Trăn trở cuối đời của vị Thủ tướng “trọn đời vì nước, vì dân” Võ Văn Kiệt

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
13/11/2022 12:22 GMT+7

Qua những câu chuyện kể của anh Phan Thanh Nam - con trai cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, độc giả sẽ được biết đến nhiều những trăn trở cuối đời của một vị Thủ tướng luôn “trọn đời vì nước, vì dân” Sáu Dân - Võ Văn Kiệt.

Bài Bức thông điệp để lại của anh Phan Thanh Nam in trong sách Võ Văn Kiệt người thắp lửa do NXB Trẻ vừa ấn hành, xuất bản nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt (23.11.1922 - 23.11.2022), con trai cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt kể lại: “Tháng 4.2008, khi biết tôi có công việc đi Dubai, ba tôi đã ngồi nói chuyện với tôi rất nhiều những lo ngại của ông về hiện tượng khí hậu thay đổi rất khác thường. Tổn thất về người, về vật chất bởi lũ lụt hàng năm do thiên tai gây ra ở miền Trung hầu như khó tránh khỏi, thường thì năm sau thời tiết diễn biến phức tạp hơn năm trước.

Vị Thủ tướng luôn “trọn đời vì nước, vì dân” Sáu Dân - Võ Văn Kiệt

T.L

Ba tôi nhìn vào mắt tôi như muốn cùng chia sẻ, xem tôi quan tâm và có suy nghĩ gì về vấn đề này.

- Thì con thấy thời tiết hàng năm vẫn giữ đúng mùa nào thức đó thôi, chỉ có sớm hơn muộn hơn, ít hơn nhiều hơn so hàng năm với nhau. Các tỉnh duyên hải miền Trung kiểu gì cũng phải tìm cách “sống chung với lũ” - Tôi trả lời.

- Nếu chỉ chung chung như khẩu hiệu, mà đem áp vô là không ăn đâu, chỉ có thể phải là: Đồng bằng Nam bộ - Sống chung với lũ. Các tỉnh miền Trung - Sống chung với lốc xoáy, lũ quét.

Tôi biết ba muốn nói với tôi về điều ông đang suy ngẫm, trăn trở bấy lâu.

Với lũ quét ở miền Trung con nghĩ cần phải nghiên cứu việc quản lý, đầu tư nhà máy thủy điện, các nhà máy sản xuất gỗ dăm mảnh xuất khẩu, nhà máy sản xuất bột giấy, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn có liên quan với nhau như thế nào lúc này là rất cần thiết.

- Tại sao? Quản lý rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng nguyên liệu, từ trồng trọt, chăm sóc, quản lý, khai thác có vấn đề gì nào? Thủy điện thì sao? - Ba tôi gợi chuyện”.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt 'dằn từng tiếng trong âu lo'

Anh Phan Thanh Nam cho biết tiếp: “Tôi nói về những cảm nhận suy nghĩ riêng của mình, ba tôi lắng nghe làm tôi phấn khích cùng ông trò chuyện. Tôi nói hàng năm tôi có công việc thường xuyên đi các tỉnh miền Trung và biết nhiều công ty thu mua khai thác xuất khẩu hàng trăm ngàn mét khối gỗ dăm mảnh mỗi năm. Nguồn khai thác cung cấp gỗ nguyên liệu loại này từ các rừng trồng ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... đều có.

Cây rừng trồng từ khi khai hoang, làm đất, trồng chăm sóc sau 6 năm, khai thác trắng, băm chặt, vận chuyển đến cảng biển gần nhất, cứ một hecta rừng trung bình được 50 tấn gỗ dăm mảnh khô, xuất khẩu dạng thô tại cảng Việt Nam (FOB) chỉ được 100 USD/tấn.

Tôi dừng lại, nhận thấy sự thất vọng trong ánh mắt của ba tôi mà không khỏi chạnh lòng.

- Chỉ được nhiêu vậy sao? - Ba tôi ngạc nhiên hỏi rồi nói tiếp ngay - Biết bao công sức mà người dân cũng không được là bao, bởi cứ xuất thô kiểu này rừng cứ mất, dân cứ nghèo. Mỗi năm mất trắng hàng chục, hàng trăm ngàn hecta rừng ở miền Trung chứ không ít. Việc trồng lại rừng có bao giờ kịp với chặt phá rừng đâu, chắc phải hỏi lại kỹ việc này. Còn rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn nếu cùng chung số phận tương tự thì, nguy hại khôn lường.

Ba tôi nói dằn từng tiếng trong âu lo và muốn biết rõ hơn về số phận của rừng, còn tôi cũng muốn bộc bạch thêm:

- Nếu rừng phòng hộ cũng trồng keo lai bạch đàn khi cây đến tuổi phải thu hoạch, không khai thác trắng thì cũng cho phép chặt tỉa có tuyển chọn mà ba. Đây có là cơ hội làm rỗng ruột rừng phòng hộ, có kiểm soát, bảo vệ, giữ được rừng nguyên vẹn hay không? Nếu cứ để đến lúc đọc được tin, theo nhân dân địa phương phát hiện, các cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra, khởi tố hình sự những kẻ làm ‘Tan hoang rừng phòng hộ’ như báo đăng tải thì sẽ lại thành chuyện đã rồi. Sau đó dù có trồng mới để rồi 6 năm sau khó tránh sự lặp lại như vậy, thì biết bao giờ có rừng phòng hộ đúng nghĩa với những giá trị to lớn của nó.

