iPhone, túi xách LV giá "siêu bèo"
Trên sàn Shopee, khi vào mục túi ví nữ, đập vào mắt khách hàng là mẫu sản phẩm được giới thiệu túi cốp 325 size 20 chữ nhật da mềm có hộp giá 269.000 đồng, giảm 7% so với giá gốc 289.000 đồng. Đáng chú ý, hình ảnh quảng bá cho sản phẩm này là chiếc túi hộp in rõ ràng nhãn hiệu Louis Vuitton (LV) kèm cả hộp giấy cứng của thương hiệu nổi tiếng thế giới. Phía dưới là một số lời bình luận (comment) khen cửa hàng giao nhanh, giá rẻ, sản phẩm tốt… và kèm luôn hình ảnh nhận hàng cũng rõ ràng mang tên LV.
Thực tế, tất cả khách hàng đều biết một chiếc túi LV chính hãng có giá từ 40 triệu đồng trở lên. Trên trang web chính hãng Louis Vuitton tại VN, sản phẩm kiểu dáng túi hộp như hình ảnh rao bán trên Shopee nói trên có giá 71,5 triệu đồng.
Tương tự, hàng loạt túi, ví khác nhau được giới thiệu na ná như túi HM với hình dáng dễ nhận thấy của sản phẩm đắt đỏ Hermes có giá chỉ từ 143.000 - 200.000 đồng; túi "Đ" mini với hình ảnh sản phẩm nhái thương hiệu Dior được bán giá 335.000 đồng…
Chuyển sang mục giày thể thao, hàng fake cũng nhan nhản. Hình ảnh đôi giày hiệu MLB được giới trẻ yêu thích nhiều năm nay được giới thiệu với giá chỉ 219.000 đồng, giảm 27% so với giá gốc 299.000 đồng. Shop này còn đưa ra hàng loạt cam kết như "hoàn tiền 100% nếu hàng không giống ảnh, cam kết 1 đổi 1 nếu hàng lỗi hoặc bất kỳ vấn đề gì xin hoàn tiền. Uy tín đã được đảm bảo qua hàng vạn đơn hàng trên khắp cả nước. Freeship đổi trả toàn quốc nếu hàng lỗi , bảo hành hàng 3 tháng, cam kết rẻ nhất, hàng xịn sò nhất, giá tận xưởng, uy tín tận tâm. Sản phẩm cam kết hình ảnh thật, tự chụp 100% có thể yên tâm nó là ảnh và video chính chủ…".
Cũng chung tình trạng này, hàng loạt gian hàng rao bán điện thoại di động iPhone trên sàn Lazada với giá rẻ không tưởng. Cụ thể, sản phẩm có hình ảnh quảng cáo giống iPhone 15 chỉ hơn 1 triệu đồng. Chiếc điện thoại này được giới thiệu là "chính hãng 2 SIM, RAM 12G/512G, Camera sau: Chính 50 MP & Phụ 32 MP, 48 MP Camera trước: 16 MP, Cấu hình mạnh đỉnh Cày PUBG/Liên Quân/Free Fire/Tiktok siêu mượt, chống rung, làm đẹp khuôn mặt, toàn cảnh, pin thật: 6800MAh…".
Lạ đời shop fake hướng dẫn phân biệt hàng thật - giả: Người có kinh nghiệm cũng bị lừa
Chỉ cần so sánh với giá bán điện thoại iPhone 14, 15 ở các cửa hàng uy tín trên thị trường hiện nay thì rõ ràng có một sự chênh lệch khó tin. Mới đây, trên mạng xã hội xôn xao về trường hợp một chủ tiệm cầm đồ tại Hà Nội cho biết đã nhầm lẫn khi nhận thế chấp một chiếc điện thoại iPhone 14 nhái từ khách lạ, cả ngoại hình và giao diện đều giống với hàng thật đến mức người có nhiều kinh nghiệm như ông chủ tiệm cầm đồ cũng khó có thể phân biệt được.
Ông Lê Trần Hà, Giám đốc Trung tâm dịch vụ kỹ thuật và bảo hành FPT Shop, xác nhận trên thị trường hiện nay có sự tồn tại của các sản phẩm iPhone giả. Với sự nổi tiếng của iPhone, các nhà sản xuất nhỏ lẻ luôn cố gắng sao chép và bán các phiên bản giả mạo. Người mua hàng cần cẩn trọng và chỉ mua sản phẩm từ các nguồn đáng tin cậy để tránh mua phải hàng giả. "Chỉ riêng việc sản phẩm được bán với giá rẻ không tưởng so với giá thị trường thì có thể là dấu hiệu của sản phẩm giả mạo. Tuy nhiên, việc tự phân biệt iPhone chính hãng và sản phẩm giả mạo có thể khó khăn đối với người dùng không có kinh nghiệm", ông Hà nói.
