Chưa năm nào, phong trào làm bánh trung thu handmade sôi động như năm nay, từ các gia đình, trường học đến công sở đều sôi sục làm bánh. Ăn theo trào lưu này, khắp nơi bày bán nguyên liệu làm bánh không thời hạn sử dụng, đa số không có nhãn mác.
|
Muốn sạch chỉ còn cách nhịn
Tại phố Hàng Buồm (Hà Nội), càng gần tết trung thu, người đến mua nguyên liệu làm bánh càng nườm nượp. Bột làm bánh dẻo, bột làm bánh nướng giá 25.000 - 60.000 đồng/kg. Nếu khách hàng muốn mua loại bột đóng trong bao tải thì có loại giá chỉ 10.000 đồng/kg. Nhân mứt sen 12.000 đồng/túi; nhân mứt bí 50.000 đồng/kg…
Năm nay, ngoài nhân khô, các cửa hàng còn bán thêm các loại nhân đóng gói sẵn loại 2 kg, 5 kg, như sen nhuyễn, trà xanh, khoai môn, đậu xanh, sữa dừa…, với mức giá từ 80.000 - 120.000 đồng/kg. Dù giá cả giữa các hàng chênh lệch khác nhau, song điểm chung là tất cả các nguyên liệu làm bánh đều không có hạn sử dụng. Do thời tiết mưa nắng thất thường, nhiều gói mứt bí bắt đầu có hiện tượng chảy nước. Những gói nhân đóng sẵn được bày gần sát với vỉa hè ẩm mốc, trông rất mất vệ sinh.
Theo chủ một cửa hàng bán nguyên liệu làm bánh, khách mua nguyên liệu làm bánh chủ yếu là các công sở, đặc biệt là trường học, với số lượng lớn cho các em nhỏ tập làm bánh. “Chỉ cần cho bột vào khuôn, nhồi nhân vào là có ngay bánh dẻo. Cho vào lò nướng là có một mẻ bánh thơm lừng. Mỗi kg nhân làm được 20-30 chiếc bánh. Mấy hôm nay đông khách, có nhà hảo tâm còn đặt mua cả tạ bột làm nghìn cái bánh tặng trẻ em”, chủ cửa hàng này quảng cáo.
Tại một cửa hàng trên chợ Đồng Xuân, khi thấy chúng tôi thắc mắc về hạn sử dụng, nhãn mác, người bán hàng khó chịu, nói “mát”: “Mua ở đâu cũng giống nhau cả thôi. Muốn sạch chỉ còn cách nhịn”.
Thả nổi khâu kiểm soát nguyên liệu
Đông khách không kém chợ truyền thống là các cửa hàng bán nhân bánh online. Một tuần trước trung thu, cửa hàng bán nguyên liệu làm bánh trên đường Nguyễn Khuyến (quận Đống Đa) thông báo không nhận giao hàng, không trả lời điện thoại vì khách quá đông, không có thời gian để nghe.
Nếu tại phố Hàng Buồm, chợ Đồng Xuân chủ yếu phục vụ khách buôn hoặc mua số lượng lớn, thì các cửa hàng online chủ yếu phục vụ khách hàng riêng lẻ, thậm chí khách mua 1 lạng nhân cũng bán. Chẳng hạn, nhân thập cẩm kết hợp 8-13 vị giá từ 140.000 - 160.000 đồng/kg, mỡ muối 15.000 đồng/lạng; vừng rang chín đóng gói 1 lạng hoặc một túi giá 10.000 đồng; trứng muối 6.000 đồng/quả…
Tương tự các cửa hàng bán nguyên liệu truyền thống, khảo sát nhiều loại nhân bánh bán qua mạng, chúng tôi cũng chưa thấy sản phẩm nào có hạn sử dụng, kể cả loại có nhãn mác.
Nhiều khách hàng cho hay không phải cứ tự làm bánh là có mẻ bánh ngon, nhiều lần phải đổ bỏ. Chị Hồng Kiều, nhà ở Hoàng Văn Thái chia sẻ: “Nhà sẵn lò nướng, mình cũng lên mạng tập tành học làm bánh trung thu. Nhưng khi ăn vào thì vừa ngọt, vừa nhiều mỡ, không thể ăn nổi. Các loại nhân chay lại sặc mùi hương liệu”.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Khoa học công nghệ và thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội), xu hướng tự làm bánh trung thu sẽ ngày càng phát triển và rất đáng khuyến khích, nhưng thực tế, tất cả các công đoạn làm bánh, mua nguyên liệu đều mua sẵn ngoài thị trường, rủi ro về an toàn vệ sinh thực phẩm. “Nguyên liệu làm nhân bánh như trứng muối, thịt mỡ, xúc xích, lạp sườn rất dễ ôi thiu…, chưa kể người sản xuất còn sử dụng chất bảo quản, hương liệu tạo mùi. Tại sao người mua mua được, cơ quan quản lý lại không kiểm tra được? Vấn đề ở đây là chúng ta chưa có tổ chức giám sát về vấn đề an toàn thực phẩm bánh trung thu”, ông Thịnh nói.
Theo TS Thịnh, người tiêu dùng nên tự tay chế biến nguyên liệu và kiểm soát đầu vào thực phẩm làm bánh để bảo đảm an toàn.
Hải Bình
>> Rồng rắn xếp hàng mua bánh trung thu truyền thống
>> Bánh trung thu tăng 'lượng' lẫn 'chất
>> Bánh trung thu ế thê thảm
>> Bánh trung thu 'dỏm' sắp hết đất sống
Bình luận (0)