Trầm - Truyện ngắn của Phạm Thanh Thúy

01/04/2018 09:13 GMT+7

Thời điểm đó, khi về bản Phó của ông nội, tôi thực sự đã chán ngán mọi thứ. Cùng lúc là ba chuyện xấu như sao quả tạ giáng xuống đầu tôi. Chuyện thứ nhất là bỏ vợ, chuyện thứ hai là thất nghiệp, chuyện thứ ba là Trầm.

Bỏ vợ là chuyện tôi rắp tâm từ lâu, dù thực sự tôi còn yêu nàng đến đau đớn. Chúng tôi kết hôn đã bảy năm nhưng lận đận đường con cái. Bác sĩ bảo lỗi tại tôi. Mà vì nàng còn trẻ, tôi chẳng nên khư khư giữ làm gì. Thế là tôi chia tay.
Thất nghiệp là chuyện dường như nên xảy ra đúng lúc. Giả sử trong thời gian bỏ vợ, tôi không thất nghiệp thì cũng chẳng tâm trí đâu mà làm nổi việc gì, giữ việc lúc này chỉ tổ làm hại người khác mà thôi.
Trầm là thằng em cùng sở thích, thân với tôi lắm. Nếu nói thanh niên hiện đại phần đông tất bật để tìm kiếm hạnh phúc, niềm vui, thì Trầm không mảy may bận tâm đến điều đó. Đơn giản là người ta chỉ tìm những thứ người ta thiếu. Trầm không thiếu gì. Có tất cả ở tuổi ba mươi ba, nghĩa là không còn gì trên đời khiến Trầm thích thú và mong đợi nữa, nên nhu cầu rất cao của Trầm là… được chết. Trầm luôn muốn chết. Vì thế, tội lỗi thay cho tôi, là vào thời điểm chán nản nhất thì tôi lại phải đèo bòng Trầm, chỉ để canh cho cậu ta không tìm cách chứng minh bản năng chết của mình.
Bản Phó cách xa quốc lộ, nằm giữa những dải núi xanh lam trập trùng bất tận. Những ngôi nhà sàn gỗ mái thâm nâu ẩn mình trong những vườn mận bạc thếch. Bao quanh bản là một cánh đồng đá không lớn lắm. Đá màu xám đen, nhọn hoắt như được trồng trên mặt đất. Không ai canh tác gì được trên những ruộng đá đó, vì thế người ta tận dụng những khoảng đất trống giữa các khe đá để gieo rau cải. Mùa đông, hoa cải trắng, cải vàng phủ trùm lên những tảng đá đen nhọn. Khách du lịch chưa bao giờ lần đến, vì thế, bản Phó đẹp một cách tự nhiên, chẳng nhuốm chút tư lợi nào.
Tôi lôi Trầm lên bản Phó, và Trầm cũng có chút hứng thú. Nếu nói một người có nhu cầu tự tử luôn u sầu, trầm uất thì không phải với Trầm. Trầm hành xử bình thường, chưa kể có lúc hoắng lên như một con cún nhỏ vui vẻ, đầy lòng ham muốn tìm kiếm và tận hưởng. Lúc tôi rủ, Trầm hỏi lên đó làm gì, thành ra tôi mới lại ớ cả người. Không biết. Chỉ biết giống như con thú bị thương tự lần mò về cái ổ của mình để gặm nhấm cơn đau thôi.
Trầm mê cánh đồng đá ngay lập tức. Cả ngày cậu ta chỉ lang thang ngoài đó, như thể việc này lẽ ra phải bắt đầu từ lâu. Nhìn Trầm, tôi mừng trong bụng. Biết đâu, những thứ tưởng như nhỏ bé này lại là cái cớ để Trầm quên việc đòi chết. Ba năm trở lại đây Trầm luôn tìm cách tự tử, và thật chán, như lời cậu ta là luôn bị mọi người phát hiện và tìm cách cứu sống. Mỗi lần được cứu sống là Trầm lại thêm cáu tiết. Trầm bảo trên đời có những người mà bản năng chết rất cao. Họ muốn chết, như người khác muốn sống, có thế thôi. Thế thì cứu người ta, chẳng hóa ngăn cản khát vọng của người ta hay sao.
Mỗi lần cứu sống được Trầm, Trầm cáu, tôi cũng cáu. Tôi đắc tội gì với cậu ta mà cứ phải chịu trách nhiệm về cậu ta cơ chứ. Tôi bảo, muốn chết có nhiều cách nhanh và dứt điểm lắm. Sợ bị rửa ruột thì trèo lên nóc tòa nhà cao nhất thành phố mà nhảy xuống, đảm bảo chết hết phương cứu chữa, sao phải bày đặt chết bằng thuốc ngủ với hương hoa làm gì.
