Trăn trở về những điểm 0 môn ngữ văn thi tuyển sinh lớp 10

15/06/2024 15:05 GMT+7

Môn ngữ văn được bố trí số tiết/tuần nhiều nhất ở lớp 9 hiện nay. Trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10, địa phương nào cũng chọn môn này làm môn thi bắt buộc nên khi bị 0 điểm đồng nghĩa những thí sinh này gần như không có một chút kiến cơ bản nào về môn học.

Thời điểm này, phần lớn các địa phương trên cả nước đã tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và đang tiến hành chấm thi để công bố điểm thi, điểm chuẩn đến các thí sinh sớm nhất có thể.

Người viết bài cũng vừa tham gia chấm thi môn ngữ văn tại một tỉnh phía nam với thời gian gần 10 ngày vô cùng căng thẳng, áp lực.

Thông qua những bài thi của thí sinh, chúng tôi nhận thấy phần nhiều thí sinh làm bài tốt và đạt điểm số khá cao. Nhưng, bên cạnh đó cũng có một số em có điểm thi khá thấp, thậm chí là không hiếm những trường hợp thí sinh không làm được bài nên bị điểm 0. Khi chấm những bài điểm 0, có lẽ giám khảo nào cũng có nhiều cảm xúc, trăn trở.

Trăn trở về những điểm 0 môn ngữ văn thi tuyển sinh lớp 10- Ảnh 1.

Trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10, địa phương nào cũng chọn ngữ văn làm môn thi bắt buộc

ĐÀO NGỌC THẠCH

Đề thi môn ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh 10 có khó không?

Theo hướng dẫn kiểm tra, thi cử hiện nay của học sinh phổ thông thì cấu trúc đề thi được phân bổ kiến thức theo tỷ lệ 4-3-2-1 (40% nhận biết; 30% thông hiểu; 20% vận dụng thấp; 10% vận dụng cao) nên đề thi nào cũng được thiết kế theo ma trận với kiến thức vừa phải để hướng đến việc học sinh đạt điểm trung bình (5 điểm) trở lên.

Hơn nữa, những thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay là năm học cuối cùng của Chương trình giáo dục phổ thông 2006 nên kiến thức được hỏi trong đề thi nằm trong sách giáo khoa là chủ yếu. Đa phần, đề thi môn ngữ văn ở các địa phương yêu cầu thí sinh tái hiện và vận dụng lại kiến thức đã học để làm bài; chỉ một vài đề thi ở một số địa phương là kiến thức mở, vận dụng kiến thức thực tế-nhưng chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong đề thi.

Chính vì vậy, ở môn thi môn nào trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay, người ra đề cũng phải bám vào chuẩn kiến thức kỹ năng và sách giáo khoa làm "pháp lệnh". Vậy nhưng vẫn có một bộ phận thí sinh đã không làm được bài, thậm chí không làm đúng câu nào.

Khi tham gia chấm thi môn ngữ văn, chúng tôi đã gặp một số bài rất đáng báo động. Có những câu hỏi theo kiểu "cho không, biếu không" điểm mà học trò không làm được. Chẳng hạn kể tên các nhân vật trong đoạn ngữ liệu ở phần đọc hiểu mà vẫn có thí sinh làm sai, hoặc không kể được. Phần làm văn (yêu cầu cảm nhận một bài thơ đã được đề đưa sẵn ngữ liệu) nhưng có em chép nguyên đoạn văn ngữ liệu ở phần đọc hiểu vào phần làm văn.

Có những bài thi, thí sinh bỏ hẳn phần làm văn (6 điểm) và chỉ làm phần đọc hiểu nhưng không có câu nào đúng. Vì thế, giám khảo đã cố gắng dò tìm lấy một vài chữ đúng với đáp án để cho điểm mà tìm mãi không thấy nên đành phải cho điểm 0.

Quy trình chấm thi tuyển sinh 10 khá nghiêm ngặt và 2 giám khảo được bố trí ở 2 phòng độc lập khác nhau. Giám khảo 1 chấm trên phiếu điểm riêng và không để làm dấu vết trên bài thi của học trò; giám khảo 2 chấm trực tiếp trên bài thi của học trò nhưng khi thống nhất điểm thì cả phiếu điểm chấm riêng và phần chấm trực tiếp trên bài thi của 2 giám khảo đều cho 0 điểm. Chỉ tiếc, điểm 0 môn ngữ văn không phải trường hợp hy hữu, cá biệt…

Còn nhiều trăn trở về cách dạy, học và phân luồng học sinh

Ngay từ khi bước vào tiểu học, học sinh đã được học môn tiếng Việt. Môn này cùng với toán là 2 môn có số tiết nhiều nhất. Lên đến cấp THCS (Chương trình giáo dục phổ thông 2006), từ lớp 6 đến lớp 8, mỗi tuần có 4 tiết ngữ văn, bằng với môn toán. Nhưng, khi lên lớp 9, môn ngữ văn mỗi tuần có 5 tiết (175 tiết/năm học) nên môn học này có số tiết nhiều nhất ở lớp 9.

Điều này cho thấy môn ngữ văn được xem trọng và được bố trí số tiết/tuần nhiều nhất ở Chương trình giáo dục phổ thông 2006 và kể cả Chương trình 2018 hiện nay. Hơn nữa, trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 thì địa phương nào cũng lựa chọn ngữ văn làm môn thi bắt buộc, nhiều địa phương còn tính điểm hệ số 2 cho môn thi này.

Trăn trở về những điểm 0 môn ngữ văn thi tuyển sinh lớp 10- Ảnh 2.

Giám thị chuẩn bị giấy thi cho thí sinh thi lớp 10

ĐÀO NGỌC THẠCH

Trước khi thi tuyển sinh lớp 10, gần như địa phương nào cũng chủ động hoàn thành chương trình học lớp 9 từ giữa hoặc cuối tháng 4 để những tháng còn lại sẽ tổ chức ôn tập nhằm chuẩn bị tốt nhất cho học sinh. Nhưng rồi, một số thí sinh chỉ đạt 0 điểm trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Điều này cũng đồng nghĩa những thí sinh này gần như không có một chút kiến cơ bản nào về môn học.

Mỗi kỳ thi đi qua, khi các địa phương công bố và thống kê điểm thi lớp 10 thì dư luận có những băn khoăn, bàn tán. Những giám khảo như chúng tôi khi tham gia chấm thi cũng luôn đọng lại những điều trăn trở với nghề…

Đó là bệnh thành tích trong từng trường học hiện nay vẫn còn khá nhiều nên một bộ phận học sinh vẫn luôn đủ điều kiện lên lớp và tốt nghiệp THCS để tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Công tác phân luồng học sinh vẫn gặp khó khăn khi nhiều học sinh có học lực không tốt được giáo viên chủ nhiệm, nhà trường định hướng không nên thi tuyển sinh lớp 10 thì phụ huynh lên án, dư luận không đồng tình.

Nhưng, khi tham gia ôn tập thêm nhiều tháng, tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 mà không ít thí sinh chỉ đạt 0 điểm, hoặc 0,25; 0,5; 0,75 điểm/môn. Thậm chí có thể là 1-2 điểm/môn thì làm sao có thể đậu vào lớp 10 công lập? Điều này vô tình gây lãng phí thời gian của thí sinh, tốn tiền phụ huynh cho con học thêm và tăng thêm áp lực trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở các địa phương.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.