Dù hiện nay có sự trầm lắng, nhưng làng nghề vẫn vang tiếng máy dệt lạch cạch để cho ra thứ lụa Lãnh Mỹ A trứ danh. Thế hệ con cháu trong làng nghề luôn tiếp nối truyền thống cha ông để tạo ra sản phẩm tinh túy cho đời.
Công đoạn phơi nắng lụa Lãnh Mỹ A |
“Nữ hoàng tơ lụa”
Đến P.Long Châu - trung tâm của làng nghề tơ lụa truyền thống Tân Châu, khi nhắc đến từ Lãnh Mỹ A, tên của loại lụa hảo hạng đen huyền, chỉ có Tân Châu mới sản xuất được, ai nấy cũng tự hào.
Bà Lê Thị Kiều Hạnh (64 tuổi), chủ cơ sở dệt nhuộm Hồng Ngọc (đường Hương Lộ 2, P.Long Châu), nói: “Lụa Lãnh Mỹ A của nơi đây là số 1 và được mệnh danh là “nữ hoàng tơ lụa”. Lụa được sản xuất truyền thống, nhuộm bằng trái mặc nưa màu đen huyền bóng loáng. Càng mặc càng có độ bóng và mặc đến rách vải cũng không bị xuống màu. Mặc Lãnh Mỹ A vào mùa hè thì rất thoáng mát, còn mặc vào mùa đông thì ấm áp lạ thường nên có thời điểm sản phẩm làm ra không kịp bán”.
Theo hồ sơ của Phòng Kinh tế TX.Tân Châu, khoảng năm 1920, cư dân ở P.Long Châu ngày nay và nhiều nơi ở Tân Châu chủ yếu sống bằng nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa. Khoảng thập niên 1940, Tân Châu đã trở thành trung tâm tơ lụa lớn nhất Nam bộ, với sản phẩm lụa Lãnh Mỹ A nức tiếng gần xa. Khi đó hầu hết các gia đình đều trồng dâu, nuôi tằm hoặc theo nghề dệt lụa. Từ tờ mờ sáng đến tối mịt lúc nào cũng nghe tiếng thoi đưa dệt vải lách cách, tiếng đạp khung ì ầm. Đâu đâu cũng thấy lụa Lãnh Mỹ A phơi ngút ngàn.
Đến những năm 1960, sản phẩm tơ lụa Tân Châu sản xuất ra không chỉ cung ứng trong nước mà còn xuất sang các nước như Thái Lan, Lào, Campuchia, Philippines, Pháp... Khách hàng mua và dùng Lãnh Mỹ A chủ yếu là giới thượng lưu, quyền quý; sản phẩm chỉ để mặc khi có lễ tết, cưới hỏi…
Làng nghề tơ lụa Tân Châu còn khoảng 20 cơ sở duy trì sản xuất với khoảng 190 lao động theo nghề |
TRẦN NGỌC |
Là gia đình có nhiều đời làm lụa Lãnh Mỹ A, bà Hạnh cho biết, để làm ra thứ lụa kiêu sa, quý phái này phải nhuộm vải rất kỳ công. Lụa sau khi dệt xong, thợ nhuộm phải nhúng lụa cả trăm lần vào thứ nước vàng sánh do quả mặc nưa giã nát tiết ra, sao cho từng sợi tơ được thấm sâu, đều, rồi đem phơi trên mặt cỏ có độ cứng vừa phải.
Khi tiếp xúc với không khí, nhiệt độ, lụa sẽ chuyển sang màu đen huyền, còn phải thêm công đoạn xả, phơi quấn thành cuộn tròn, nện để nhựa mặc nưa thấm vào tơ lụa giúp sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Trung bình từ lúc dệt đến khi cho ra lụa thành phẩm phải mất 45 ngày, nếu rơi vào mùa mưa có khi mất đến 60 ngày mới có sản phẩm.
Tìm màu cho tơ lụa Tân Châu
Ông Nguyễn Anh Phương, Phó trưởng phòng Kinh tế TX.Tân Châu, cho hay những năm 1970 vải sợi ni lông từ nước ngoài tràn vào khiến nghề tơ lụa truyền thống của Tân Châu mất vị thế. Lãnh Mỹ A không cạnh tranh được với vải ngoại nhiều màu sắc, giá thành rẻ. Các vườn cây mặc nưa dần bị phá bỏ, diện tích dâu và các khung dệt đều bị thu hẹp. Một số hộ dệt Lãnh Mỹ A phải chuyển đổi sang sản xuất vải ni lông, gấm, tơ se… Năm 1987, Công ty tơ lụa Tân Châu được thành lập, tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn thì giải thể, do không đủ sức cạnh tranh với vải nhập.
Đứng trước nguy cơ mai một làng nghề, cuối năm 2006, tỉnh An Giang quyết định thành lập làng nghề tơ lụa Tân Châu với 243 hộ dân có người tham gia làm nghề, chiếm hơn 25% số hộ dân của Tân Châu, gồm 133 hộ se tơ, 105 hộ dệt và 5 hộ chuyên về nhuộm.