Trầm không nói gì, hoặc giả cậu ta muốn cự nự: chết thì cách gì chả được, quan trọng là chết có… đẹp hay không mà thôi.
Những ngày Trầm lang thang trong cánh đồng đá, tôi nằm nhà uống rượu với ông. Rượu là một thứ vô vị, nhưng vì nó khiến người ta trút được nỗi buồn nên nó hữu dụng. Người bản Phó, bất kể ai, dù là đàn ông, đàn bà, trẻ em, ai cũng có thể uống rượu khi họ không vui, nhưng không ai ép ai phải uống bao giờ. Họ uống rượu tự nấu, và tự say với những nỗi niềm của riêng mình.
Cánh đồng đá bao quanh bản, nên ngồi ở vị trí nào cũng có thể thấy những mũi đá nhọn chĩa lên trời. Hình như người bản Phó chọn vị trí này để phòng vệ trước những cuộc tấn công của thú dữ, hoặc sự quấy phá của cư dân vùng khác, lâu đời, dù không còn thú dữ, cũng không ai quấy phá, đồng đá lại đem đến một vẻ đẹp lạ và độc đáo.
Trầm bảo, với cách nhìn của những nhà điêu khắc trẻ, vườn đá quả là một thiên đường ý tưởng. Sẽ ra sao nếu chúng ta không tận dụng cơ hội để biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật. Tôi mừng húm. Vậy là, lâu lắm rồi Trầm mới lấy lại cảm hứng nghệ thuật, dù ba năm trở về trước nó là một đam mê lớn không phải của riêng Trầm, mà cả với tôi nữa.
Nàng, vợ cũ của tôi luôn ủng hộ những đam mê kiểu “lao đầu vào đá” của chúng tôi. Hồi ấy, chúng tôi sẵn sàng làm bất cứ việc gì có liên quan đến điêu khắc, chỉ để có cơ hội được gửi gắm ý tưởng của mình. Năm ấy, một người đàn ông giàu có ngỏ ý mời chúng tôi đến trang trại của ông ta bên bờ sông để nặn những bức tượng nghệ thuật theo đơn đặt hàng. Ông muốn những bức tượng ấy được nung thành gốm. Đó là ước nguyện báo đáp công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, và làng nghề. Làng của ông là làng gốm nổi tiếng nhất chốn kinh kỳ. Những báo đáp của ông phải xứng với tầm của ngôi làng cả nước và quốc tế biết đến ấy.
Thế là tôi và Trầm háo hức với công việc mới, như là một cơ hội lớn để thể hiện tên tuổi của mình. Khát vọng đó hoàn toàn hợp lệ. Nhưng khác với tôi, Trầm chỉ làm những thứ cậu thích. Và lạ, nó chỉ xảy ra khi Trầm đến nơi này, làm việc với đại gia. Nghĩa là trước đó, Trầm hoàn toàn bình thường, có thể làm bất cứ sản phẩm nào theo ý tưởng đặt hàng của ai đó. Việc này khiến đại gia không hài lòng. Ông ta bỏ công lựa chọn, trả lương, đối đãi hậu hĩnh không phải để nhận được những sản phẩm không theo ý ông ta. Trong một trận cãi vã, Trầm hét lên: “Tôi không cần ai hiểu tôi. Tại sao tôi lại cần người hiểu tôi? Tại sao tôi phải khiến người khác hiểu tôi muốn gì?”. Cậu ta đạp đổ những bức tượng chính mình đã bao ngày say mê khởi tạo, và bỏ ra bờ sông ngồi hết đêm. Sau đêm ấy, sương phủ ướt đẫm áo quần tóc tai, cậu ta nhợt nhạt như một xác chết. Tệ hơn, từ ấy cậu ta luôn có mong muốn trở thành một xác chết.
Nàng, vợ cũ của tôi, phải rồi, nàng cũng đã phát điên, đã gào khóc, đã đập phá, đã đòi nhảy từ tầng năm nhà trọ xuống dòng xe cuồn cuộn để chết, vì nàng không thể tin rằng tôi và Trầm đã từng xoắn lấy nhau như tôi và nàng đã làm như thế, trong một căn phòng đầy đủ gối chăn, rèm cửa và ga đệm.
Khiến nàng chấp nhận từ bỏ tôi là việc khó khăn. Tôi đã bày đủ thứ trò, kể cả cái việc không thể tin nổi với Trầm kia. Nàng quá yêu tôi. Thứ tình yêu mà nàng có thể đánh đổi cả sinh mạng của mình, như nàng đã cố gắng chứng minh.
