NHÀ NHÀ TỔ CHỨC BÁN TRÚ HÈ
Trên mạng xã hội, các cá nhân, tổ chức giới thiệu đang có những khóa "bán trú hè hấp dẫn". Ngoài các trường, lớp mầm non/trường tiểu học/trường học có nhiều cấp học ngày thường đã tổ chức cho học sinh (HS) bán trú và tới mùa hè tiếp tục tổ chức bán trú hè thì nhiều đơn vị, từ các trung tâm dạy vẽ, toán tư duy tới các nhà văn hóa thiếu nhi cũng quảng cáo "có các lớp bán trú hè".
Trên Facebook, một cô giáo tên H.T cho biết dạy toán tư duy, rèn chữ đẹp cho trẻ và mở lớp "bán trú hè" cho trẻ em ở Q.4, TP.HCM, mời phụ huynh inbox để đăng ký.
Còn khi chúng tôi liên hệ tới một trung tâm dạy vẽ có nhiều cơ sở ở TP.HCM, nơi này cho biết có tổ chức bán trú hè ở hàng loạt cơ sở tại nhiều quận ở TP, ngoài các giờ học nghệ thuật, các con sẽ ăn, ngủ trưa tại trung tâm. Khi chúng tôi hỏi các giấy tờ pháp lý cho việc tổ chức bán trú, nhân viên tư vấn đưa ra một tờ giấy chứng nhận… đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ một cơ sở cung cấp đồ ăn, và cho biết "cơ sở này cung cấp đồ ăn cho các bé". Ngoài ra, nhân viên còn giới thiệu "chỗ em tổ chức bán trú hè cho trẻ 5 năm nay rồi nên chị yên tâm, các đoàn kiểm tra an toàn PCCC cũng thường xuyên đến chỗ em kiểm tra".
NHIỀU CƠ SỞ TỰ PHÁT
Một phó chủ tịch phường ở TP.HCM cho biết nhu cầu gửi con bán trú trong những ngày hè là có thật và nhu cầu này rất cao. Tổ kiểm tra liên ngành ở cấp phường của chị thường tổ chức các đợt kiểm tra thường xuyên/đột xuất các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập (đã được cấp phép đầy đủ). Tuy nhiên, với những địa điểm người dân tự ý giữ trẻ tự phát; cá nhân tự quảng cáo là có lớp bán trú hè ở căn hộ trong các khu dân cư, nhất là khu chung cư đóng cửa cả ngày, người ngoài khó vào và nhận trẻ tới học kỹ năng, ăn ngủ bán trú thì rất khó kiểm soát. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn với trẻ em.
"Do đó, phụ huynh hãy tỉnh táo khi tìm nơi để con học kỹ năng, học bán trú ngày hè. Nên lựa chọn những nơi học đầy đủ giấy tờ pháp lý, được đăng ký với cơ quan quản lý địa phương. Có thể liên hệ UBND phường/xã để cập nhật thông tin", Phó chủ tịch UBND một phường tại TP.HCM cho biết.
Trong nhiều buổi làm việc, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM thường xuyên lưu ý: "Trước khi gửi con ở các trường, lớp mầm non công lập/tư thục, phụ huynh nên tìm hiểu về trường, lớp phù hợp cho con em theo học, tránh cho con học tại những cơ sở không có giấy phép, không đảm bảo pháp lý tại địa chỉ: https://pgdmamnon.hcm.edu.vn/congkhaicosogiaoduc".
KHÔNG PHẢI MUA ĐỒ ĂN TRƯA VỀ LÀ THÀNH BÁN TRÚ
Chủ một cơ sở giáo dục ngoài công lập tại Q.Tân Phú, TP.HCM cho biết có hai vấn đề quan trọng nhất để quản lý được các cơ sở trông giữ trẻ, đó là các cơ sở, trung tâm trông giữ trẻ ngoài giờ học phải tiến hành đăng ký với chính quyền địa phương từ cấp phường, xã, quận, huyện, đảm bảo pháp lý, phải đảm bảo quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm, tai nạn thương tích, phòng ngừa bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trẻ em, phòng chống cháy nổ… Và thứ hai, các phường, xã, thị trấn có trách nhiệm phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra và giám sát các cơ sở trông giữ trẻ trên địa bàn để hướng dẫn thực hiện quy định về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
"Vì khi tổ chức bán trú cho trẻ em thì không hề đơn giản. Không phải mua đồ ăn trưa về cho trẻ, trải nệm ra sàn thì là bán trú được. Trẻ ăn trưa ở cơ sở thì bữa ăn phải làm sao để an toàn, tránh ngộ độc thực phẩm. Trẻ ngủ trưa tại cơ sở thì quy định làm sao để bảo vệ trẻ, tránh tai nạn thương tích, tránh xâm hại…", vị này nói.