Nhuộm lụa Lãnh Mỹ A từ trái mặc nưa |
Sau thời gian cầm cự, đến nay làng nghề tơ lụa Tân Châu còn chưa đến 20 cơ sở hoạt động thường xuyên, với khoảng 190 lao động. Riêng dệt lụa Lãnh Mỹ A chỉ còn cơ sở dệt nhuộm Hồng Ngọc và cơ sở dệt của gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Long (thường gọi Tám Lăng) duy trì sản xuất. Nguồn tơ và nguyên liệu sản xuất cũng được thu mua từ TP.HCM và Bảo Lộc (Lâm Đồng). Mỗi năm, các hộ theo nghề tơ lụa ở Tân Châu làm ra khoảng vài ngàn mét Lãnh Mỹ A để xuất sang các nước châu Âu; còn lại lụa màu và gấm saten chưa đến 1 triệu mét.
Không thể khoanh tay đứng nhìn làng nghề lụi tàn theo năm tháng, cùng với việc đầu tư máy móc để sản xuất vải lụa đẹp, bền hơn, những người trẻ tại làng nghề tơ lụa Tân Châu đã tìm kiếm thêm màu sắc cho Lãnh Mỹ A đa dạng và bắt mắt hơn, chứ không chỉ độc nhất màu đen huyền của trái mặc nưa.
Tiêu biểu là anh Nguyễn Hữu Trí (con trai út của nghệ nhân Tám Lăng). Năm 2000, sau khi nghe một nữ khách hàng người Pháp (đến đặt mua Lãnh Mỹ A mang sang Pháp) thắc mắc tại sao Lãnh Mỹ A bền đẹp, sang trọng mà chỉ có màu đen…; anh Trí đã quyết định dấn thân rong ruổi tới các làng nghề dệt nổi tiếng trong và ngoài nước để học hỏi tìm cách nhuộm màu sắc mới từ các loại cây trái có trong tự nhiên cho Lãnh Mỹ A bắt mắt hơn.
Tỏa sáng trên sàn diễn quốc tế
Nhà thiết kế Võ Việt Chung thiết kế 2 bộ sưu tập ấn tượng trình diễn trên sàn diễn thời trang quốc tế dựa trên chất liệu lụa Lãnh Mỹ A Tân Châu. Tại Tuần lễ thời trang quốc tế Malaysia ở Kuala Lumpur cuối tháng 11.2004, bộ sưu tập Mơ về châu Á do Võ Việt Chung thiết kế đẹp tinh tế, hút hồn người xem. Tháng 7.2005, cũng với lụa Lãnh Mỹ A, Võ Việt Chung tiếp tục trình diễn bộ sưu tập Sự hồi sinh tại Tuần lễ thời trang châu Âu ở Berlin (Đức). Năm 2006, trong dịp sự kiện Mekong Festival diễn ra tại An Giang, một lần nữa Võ Việt Chung lại đưa Lãnh Mỹ A lên sàn diễn với nét duyên dáng, quý phái, giúp dân xứ lụa rất đỗi tự hào.
Năm 2016, nhà thiết kế tài năng của VN Nguyễn Công Trí mang đến bất ngờ lớn cho người yêu thời trang khi tham gia Tuần lễ thời trang Tokyo 2016 - một trong những tuần lễ thời trang danh tiếng và đẳng cấp thế giới, với bộ sưu tập thời trang cao cấp được thiết kế trên chất liệu lụa Lãnh Mỹ A.
Năm 2003, mẻ lụa màu hổ phách được anh Trí cho ra lò thành công, hiện thực hóa giấc mơ tìm màu cho tơ lụa Tân Châu. Sau đó, kem, xám ghi, vàng đồng, vàng chanh, đỏ và hồng cánh sen cũng được nhuộm thành công để đa dạng hơn sắc màu của tơ lụa Tân Châu và Lãnh Mỹ A.
Rồi cứ đều đặn mỗi năm, cơ sở dệt của gia đình ông Tám Lăng xuất vài ngàn mét Lãnh Mỹ A sang châu Âu.
Cũng sau nhiều năm tìm tòi nghiên cứu, các con của bà Lê Thị Kiều Hạnh đã tìm ra loại màu đặc biệt có thể vẽ lên lớp lụa Lãnh Mỹ A đen bóng để tạo ra các hình ảnh đẹp, có màu sắc bắt mắt mà không bị lem luốc, phai mờ khi giặt ủi. Giấc mơ trở về thời hoàng kim cho xứ lụa Tân Châu dần hiện thực.
Bà Hạnh cho biết, mỗi năm cơ sở sản xuất vài trăm ngàn mét vải lụa, tơ tằm các loại. Trong đó, duy trì sản xuất từ 3.000 - 4.000 m Lãnh Mỹ A đen huyền để bán cho khách du lịch và xuất sang châu Âu với giá từ 30 - 35 USD/m. Cơ sở đã tạo việc làm cho gần 60 lao động, trong đó nữ thu nhập trung bình 6 triệu đồng/tháng; nam trung bình 8 - 9 triệu đồng/tháng. (còn tiếp)
Bình luận (0)