Thời bình, hồn cốt của làng Việt không ngừng được củng cố và phát huy. Cùng với đà phát triển của đất nước, sự thay da đổi thịt của nhiều làng Việt đã giúp sinh kế của bao gia đình ngày càng đi lên, ổn định.
Hình thành từ cuối thế kỷ 19, làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) nép mình thơ mộng bên dòng sông Tiền, trăm hoa bốn mùa đua nở. Trải qua bao thế hệ vun trồng, cư dân nơi đây đang có cuộc sống sung túc.
“Bốn mùa xuân” ấm no
Bà Nguyễn Thị Ngọc, Trưởng phòng Kinh tế TP.Sa Đéc (Đồng Tháp), cho biết tính đến tháng 4.2022, làng hoa Sa Đéc có diện tích hơn 783 ha, đạt 103% kế hoạch phát triển của năm 2022. Nếu như ban đầu nghề trồng hoa chỉ tập trung ở P.Tân Quy Đông thì nay đã phát triển ra P.An Hòa, P.3 và 2 xã Tân Khánh Đông, Tân Quy Tây với hơn 2.300 hộ dân theo nghề.
Một vườn hoa tại Sa Đéc đầu tư phát triển du lịch |
TRẦN NGỌC |
Riêng P.Tân Quy Đông là cái nôi của làng nghề, có diện tích hơn 300 ha. Làng hoa Sa Đéc trồng khoảng 2.000 giống hoa kiểng các loại, từ cây nở hoa cho đến kiểng lá, cây công trình, kiểng cây ăn trái… Vì sự phong phú về chủng loại nên mùa nào cũng có trăm hoa đua nở, nhiều người ví làng hoa Sa Đéc là nơi có “bốn mùa xuân”.
Hiện Sa Đéc là một trong những vựa hoa kiểng lớn nhất miền Tây. Sản phẩm hoa kiểng Sa Đéc không chỉ cung cấp khắp cả nước mà còn xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Trung Quốc, các nước Ả Rập… Năm 2020, giá trị sản xuất hoa kiểng của Sa Đéc ước đạt gần 2.000 tỉ đồng. Đến năm 2021, dù bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng giá trị sản xuất hoa kiểng cũng ước đạt 1.343 tỉ đồng.
“Nếu cùng đơn vị diện tích thì người trồng hoa kiểng thu nhập cao hơn trồng lúa từ 10 lần trở lên, nhờ đó cuộc sống người trồng hoa rất khá. Tùy theo công việc, tay nghề mà lao động nữ có thể thu nhập từ 120.000 - 160.000 đồng/ngày, lao động nam thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày”, bà Ngọc nói.
Nghề trồng hoa kiểng tại Sa Đéc phát triển mang đến cuộc sống ấm no cho hầu hết các gia đình theo nghề. Đi dọc các cung đường Làng Hoa, Khúc Thừa Dụ, ĐT-848... thuộc P.Tân Quy Đông sẽ dễ dàng nhận thấy nhiều biệt thự, nhà cao tầng sang trọng của nông dân trồng hoa lừng lững bên các vườn hoa.
Ông Tư Thắng, chủ vườn hồng Tư Thắng, P.Tân Quy Đông, nói: “Tôi trồng hoa gần 30 năm và cuộc sống ổn định là nhờ hoa kiểng. Nhiều gia đình ở làng hoa cũng nhờ trồng hoa mà cuộc sống khá hơn”.
Ông Dương Văn Quế (Bảy Quế, chủ vườn hồng Tư Tôn) cho biết: “Việc sản xuất và kinh doanh hoa kiểng gần đây đã phát triển so với trước rất nhiều. Gia đình tôi có 3 thế hệ theo nghề, ngoài trồng và kinh doanh hoa kiểng, hiện nay con gái tôi quản lý địa điểm du lịch vườn hồng Tư Tôn”.
“Mang chuông đi đánh xứ người”
Ông Nguyễn Nhất Thống, Chủ tịch Hội Sử học TP.Sa Đéc (nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Sa Đéc), cho biết để phát triển như hôm nay, làng hoa Sa Đéc đã trải qua bao thăm trầm cùng đất nước.
Làng hoa Sa Đéc hình thành từ cuối thế kỷ 19, đến năm 1930 gắn liền với thế hệ những người tiên phong, khai mở nghề trồng hoa. Lúc này, một số người ở Sa Đéc trồng hoa kiểng chỉ để thưởng thức, chưa mang đi bán, nhưng đã định hình và gầy dựng cho nghề trồng hoa kiểng sau này.
Nhiều biệt thự, nhà cao tầng đã mọc lên tại làng hoa Sa Đéc |
TRẦN NGỌC |
Đến giai đoạn 1930 - 1945, việc đi lại giao thương hàng hóa dần thuận lợi hơn nên làng hoa Sa Đéc có điều kiện phát triển. Những lão nông Sa Đéc thời bấy giờ như ông Hai Ký, Năm Dưỡng, Hai Nhung, Mười Ơn… gánh trọng trách “mang chuông đi đánh xứ người”, đưa hoa kiểng Sa Đéc đi bán khắp Nam kỳ lục tỉnh.
