Thị trấn đang muốn xây dựng thành đô thị loại 4 mang tên Ái Nghĩa ở H.Đại Lộc (Quảng Nam) có vị trí vô cùng thuận lợi về giao thông thủy bộ phía tây nam Đà Nẵng. Nó là đầu mối giao thương đường thủy giữa miền xuôi với miền núi ở phía bắc Quảng Nam nhờ con sông Vu Gia nối về Thu Bồn ở phía nam và sông Yên, sông Cẩm Lệ ở phía đông. Ái Nghĩa còn là một ngã tư sầm uất, giao lộ của tỉnh lộ 609 từ Vĩnh Điện (TX.Điện Bàn) lên và QL14B nối liền Đà Nẵng với đường Hồ Chí Minh. Khi chiếc cầu Giao Thủy thông tuyến vài năm nay, Ái Nghĩa như mọc thêm một cánh tay nối liền vùng biền bãi Vu Gia với vùng tây Duy Xuyên, khu đền tháp di sản thế giới Mỹ Sơn bên kia sông Thu Bồn, tạo ra một diện mạo mới để mở mang đô thị…
Vùng đất canh tân
Cụ cử Túy Am - Đỗ Đăng Tuyển ngày xưa, khi từ quan về làng cũ để tham gia Nghĩa hội của tiến sĩ Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến..., đã coi Ái Nghĩa như một vị trí chiến lược trọng yếu. Ông cho rằng một khi quân Nghĩa hội đứng chân được ở Ái Nghĩa thì có khả năng uy hiếp được tỉnh thành La Qua phía Vĩnh Điện và tạo áp lực lên vùng Hòa Vang, Đà Nẵng phía đông bắc. Khi lui quân thì phía sau là vùng núi non dọc Ngọc Kinh, nguồn Ô Gia và sông Con 9 xã với sự chở che của đồng bào các dân tộc phía Hiên, Giằng. Ở đó cũng là nơi tiếp tế quân lương thuận lợi cho dân binh kháng chiến Cần Vương.
Nghĩa quân thất bại và tự giải binh sau khi Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến tuẫn tiết, cụ cử Đỗ Đăng Tuyển giả làm ông già lang bạt với thơ và rượu, nhưng vẫn âm thầm bám xứ sở mình chờ ngày mới. Cụ lại giao du với các nhà Duy Tân như Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Tiểu La Nguyễn Thành, Châu Thượng Văn... để tiếp tục mưu việc lớn. Tư tưởng Duy Tân đã đi vào cuộc sống với các hội buôn, hội nông, trường học của phong trào Duy Tân đã tạo ra một nhận thức sâu rộng và hình thành nên một tầng lớp trí thức mới ở làng xã chung quanh Ái Nghĩa. Trường hợp anh em nhà họ Trương, Lương Châu, Hứa Tạo ở Phiếm Ái và hơn 35 lý trưởng khắp Đại Lộc cùng ký đơn, mở ra phong trào kháng sưu cự thuế từ Đại Lộc rồi lan rộng khắp Quảng Nam, khắp cả nước sau đó là một bằng chứng. Cụ Đỗ Đăng Tuyển và các nhà Duy Tân không chỉ nhìn thấy ở Ái Nghĩa giá trị một vùng địa lý chiến lược, mà còn là địa bàn tiềm năng về con người luôn khát khao canh tân để thay đổi vận nước!
Ái Nghĩa và Gia Cốc với vùng B, Phiếm Ái ở Đại Nghĩa là những nơi đã quy tụ một nguồn nhân lực giàu tiềm năng đến vậy! Các nhà phân tích sau này khi đọc Trung Kỳ cự sưu ký của cụ Huỳnh Thúc Kháng đã nhận ra “đó là một phong trào mà những bước tiếp diễn đã có hoạch định trước”, chứ không phải là cuộc tự phát!
Tôi đến Ái Nghĩa lần đầu vào những năm đầu thập niên 70 thế kỷ trước là nhờ quen biết các văn nghệ sĩ đàn anh quê Đại Lộc. Trong đó có lớp kế nghiệp văn chương của những danh sĩ nổi tiếng một thời như Bà Bang Nhãn, Tú Quỳ, Nam Trân - Nguyễn Học Sĩ, NSND - “con rồng trên sân khấu tuồng” Nguyễn Nho Túy... Rồi Trinh Đường, Nguyễn Văn Bổng, Võ Quảng, Ngọc Anh, Lưu Quý Kỳ, Vương Quế Lâm... Mỗi người một phong cách, một tính nết. Hãy đọc Bà Bang Nhãn Lê Thị Liễu, người phụ nữ làm thơ của Đại Lộc khi đến đất nhượng địa Đà Nẵng mà viết những câu đau đớn: “Liếc mắt nhìn xem phong cảnh lạ/Ôm lòng chạnh tưởng nước non nhà/Nào tay hồ thỉ đi đâu vắng/Nỡ để giang sơn cực lắm mà...”. Chồng bà, ông Bang tá Phạm Quỳ chết sớm, bà ở vậy nuôi 5 người con dại, đáng ra là “chiều chiều ra đứng ngõ sau” than thân trách phận như bao người phụ nữ khác. Đằng này không, bà vẫn chạnh tưởng đến thân phân nô lệ của quê hương với những câu thơ đau đớn thế kia!
