Khu tái định cư (TĐC) Bến Ván được hình thành từ tháng 7.2004 với tổng số dân ban đầu là 1.015 người được di dời từ dự án xây dựng hồ thủy lợi Tả Trạch (xã Dương Hòa, TX.Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế). Qua hơn 17 năm, đến nay khu TĐC Bến Ván đã có gần 1.500 nhân khẩu được sáp nhập vào 2 thôn là Dương Lộc và Hòa Lộc (thuộc xã Lộc Bổn, H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế).
Trạm y tế khu tái định cư Bến Ván bị bỏ hoang phế hơn 10 năm qua |
LÊ HOÀI NHÂN |
Là vùng đồi núi, khu TĐC Bến Ván nằm cách quốc lộ 1A hơn 10 km nên khi đưa vào sử dụng, nơi này có đầy đủ cơ sở hạ tầng gồm: điện, đường, trường, trạm… Sau khi bàn giao cho xã Lộc Bổn quản lý, các công trình đều phát huy được tác dụng, người dân vùng “lòng hồ Tả Trạch” vui mừng với nơi ở mới khang trang. Thế nhưng, trạm y tế được xây dựng trên gần 2.000 m² đất chỉ hoạt động được vài năm đã phải “đắp chiếu” hoang phế, trong lúc đó nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày một cao.
Có mặt tại cơ sở y tế Bến Ván, đập vào mắt PV Thanh Niên là khung cảnh nhếch nhác, hoang tàn, các giường bệnh, trang thiết bị y tế mốc meo, hư hỏng.
Bỏ hoang chờ… xóa sổ
Theo lãnh đạo Trạm y tế xã Lộc Bổn, khi khu TĐC Bến Ván sáp nhập, trạm y tế này được bàn giao cho đơn vị y tế xã quản lý. Đơn vị y tế xã đã tiếp nhận và triển khai hoạt động, cắt cử nhân sự đến làm việc tại đây. Tuy nhiên, đến năm 2012, vì thiếu nhân lực và trang thiết bị dẫn đến hoạt động y tế không đảm bảo, buộc cơ sở phải đóng cửa. Trên địa bàn xã lúc này chỉ còn một trạm y tế (tại trung tâm xã). Mọi hoạt động thăm khám, chữa bệnh của người dân toàn xã tập trung tại đây.
Ông Bạch Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND xã Lộc Bổn, thông tin do trên địa bàn xã đã có 1 trạm y tế nên ngày 15.10.2020, Trung tâm y tế H.Phú Lộc đã có văn bản gửi UBND xã yêu cầu phối hợp điều chuyển cơ sở y tế Bến Ván (thuộc Trạm y tế Lộc Bổn) sang Trung tâm phát triển quỹ đất (H.Phú Lộc) quản lý, sử dụng. Ngày 26.10.2020, UBND xã Lộc Bổn đã có văn bản phản hồi, đề nghị Trung tâm y tế H.Phú Lộc liên hệ với Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Thừa Thiên-Huế để khôi phục lại mốc, ranh giới theo chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp phép. Tuy nhiên, theo ông Thanh, đến nay vấn đề trên vẫn chưa được Trung tâm y tế H.Phú Lộc triển khai. “Tạm thời, UBND xã tích cực vận động người dân không lấn chiếm, hoàn trả mặt bằng để thuận tiện trong việc bàn giao cho trung tâm quỹ đất”, ông Thanh cho biết.
Như vậy, theo phương án bàn giao về trung tâm phát triển quỹ đất quản lý sử dụng, có nghĩa trạm y tế này đang trong thời gian chờ… xóa sổ. Trong khi nhu cầu của người dân lại rất cần có cơ sở y tế để khám chữa bệnh. “Chúng tôi là dân lao động, nếu bị thương nhẹ, cần sơ cứu mà phải chạy ra trạm y tế xã hơn 10 km thì quá bất tiện. Chưa kể những người bị cao huyết áp, không có bác sĩ sơ cứu gấp thì rất nguy hiểm”, ông Ph. (48 tuổi, ngụ thôn Hòa Lộc, X.Lộc Bổn) nói.
Định cư trong vùng đồi núi cách xa trung tâm xã với đời sống kinh tế chủ yếu là trồng rừng, vì thế người dân 2 thôn Dương Lộc và Hòa Lộc rất cần có trạm y tế để đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh, nhất là trong tình hình thích ứng an toàn với dịch Covid-19.
Bình luận (0)