Đột xuất kiểm tra kho của 'hot girl' online, phát hiện chồng chất hàng không nguồn gốc
Đến thực phẩm chức năng giá rẻ hơn 50%
Không chỉ với quần áo, giày dép, túi xách hay điện thoại di động, những sản phẩm thực phẩm chức năng cũng được bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử với giá rẻ bất ngờ. Với từ khóa "Blackmore", khách hàng dễ dàng tìm kiếm được hàng chục shop cung cấp mặt hàng thực phẩm chức năng này trên các sàn Shopee, Lazada. Sản phẩm bán chạy nhất là "Viên Tinh dầu Hoa anh thảo Blackmores Evening Primrose Oil 190 viên" chỉ khoảng 362.000 đồng/hộp.
Trong khi đó, cũng với sản phẩm tương tự, viên tinh dầu hoa anh thảo được niêm yết trên website của nhà thuốc Long Châu là 736.440 đồng/hộp. Đánh vào tâm lý chuộng giá rẻ, các shop trên sàn Shopee, Lazada… thoải mái tung ra "mê hồn trận" các mức giá thấp hơn rất nhiều so với hàng chính hãng được phân phối trên thị trường.
Chỉ cách đây 2 ngày (ngày 26.12), Đội quản lý thị trường số 25 (Hà Nội) phối hợp với Đội cảnh sát kinh tế, Công an H.Chương Mỹ đã bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh của hộ N.V.T tại H.Chương Mỹ, TP.Hà Nội. Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang sang chiết, đóng sản phẩm vào các hộp, chai, lọ bên ngoài thể hiện các nhãn hiệu như Ronas, Ultra-V, Vitamin E, Gamma, Royal retinol… có dấu hiệu giả mạo nguồn gốc, xuất xứ với khối lượng lên tới 40 tấn hàng hóa.
Trong đó, nhiều sản phẩm được dán nhãn xuất xứ từ Úc, Canada, Hàn Quốc… Ngoài ra, cơ sở này còn có một lượng lớn các lọ nhựa, hộp đựng, tem nhãn, và hàng tấn nguyên liệu không rõ nguồn gốc, không bao bì nhãn mác dùng cho việc sản xuất được vứt bừa bãi trên nền đất, một số loại nguyên liệu có mùi hắc nồng nặc, thậm chí các viên nang thực phẩm chức năng đã kết dính vào nhau…
Ngay tại hiện trường, đại diện nhãn hiệu Blackmores bước đầu nhận định sản phẩm Blackmores Evening Primrose Oil tại cơ sở sản xuất mà lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra có dấu hiệu làm giả và thời gian qua thương hiệu này đã ghi nhận nhiều sản phẩm giả đã bán ra thị trường với số lượng lớn, trong đó thông qua các kênh phân phối là sàn thương mại điện tử.
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nhận định tình trạng hàng nhái, hàng giả trên các sàn thương mại điện tử đã tồn tại nhiều năm qua. Hiện nay, vấn đề này đang ngày càng lan rộng theo xu hướng bùng nổ của thương mại điện tử hay hoạt động livestream bán hàng. Vì vậy, cơ quan quản lý liên quan cần rà soát các văn bản quy định về hành nghề thương mại thông qua các nền tảng số; yêu cầu các sàn thương mại điện tử đăng ký kê khai số gian hàng tham gia trên sàn để nắm số lượng người bán. Thậm chí rà soát cả các hộ gia đình, cá nhân có hoạt động bán hàng qua mạng.
Sau khi có số liệu thì sẽ phân loại để tập trung giám sát, kiểm tra các cá nhân bán hàng thường xuyên với số lượng lớn, giao hàng nhộn nhịp. Việc kiểm tra này không chỉ giám sát về chất lượng hàng hóa mà còn tiến tới rà soát, thu thuế kinh doanh qua mạng. Nhà nước cần phải xem xét các quy định hiện hành và tăng mức xử phạt lên cao hơn để các cá nhân không dám vi phạm.
"Chẳng hạn xử phạt có 5 triệu đồng mà thu lãi đến 50 triệu đồng thì chắc chắn nhiều cá nhân vẫn bán hàng nhái, hàng giả. Việc xử lý cần phối hợp đồng bộ giữa nhiều cơ quan quản lý và làm mạnh hơn, nghiêm minh hơn để ngăn chặn tình trạng này bởi đang tràn lan khắp nơi. Quần áo, giày dép dỏm thì người mua mất tiền oan một phần nhưng nguy hiểm hơn vì liên quan đến sức khỏe là đồ ăn, thực phẩm chức năng là hàng nhái, giả thì không thể tha thứ", ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Lần theo livestream, ‘chốt đơn’ nguyên kho hàng không rõ nguồn gốc cực lớn
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành, riêng năm 2022 các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra khoảng 140.000 vụ việc có vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử liên quan tới buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ. Sang 6 tháng đầu năm 2023, tổng số vụ việc vi phạm khoảng 67.000 vụ việc liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và sở hữu trí tuệ. Trong đó có khoảng gần 4.000 vụ việc là hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Bình luận (0)