|
Duyên kỳ ngộ
Ông thân sinh tôi là nhà chăn nuôi vịt đẻ trứng giống. Cuối năm 1973, giữa lúc còn chiến tranh, ông lái chiếc xe Lambro từ Đà Nẵng lên Thượng Đức. Chuyến đi để khảo sát một cánh đồng lúa rộng lớn và màu mỡ ở xã Đại Lãnh bây giờ. Cha tôi thường đấu giá quyền sử dụng các cánh đồng như vậy trong mấy tháng giữa cuối vụ lúa tháng tám đến đầu vụ tháng ba để thả vịt đẻ mùa lên đồng nhằm tránh lụt ở đồng bằng. Vụ việc đang tiến hành trơn tru thì chiến sự xảy ra ác liệt (trước trận Thượng Đức 1974 sau đó), nên dự định đành bỏ dở.
Trong chuyến đi đó, ông kể lại có 2 việc đầy ý nghĩa. Một là dừng lại ở ngã tư Ái Nghĩa ăn một bát mì Quảng “ngon không thể tưởng”, nghe được câu chuyện thần thoại tục thờ bà Phường Chào ở Gò Muồng và các thần thoại về ông Huỳnh Lân có vợ đẻ ra ba con rắn liên quan đến tín ngưỡng văn hóa Chăm. Hai là tuy công việc không thành nhưng trong bữa mì Quảng ở Ái Nghĩa đã giúp kết nối được một tộc họ anh em ở Đại Lãnh, tổ chi tộc này từ bắc Trung bộ vào nam theo ngả đường núi phía đầu nguồn sông Con từ 5 thế kỷ trước lúc đèo Hải Vân chưa hình thành. Cụ thân sinh tôi suy luận: “Thì ra hai chữ Ái Nghĩa đó cũng là cho mình một cái duyên kỳ ngộ vậy!”. Thì ra con đường băng núi từ Huế vào Quảng ngày xưa theo lối ấy. Phải chăng đó là gốc gác của địa danh Quảng Huế ngày nay?
Sau này, tôi thân quen với nhiều anh chị đồng tộc sống dọc từ Ái Nghĩa lên Thượng Đức. Nhiều lần đến thắp hương ở nhà thờ tộc tại xã Đại Lãnh và vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện tấm bình phong độc đáo của ngôi nhà thờ tộc Trương Công tại đây. Bình phong là hai tấm bia lớn bằng đá cẩm thạch đặt liền nhau: một tấm ghi tên các liệt sĩ con em trong tộc đã chết trong hai cuộc chiến tranh đánh Pháp và Mỹ; một tấm ghi tên các bà mẹ VN anh hùng, những con dâu của tộc có chồng con đã ở lại trong các cuộc chiến đó.
Tôi từng đến thăm nhiều nhà thờ tộc họ khắp cả nước, chưa thấy nhà thờ nào có tấm bình phong độc đáo như vậy! Ngẫm ra, ra khỏi chiến tranh, mọi ngôi làng Việt đã có biết bao nhiêu người con đã ngã xuống, bao bà mẹ đã chịu khổ đau. Ở đây, tên tuổi của họ xếp thành bức bình phong thiêng liêng, như lời chào đón mọi khách đến thăm, như lời nhắn nhủ các thế hệ về sau: Chính gia đình, tộc họ là một tế bào của làng của nước, mỗi người từ đây đã ra đi và sẽ quay về chính ở đây để tạo nên một thứ gia sản ngàn đời của huyết thống và của cả văn hóa làng quê…
***
Ngồi ở quán cà phê dưới chân cầu Ái Nghĩa chiều nay, nhớ lại đủ thứ chuyện từ riêng đến chung, từ xa xưa đến gần kề. Một Ái Nghĩa thời chống sưu cao thuế nặng hơn một thế kỷ trước và bức bình phong trước ngôi từ đường ở Đại Lãnh. Một Ái Nghĩa thời chiến tranh, thời nghèo khó và thời của chủ nghĩa thành tích đã đi qua. Còn lại đây là một đô thị mới trên đường phát triển với những ngổn ngang xếp đặt. Chợt nghĩ về cụ Đỗ Đăng Tuyển với những câu thơ của Ông già Bến Ngự tiễn bạn năm nào: “Mưa gió liền năm dài, Càn khôn sót một già, Đánh thù lòng như đá, Lo nước tóc thành tơ, Thơ rượu sầu thần thánh, Non sông mộng ngày thơ...”.
Dòng sông Ái Nghĩa chảy qua thị trấn giữa một ngày thu trong xanh như mộng!
Bình luận