Một cán bộ trong ngành giáo dục tại TP.HCM nhận định: "Tổ chức bán trú rất phức tạp, không đùa được. Nhiều người mơ màng, tưởng làm đơn giản nhưng không phải. Có rất nhiều vấn đề. Bếp ăn phải một chiều ra sao. Vệ sinh an toàn thực phẩm ra sao. An toàn PCCC thế nào. Nuôi dưỡng trẻ theo độ tuổi… Chứ không phải ai muốn tổ chức bán trú cũng được. Dạy học còn sáng tạo được, chứ nuôi dưỡng trẻ không sáng tạo được. Anh làm gì, anh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật".
Trung tâm tin học, Anh ngữ cũng quảng cáo tổ chức bán trú hè
Trong vai phụ huynh tìm chỗ gửi con học hè , chúng tôi đã tiếp cận và nhận được báo giá của nhiều cơ sở dịch vụ bán trú hè tại địa bàn TP.Đà Nẵng. Chẳng hạn, một trung tâm tại Q.Cẩm Lệ (TP. Đà Nẵng) giới thiệu về lớp bán trú tiền tiểu học với mức giá từ 1,7 – 1,85 triệu đồng/tháng.
Với mức giá này, từ 7 giờ 30 phút – 17 giờ mỗi ngày (từ thứ hai – sáu hàng tuần), các cháu học lớp bán trú sẽ được học các môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh, vẽ và toán tư duy. Tính riêng tiền ăn trưa và ăn tráng miệng cho 20 ngày là 500.000 đồng/cháu.
Trung tâm này cam kết, các cháu học bán trú sẽ được những giáo viên có uy tín giảng dạy và được chăm sóc chu đáo.
Chị N.T.H (trú tại P.Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) cho biết ngay thời điểm từ tháng 4, chị đã tìm các lớp bán trú hè cho cậu con trai chuẩn bị vào lớp 1. Chị H. chia sẻ, dù muốn cho con những ngày hè trọn vẹn nhưng do công việc không thể ở nhà cùng con, kể cả vào thứ bảy nên chị phải tìm lớp dự thính bán trú hè để cho con theo học.
Theo khảo sát của phóng viên, nhiều trung tâm tin học, Anh ngữ trên địa bàn TP.Đà Nẵng cũng đăng thông báo chiêu sinh lớp bán trú hè với mức chi phí từ 2 – 3 triệu đồng/tháng. Trên các hội, nhóm mạng xã hội, câu chuyện gửi con em vào các lớp học bán trú hè được phụ huynh bàn tán sôi nổi.
Những lớp học tư nhân do một số cá nhân tự nhận là giáo viên cũng được công khai tuyển học sinh bán trú hè.
Ông Trần Nguyễn Minh Thành, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng, cho biết vào giữa tháng 4 vừa qua, Sở đã có công văn gửi các đơn vị liên quan về việc chấn chỉnh hoạt động đào tạo ngoại ngữ, tin học, giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.
Ông Thành khẳng định, đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống, tuyệt đối không tổ chức các chương trình tiếng Anh bán trú hè, chương trình kỹ năng sống bán trú hè, hoạt động bán trú cho học sinh và giữ trẻ mầm non tại địa điểm hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống. Việc tổ chức các hoạt động này không thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của trung tâm.
Đồng thời, các trung tâm tổ chức giảng dạy các chương trình đã được Sở GD-ĐT cho phép, không tự tiện sử dụng giáo trình, tài liệu dạy học trái với chương trình đã đăng ký với sở GD-ĐT và các quy định hiện hành.
Ông Thành cho hay, Sở đã đề nghị phòng GD-ĐT các quận, huyện tiếp tục tăng cường rà soát, phối hợp kiểm tra các đơn vị trên địa bàn; chủ động đề xuất, tham mưu UBND quận, huyện, Sở GD-ĐT nếu phát hiện đơn vị hoạt động không phép hoặc không đúng chức năng để kịp thời xử lý, giải quyết theo quy định.
"Sở phối hợp với sở, ngành liên quan và phòng GD-ĐT các quận, huyện tăng cường thanh, kiểm tra việc tổ chức, hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống. Nếu phát hiện vi phạm, sở sẽ tiến hành các thủ tục đình chỉ, giải thể theo quy định", Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng Trần Nguyễn Minh Thành nói.
Hoàng Sơn
Bình luận (0)