Trần Tiến: ‘Con người lớn lên trong chính nỗi cô đơn của mình, nếu không tuyệt vọng’

01/12/2020 12:11 GMT+7

Buổi chiếu ra mắt bộ phim tài liệu về nhạc sĩ Trần Tiến có tên Màu cỏ úa đã diễn ra trong không khí ấm cúng tại Viện Pháp (Hà Nội) tối 30.11.

Lan Nguyên, đạo diễn trẻ năm nay 30 tuổi, đã bắt đầu chuyến hành trình với nhạc sĩ Trần Tiến trong suốt 5 năm, tức là khi cô mới 25 tuổi. 5 năm rong ruổi cùng nhạc sĩ, đi theo ông trong những chuyến du ca, Lan Nguyên mang đến cho người xem những thước phim chân thực và đầy cảm xúc.

Trần Tiến là thế, đi đâu cũng mang theo 1 vali, nào micro, nào loa, để đến đâu ngồi với bạn bè, với những người yêu âm nhạc của mình, là hát.

Hình ảnh một Trần Tiến từ khi là chàng trai nghêu ngao hát trên sân khấu hay trên đường phố đến khi ông nhận mình là “ông già này” hiện lên như cuộc đời được quay chậm của người nhạc sĩ.

Ha-Tran

Ca sĩ Hà Trần và nhạc sĩ Nguyễn Cường chia sẻ trong buổi chiếu ra mắt Màu cỏ úa tại Hà Nội

Ảnh ĐPCC

Những cái nháy mắt tinh nghịch, những nụ cười hiền, những câu đùa tếu táo, những chia sẻ đầy tính trải nghiệm, triết lý là những gì mà người ta dễ dàng “định dạng” về ông.

Có mặt trong buổi chiếu, khi xem những thước phim về chú - người mà chị cũng coi như là người cha tinh thần của mình, ca sĩ Hà Trần đã khóc. “Lan Nguyên, chị xin thay mặt gia đình cảm ơn em rất nhiều!”, Hà Trần xúc động nói.

Hà Trần cảm động bởi Lan Nguyên cùng những người đồng hành với cô đã đi theo nhạc sĩ Trần Tiến rất lâu, đủ tình yêu lớn để dành cho Trần Tiến và âm nhạc Trần Tiến.

Ha-Tran

Ca sĩ Đinh Mạnh Ninh, Tấn Minh và Hà Trần ngẫu hứng hát nhạc Trần Tiến

Ảnh ĐPCC

“Giữa tôi và chú rất mạnh về mã gen, dù chúng tôi ít gặp nhau, không nói chuyện chia sẻ hằng ngày. Chúng giống như một thân cây to và tôi là cành cây vươn ra từ đó”, Hà Trần chia sẻ.

Hà Trần nói chị không chọn làm nghệ sĩ, không chọn làm người nổi tiếng nhưng tôi được “trồng” trong  mạch nguồn âm nhạc của gia đình. “Điều đó giúp tôi có may mắn nhận được sự yêu thương của những người khác cũng như được sống trong âm nhạc, sống trong những bài hát rất đẹp của chú mình”, Hà Trần chia sẻ.

“Tôi cảm động câu nói cuối cùng trong phim của chú,  cảm ơn vì tình yêu của mọi người đã làm cuộc đời chú rất đẹp, giúp chú đi qua cuộc đời này”, Hà Trần bộc bạch.

Với Hà Trần, Màu cỏ úa là những thước phim quý giá về cuộc sống nghệ sĩ của gia đình chị. “Thời gian không quay lại được, và những thước phim của em giúp chúng tôi giữ lại ký ức về chính cuộc đời của mình”, chị nói.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường, người bạn thân của nhạc sĩ Trần Tiến, cũng có mặt trong buổi chiếu. “Tôi đã thấy được chân dung của bạn tôi qua bao nhiêu năm tháng. Đó là những thước phim tư liệu rất quý giá. Từ tư liệu này có thể làm rất nhiều phim nữa chứ không chỉ riêng phim này”, ông bày tỏ.

Âm nhạc của Trần Tiến giống như một “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt bộ phim. Âm nhạc cùng những câu chuyện của ông, một phần cuộc sống của ông với người thân, bạn bè, khán giả cuốn lấy người xem. Có lẽ bởi Trần Tiến và âm nhạc của ông đã là những điều quá hay và thú vị để đưa lên màn ảnh, cùng với đó là cái nhìn trong trẻo và đầy tình cảm yêu mến mà đạo diễn dành cho ông.

 “Con người lớn lên trong chính nỗi cô đơn của mình, nếu không tuyệt vọng”, đó là câu chia sẻ của nhạc sĩ Trần Tiến trong bộ phim. Và với nhiều người khi xem bộ phim này, họ hiểu rằng có lẽ trong nỗi cô đơn của mình, âm nhạc của ông giúp họ không tuyệt vọng….

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.