Khó đoán
Hãng thông tấn KCNA hôm 10.10 đăng một loạt ảnh và đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chỉ đạo cuộc tập trận của các đơn vị tác chiến hạt nhân chiến thuật trong quân đội từ ngày 25.9 - 9.10. Trong đó, vào rạng sáng 25.9, cuộc tập trận có nội dung phóng tên lửa đạn đạo giả định mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật từ lòng hồ ở tây bắc Triều Tiên. Chuyên san The Drive phân tích ngôn từ của bản tin cho thấy hệ thống phóng từ đáy hồ này được thiết kế để trở thành một hệ thống vũ khí tác chiến, không phải là loại chỉ dùng cho việc phóng thử tên lửa.
Giới quan sát cho rằng hệ thống phóng từ lòng hồ có ưu điểm lớn là khó bị phát hiện, gây thách thức cho đối phương trong việc xác định trước mục tiêu để thực hiện đòn tấn công phủ đầu. “Chúng không linh hoạt như tàu ngầm nhưng vẫn là một phương tiện khả thi để vận chuyển vũ khí hạt nhân mà Hàn Quốc sẽ cần lên kế hoạch đối phó”, chuyên gia Ankit Panda, thuộc Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (Mỹ), bình luận trên NK News. Ngoài ra, Triều Tiên cũng có thể bố trí các giàn phóng giả để tung hỏa mù, làm phức tạp thêm khả năng xác định của đối phương.
Tên lửa được phóng từ lòng hồ trong hình ảnh được Triều Tiên công bố ngày 10.10 |
Reuters |
Trong bối cảnh số lượng tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên cực kỳ hạn chế và có nguy cơ bị phát hiện trước khi phóng do công nghệ chưa phát triển, việc tìm cách đa dạng hóa các phương án phóng tên lửa được cho là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, ngoài ưu điểm nói trên, hệ thống phóng tên lửa từ lòng hồ bị cho là khó bảo dưỡng mà không để lộ vị trí, bên cạnh các vấn đề về môi trường và an ninh.
Bình luận về thông tin của KCNA, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 11.10 nói rằng những vũ khí trong đó không có gì mới và Seoul đã có năng lực phát hiện và ngăn chặn. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Hàn Quốc đang đánh giá thấp những mối đe dọa mới và không hệ thống phòng thủ tên lửa nào hoạt động hiệu quả 100%.
Ngược lại, một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Mỹ cho rằng vụ phóng tên lửa từ lòng hồ nhiều khả năng chỉ là đòn tuyên truyền để gây sự chú ý hơn là một mối đe dọa quân sự thực thụ.
Triều Tiên phóng tên lửa ra biển, điều chiến đấu cơ áp sát Hàn Quốc |
Tên lửa hành trình chiến thuật
Ngoài ra, Triều Tiên còn phát triển năng lực phóng tên lửa đạn đạo từ tàu lửa và xe phóng di động nhằm mang lại năng lực tấn công thứ hai sau đòn tấn công phủ đầu của đối phương. Hôm qua, KCNA tiếp tục đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thị sát cuộc tập trận của đơn vị tác chiến hạt nhân chiến thuật ngày 12.10, trong đó, lực lượng này đã phóng 2 tên lửa hành trình chiến lược tầm xa. Theo KCNA, hai tên lửa bay được 10.234 giây (khoảng 2 giờ 50 phút), theo quỹ đạo hình ô van và hình số 8, sau đó rơi xuống mục tiêu cách xa 2.000 km.
Văn phòng tổng thống Hàn Quốc nói rằng các tên lửa không gây đe dọa vì bay “đủ chậm để có thể ngăn chặn” nhưng nhấn mạnh sẵn sàng phản ứng cứng rắn trước các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng. Việc Triều Tiên phát triển những loại vũ khí hạt nhân mới đã làm dấy lên lại những lời kêu gọi tại Hàn Quốc về việc tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ tại Hàn Quốc. Vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ được rút khỏi bán đảo sau khi hai miền Triều Tiên đạt tuyên bố chung về phi hạt nhân hóa vào năm 1991.
Tờ Chosun Ilbo mới đây loan tin Hàn Quốc đã đề nghị Mỹ triển khai khí tài chiến lược như tàu sân bay hoặc tàu ngầm hạt nhân đến vùng biển quanh bán đảo Triều Tiên trước khả năng Bình Nhưỡng sắp thử hạt nhân. Tổng thống Yoon Suk Yeol ngày 13.10 nói rằng có nhiều ý kiến về việc tăng cường răn đe và ông đang cẩn trọng lắng nghe cũng như xem xét nhiều khả năng. Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Beom-chul cùng ngày gạt bỏ ý tưởng tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật và cho rằng phương án được mong đợi nhất là triển khai các khí tài chiến lược đến bán đảo Triều Tiên đúng thời điểm và có sự phối hợp.
Hàn Quốc mất dấu tên lửa
Yonhap hôm qua dẫn lời các quan chức Hàn Quốc cho biết quân đội nước này đã mất dấu một tên lửa được phóng để đáp trả việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm trung ngày 4.10. Theo đó, sau vụ phóng của Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ ngày 5.10 tập trận bắn đạn thật, mỗi bên phóng 2 tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) nhưng một quả của Hàn Quốc bị mất dấu và không rõ có trúng mục tiêu hay không. Cũng trong ngày 4.10, Hàn Quốc phóng một tên lửa đạn đạo tầm ngắn Hyunmoo-2 nhưng bị trục trặc và rơi ngay sau khi phóng. Vụ việc khiến quân đội Hàn Quốc phải xin lỗi.
Bình luận (0)