Bây giờ. Ngày nào cũng như ngày nào, Trầm lang thang ra ngoài bãi đá. Những khối đá được dựng lên từ những hòn đá rời mà Trầm hì hụi tìm kiếm, đào bới mang về. Trầm tự biết rằng sẽ không thể tạo những tác phẩm nghệ thuật nếu buộc phải làm tổn hại đến hiện trạng cánh đồng đá tuyệt đẹp này. Nó phải được giữ gìn cho muôn đời sau. Trầm thều thào như thế sau mỗi cuối ngày trở về bên cửa sổ.
Tôi mừng vì điều đó. Lâu rồi, từ khi lên bản Phó với tôi, Trầm đã không hề một lần nhắc đến cái chết. Hơn ba năm trước, khi sống trong trang trại bên bờ sông của đại gia nọ, được hưởng thụ đủ đầy nhu cầu cuộc sống của một thanh niên trẻ, dẫu không có đại gia, Trầm cũng không hề thiếu thốn, tôi cũng chưa bao giờ thấy Trầm đầy háo hức như thế.
Còn tôi. Tôi nhớ căn phòng trọ của tôi và nàng.
Trầm dẫn tôi ra cánh đồng đá. Tôi sững người trước công trình mà bấy lâu Trầm lặng lẽ tạo nên. Một tổng thể đá được sắp đặt theo một lối vừa lạ, đẹp vừa… vô nghĩa. Trầm cười khì khì trước nhận xét của tôi.
“Lẽ ra anh không nên nói gì”, Trầm nói. Chúng tôi cùng ngồi trên cánh đồng đá. Mùa này, hoa cải đang rộ, sau lúc rộ sẽ tàn, khi đồng loạt, khi lặng lẽ từng cánh rơi trong gió lạnh. Trầm muốn ở lại thêm một thời gian nữa.
Tinh sương hôm đó gió mùa đông tràn về cánh đồng đá. Hoa cải vàng tả tơi rơi rụng. Những bông mận sớm trong bản run rẩy và buông cành. Từng phiến đá nhọn đổ sập lên nhau, vụn vỡ, trơ khấc. Trầm cuồng điên phá tan tành cái công trình sắp đặt bao ngày mê mải của mình. Khi tất cả đã tan tành, Trầm đổ vật xuống bên đống đá. Những cánh hoa cải vàng lập tức phủ lên người Trầm.
“Gọi em dậy? Phương ơi! Gọi em dậy đi!”.
Những lời Trầm như gió buốt vun vút lao qua thời gian, xé toạc ô cửa gỗ khép chặt căn phòng từng thuộc về tôi và nàng. Tôi tỉnh giấc, mồ hôi đóng thành từng giọt như hạt ngô trên người.
Điện thoại đổ chuông khắc khoải. Là ông gọi từ bản Phó.
Đến bây giờ, những lúc đau buồn, người tôi như bị buộc chặt vào một sợi dây, mà ai đó ở cánh đồng bản Phó đang cố tình níu tôi trở lại. Mấy năm sau, một phượt thủ vô tình đi ngang đã tung những bức ảnh về bản Phó lên mạng, và nó nhanh chóng được người ta đón nhận. Khách phượt kéo nhau đến thăm cánh đồng đá ngập vàng hoa cải. Còn bởi những bức tượng đá sắp đặt của một nghệ sĩ trẻ, mà người ta đồn rằng anh ta đã vắt kiệt sinh lực sáng tạo cho chúng, bằng trái tim và bằng mạng sống.
Đêm Trầm chết trên cánh đồng đá, tôi tin rằng Trầm đã gọi tôi, đã khát khao được đánh thức. Lần đầu tiên trong đời, khi bản năng chết được thỏa mãn Trầm mới nhận ra bản năng sống còn mãnh liệt hơn rất nhiều.
Tôi tìm thuê một nhà trọ mới. Nỗi nhớ nàng không níu giữ được tôi ở chốn cũ, khi nó luôn gợi nhớ vào ngày đầu tiên của cuộc ly hôn. Nàng không mang theo gì, những thứ tôi và nàng bảy năm chung sống đã chung tay sắm sửa ngoài cái va li quần áo, cứ như kẻ phải bỏ lại tất cả là tôi, chứ không phải nàng. Và, nàng mở cửa chiếc xe sang đợi sẵn dưới phố. Chiếc xe của đại gia đã từng thuê tôi và Trầm. Họ đã hò hẹn nhau từ một lúc nào đó, tôi không hề hay biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.