Từ đó, sản phẩm của làng hoa Sa Đéc sánh vai với hoa kiểng xứ Cái Mơn (Bến Tre), Gò Vấp (TP.HCM) và Đà Lạt (Lâm Đồng)… Chính từ đây, hoa kiểng được xem là một nguồn lợi quan trọng, vun bồi cuộc sống cho người dân Sa Đéc. Cứ mỗi độ xuân về là cảnh mua bán hoa kiểng trên bến, dưới thuyền tại Sa Đéc làm say đắm bao tao nhân, mặc khách.
Giai đoạn 1945 - 1975, nhiều người dân gác lại việc trồng hoa kiểng để tham gia kháng chiến, nhưng cũng không quên giữ nghề truyền thống. Trong đó, phải kể đến ông Dương Hữu Tài (thường gọi Tư Tôn) đã tìm mọi cách để duy trì vườn hoa và bổ sung những giống hoa mới, đặc biệt là ươm trồng thành công hơn 50 giống hoa hồng có nguồn gốc từ Pháp mang về. “Vườn hồng Tư Tôn” của ông trở thành vườn ươm những giống hoa hồng mới cho cả miền Nam và cả nước. Từ đây, Sa Đéc được nhiều người xem là xứ sở của các loài hoa.
Từ năm 1975 -1990 là giai đoạn làng hoa Sa Đéc có nhiều thăng trầm. Kinh tế khó khăn nên hoa kiểng lúc bấy giờ được xem như một thứ xa xỉ khiến cho diện tích trồng hoa thu hẹp dần. Thế nhưng, từ năm 1986, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, kinh tế dần phát triển thì diện tích hoa kiểng tại Sa Đéc dần hồi sinh.
Thế hệ vàng
Từ năm 1990 đến nay, hoa kiểng Sa Đéc được bán khắp nơi trên cả nước. Sản xuất hoa kiểng tại đây không ngừng tăng trưởng, tạo được lợi thế cạnh tranh, đồng thời khơi dậy được những tiềm năng và lợi thế vốn có. Người trồng hoa đã đẩy mạnh ứng dụng thành tựu phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, lai giống, chiết cành, ghép cây… thúc đẩy hoa kiểng Sa Đéc phát triển vượt bậc.
Ông Nguyễn Nhất Thống cho biết: “Người trồng hoa giai đoạn này có thể được xem là thế hệ vàng của làng hoa Sa Đéc. Họ biết ứng dụng thành thạo khoa học kỹ thuật vào sản xuất hoa kiểng để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho sản phẩm, giúp làng hoa phát triển vững vàng. Diện mạo của làng hoa không ngừng khởi sắc”.
Đến năm 2007, UBND tỉnh Đồng Tháp đã quyết định công nhận Tân Quy Đông là làng nghề truyền thống trồng hoa kiểng. Diện tích của làng hoa Sa Đéc tăng liên tục qua các năm. Từ 500 ha vào năm 2015, hiện nay lên hơn 783 ha.
Cùng với việc bán sản phẩm hoa kiểng, các nhà vườn tại Sa Đéc đã mạnh dạn đầu tư phát triển du lịch làng hoa, đưa danh tiếng làng hoa càng vươn xa. Làng hoa Sa Đéc đã có nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách như: homestay Ngôi nhà hoa ếch, Phong Levent, Happyland Hùng Thy, Sa Nhiên Garden, Vườn hồng Tư Tôn, Cánh đồng hoa hồng…
Từ một vùng đất ven sông Tiền hiền hòa, trù phú, qua bàn tay vun trồng khéo léo của người dân, Sa Đéc hôm nay trở thành xứ sở ngàn hoa, vang danh cả nước. Để ghi nhớ công lao của cha ông tạo dựng làng nghề, vào dịp gần tết hằng năm, nông dân Sa Đéc tổ chức tri ân các tiền nhân và tôn vinh nghề trồng hoa kiểng truyền thống. (còn tiếp)
Chủ tịch nước gợi ý tổ chức Festival hoa Sa Đéc
Trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Đồng Tháp ngày 29.3 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm làng hoa Sa Đéc.
Tại đây, Chủ tịch nước gợi ý, làng hoa Sa Đéc được hình thành lâu đời và rất nổi tiếng. Nơi đây có vẻ đẹp rất cuốn hút nên tỉnh Đồng Tháp cũng có thể tổ chức lễ hội hoa hoặc Festival hoa Sa Đéc giống như Festival hoa Đà Lạt nhằm thu hút khách du lịch, tìm cơ hội để xuất khẩu hoa ra nước ngoài, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Chủ tịch nước nhắn nhủ, trong thời gian tới, người trồng hoa Sa Đéc cần liên kết, hợp tác nghiên cứu đa dạng các sản phẩm từ hoa kiểng và sản xuất quy mô lớn theo hướng hữu cơ để tăng thêm thu nhập; cần thể hiện tinh thần “3 cùng”: cùng nhau xây dựng, cùng nhau quản trị, cùng nhau thụ hưởng để cùng nhau thắng lợi trong sản xuất.
Bình luận (0)