- Nếu đúng vậy, thì làm cách nào để biết cây nào thuộc diện được phép chặt tỉa là không dễ dàng, làm cách nào biết khi ra khỏi cửa rừng cây keo, cây bạch đàn nào, gỗ dăm mảnh nào là của rừng phòng hộ để kết tội kẻ phá rừng? Sao chưa thấy bàn luận việc này?

Nói đến đây ba tôi ngừng lại thật lâu và lấy viết ghi lên tờ giấy:

Nhắc chỗ anh... xem lại. Tôi hiểu ông đang nghi ngại việc trồng và quản lý rừng phòng hộ đặc biệt của miền Trung hiện nay".

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại công trình đường dây 500 KV Bắc - Nam

nguyễn công thành

Luôn đau đáu cho miền Trung

Sách đã dẫn viết tiếp: "Khi nói đến thủy điện hay điện tôi thường nghe nhiều người gọi ông là “Thủ tướng điện” và tôi cũng hay hồi tưởng, cảm thấy hạnh phúc nhớ lại những ngày đầu tiên khảo sát xây dựng nhà máy thủy điện Trị An tỉnh Đồng Nai mà ông cho tôi cùng đi với đoàn, những lần ấy thật ấn tượng khó quên. Tôi chú tâm nghe ba tôi giảng giải và cũng nói xen vào những hiểu biết của mình về thủy điện, câu chuyện không còn là thứ tự đối thoại đầy đủ nữa.

Ba tôi chỉ ngón tay vào vị trí sẽ xây dựng nhà máy thủy điện ở ngọn nguồn sông A Lưới Thừa Thiên - Huế trên bản đồ, quay lại nói và tôi bị cuốn hút vào trong nỗi lo lắng của ông.

Gọi nắng là đổ lửa, nóng là gió Lào, bão là lốc xoáy, mưa là dữ dội, lũ là lũ quét là nói đến thời tiết, khí hậu miền Trung. Mà theo truyền thuyết từ cái thời ông Sơn Tinh, Thủy Tinh có khi công chúa Mị Nương vẫn nương náu ở vùng này nên mới ra cơ sự từ đó đến bây giờ chăng. Đâu có phải đến đời nay do chặt phá bừa bãi rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, lâm tặc mà miền Trung mới lâm vào cảnh thời tiết khắc nghiệt như vậy. Nhưng có điều những năm gần đây lũ quét năm sau dữ dội hơn, thiệt hại cũng lớn hơn. Các nhà khoa học Việt Nam ở đâu? Vị trí nào trong vai trò tiên phong xử lý vấn đề nan giải và phức tạp này".

Cũng như việc “sống chung với lũ” ở miền Tây, Thủ tướng Võ Văn Kiệt vẫn luôn đau đáu lo cho miền Trung vào những ngày tháng cuối cuộc đời. "Hà Lan ai cũng biết đất đai thấp hơn mực nước biển nhiều mét, công cuộc đắp đê lấn biển, xây đập chắn sóng có từ bao đời. Những công trình vĩ đại trở thành biểu tượng quốc gia, di sản thế giới. Nó thôi thúc nhiều nước trên thế giới tiến hành xây dựng các dự án lấn biển xây sân bay, xây dựng thành phố hiện đại. Ở đó các kỹ sư, các nhà khoa học chuyên ngành Hà Lan luôn có vai trò quan trọng, ở vị trí hàng đầu đặc biệt. Ba tôi dặn tôi, đi Dubai ráng tìm hiểu các công trình lấn biển càng nhiều càng tốt…", anh Phan Thanh Nam chia sẻ.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt dự lễ kỷ niệm 62 năm Nam Kỳ khởi nghĩa tổ chức ở H.Vũng Liêm (23.11.1940 -23.11.2002)

Bảo tàng vĩnh long

Biết tính Thủ tướng Võ Văn Kiệt không bao giờ tỏ ra khó chịu khi nói chuyện lại pha chút hài hước, anh Phan Thanh Nam cũng không ngần ngại khi nói thêm với ba mình: “Thời tiết miền Trung phần nhiều là khắc nghiệt, phụ nữ phần nhiều là đẹp như Mị Nương, vậy truyền thuyết xưa không sai đâu ba”. Ba tôi cười “Thằng này!”, rồi ông nói tiếp, không nên tách từng tác nhân liên quan kể cả thủy điện, để quy tội bắt lỗi một cách riêng rẽ, nhưng phải có nghiên cứu xem xét một cách cụ thể, số liệu chính xác, phân tích và tổng hợp, xử lý một cách có căn cơ, khoa học. Phải hợp tác, học hỏi kinh nghiệm xử lý những vấn đề liên quan tương tự trong dân và của các nước trên thế giới".

Đầu tháng 5.2008, anh Phan Thanh Nam đi Dubai, chuyến đi kéo dài 10 ngày, ở đó anh được các tổng công trình sư công trình Dubai Mall, Buri Dubai, Palm Golden nhiệt tình hướng dẫn tham quan. Ở Sharjah, Al Helio, Abu Dhabi cũng vậy, nhưng anh tiết lộ mình dành nhiều thời gian và sự quan tâm đặc biệt đến công trình Palm Golden - Cây cọ vàng do các kỹ sư Hà Lan thiết kế và chỉ đạo thi công.

Vừa về nước, nhận được hung tin ông đang nằm ở Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), con trai Thủ tướng Võ Văn Kiệt tức tốc chạy vào thăm ba.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.