối và chợ Cháy. Hàng hóa các tỉnh về ban đêm, mà hàng nhập cảng của Sài Gòn, cũng đi tỉnh từ đó, thường cũng cứ ban đêm. Nội đám phu khuân vác, đã đông đến hai ba trăm rồi, chưa kể khách buôn bán và khách ăn chơi, tất cả có trên một ngàn người “đứng đường” vào ban đêm, trong một diện tích rất là nhỏ’’, bà Năm Vân kể.
Tính từ năm thành lập 1875 đến năm giải tỏa, xóm “ba chợ” xưa đã hiện hữu, kinh doanh buôn bán liên tục được ít nhất 128 năm.
Bà Năm Vân, Chín Hoa kẻ chợ 4 thế hệ ở khu chợ Cầu Muối |
Lê Vân |
Chợ xưa nay đã thành khu chung cư |
Lê Vân |
Chợ xưa thành “chung cư”
Biến cố của dân ở đây từ khi cất chợ tới nay có lẽ là những lần cháy chợ và gần nhất là việc giải tỏa, di dời về chợ đầu mối mới những năm 2000. Trở lại xóm “ba chợ” ngày ấy, bây giờ đã là khu dân cư nằm dọc đường Nguyễn Thái Học, Cô Bắc, Cô Giang, Đề Thám. Những sạp chợ xưa nay đã thành nhà ở.
Bà Năm Vân và bà Chín Hoa là hai chị em ruột trong gia đình có 11 người con ở số 241 - 243 đường Nguyễn Thái Học, khu chợ Cầu Muối cũ. Nhà bà có 4 thế hệ đều ăn ở, bán buôn ở chợ Cầu Muối cũ. “Khu này giờ giống chung cư, khu dân phố mà dân đây vẫn kêu dân chợ Cầu Muối, vì quen miệng rồi”, bà Chín Hoa hoài niệm. Xóm chợ xưa bây giờ vẫn còn lác đác những sạp rau củ, hành tỏi mang hơi thở chợ xưa dọc đường Cô Bắc, Cô Giang. Phía bên trong xóm chợ giờ là những quán cà phê, tiệm ăn, tạp hóa phía dưới tầng trệt, trước kia từng là sạp rau củ ở chợ đầu mối, nay chỉ mở bán cho dân khu phố cho vui.
Chợ Cầu Muối hôm nay còn sót lại những hàng tỏi, hành, ớt bán ở ven đường Cô Giang |
Lê Vân |
Ông Tùng tổ trưởng (đứng, bên trái) và ông Nguyễn Văn Hậu, ở nhà số 502 Chợ Cầu Muối |
Lê Vân |
“Hồi dời chợ cũng buồn chứ nhưng vì chỉ thị nhà nước nên ai kinh doanh được là đi chợ mới hết. Ai không đi được thì mới ở lại thôi”, bà Chín Hoa nói. Ông Nguyễn Văn Hậu, 77 tuổi, nhà số 502 Chợ Cầu Muối xưa là chủ sạp rau củ Hai Hên của chợ Cầu Muối. 9 tuổi ông đã theo ba mẹ lên chợ Cầu Muối bán buôn, lúc đó khu này còn nằm kế lò mổ heo, sau thành khu công viên công ty trồng tỉa. Lúc đầu bán trong nhà nhưng sau người ta tràn ra đường bán nên cũng ra theo. Đến nay, ngoài nỗi nhớ chợ xưa, ông Hậu cũng thêm rầu rĩ vì nhà ông Hậu hồi đó không hiểu sao bị “lọt sổ”, không được đăng ký đi di dời chợ về Thủ Đức và Bình Điền. Con cái ông Hậu phải đi mướn vựa để tiếp tục việc bán buôn vì không có gì làm ngoài nghề chợ.
Bà Bảy, người “phu già” từng làm nghề dọn chợ, bán hàng rong ở chợ Cầu Muối xưa, nay đã gần 80 tuổi vẫn ở lại Sài Gòn phụ bán hành tỏi |
Lê Vân |
Ông Huỳnh Ngọc Tùng, 68 tuổi, tổ trưởng tổ dân phố 43, KP.4, P.Cầu Ông Lãnh, Q.1 kể về nỗi ám ảnh cháy chợ Cầu Ông Lãnh hồi ông còn bé: “Chợ cháy 3 lần từ khi có chợ, đến lần thứ 3 các sạp này được xây lại mới có số. Lúc người ta chữa cháy xong thì khu chợ nhìn như bình địa. Nhà cửa giờ cũng xập xệ rồi, may các nhà dựa nhau nên mới không sao chứ đứng “solo” là sập rồi”. Cuộc đời nổi chìm sau khi chợ giải tỏa, vợ bệnh nan y, ông Tùng cũng phải bán nhà để chạy vạy chữa bệnh cho vợ. Rồi khi vợ mất, nhà không còn, ông và con cái thuê lại một “sạp nhỏ” là nhà ở chợ Cầu Muối vì sống quen rồi. “Được cái bà con cũng thân tình nên cho thuê giá rẻ”, ông Tùng nói. (còn tiếp)
Trăm năm 'kẻ chợ' Sài thành
Bình luận (0)