Trần Trọng Dương: Người ghép mảnh vỡ lịch sử

23/06/2019 10:29 GMT+7

TS Trần Trọng Dương gây chú ý trong giới nghiên cứu khoa học xã hội hiện nay nhờ những quan điểm lịch sử văn hóa mới lạ.

Chẳng hạn: sự thực về lý lịch của Đinh Tiên Hoàng là gì, có hay không loạn 12 sứ quân mà sau đó Đinh Bộ Lĩnh dẹp được...?

Nhìn lại lịch sử

Một nhà khảo cổ có thể “đọc” các hiện vật, các tầng khảo cổ để tái lập một thời đại lịch sử nào đó, thì một nhà nghiên cứu lịch sử có thể “đọc” các tư liệu chữ viết để phục dựng một phần lịch sử
 
Anh vừa công bố cuốn sách Việt Nam thế kỷ 10, những mảnh vỡ lịch sử với những câu chuyện quá gần trong sách sử phổ thông: Đường Lâm và Ngô Quyền, Loạn 12 sứ quân, Dương Vân Nga với Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn. Vì sao anh lại thích thú với những đề tài lịch sử như vậy?
Tôi vốn là một người được đào tạo về cổ văn, chủ yếu làm việc trong lĩnh vực văn bản cổ, văn hiến cổ, ngôn ngữ cổ (tiếng Việt cổ). Nhưng văn bản cổ bản thân nó đã là một thế giới mênh mông, cụ thể hơn, di sản Hán Nôm như một khu rừng nguyên sinh chứa đựng nhiều tầng vỉa, nhiều trầm tích của lịch sử và văn hóa VN trong khoảng 2.000 năm trở lại đây. Vì thế, với những người làm công tác nghiên cứu Hán Nôm, thì xuất phát tuy là văn bản, nhưng ít nhiều đều phải quan tâm đến nhiều lĩnh vực khác, như lịch sử, y dược, pháp luật, điển chế, tôn giáo, tín ngưỡng... Bản thân tư liệu Hán Nôm đã là “văn sử triết bất phân” nên người nghiên cứu buộc phải có tri thức đa - liên ngành. Vừa làm vừa học, đấy là một yêu cầu bắt buộc.
Vì thế, việc tôi nghiên cứu các vấn đề liên quan đến lịch sử (ví dụ như Đường Lâm) là một chuyện “bếp núc” bình thường trong ngành.
Tôi thích nghiên cứu lịch sử vì bản thân tôi là một người VN. Với sử, tôi chỉ là đang thử nỗ lực để kiến tạo tri thức của bản thân về lịch sử nước nhà, và xem xét các quá trình kiến tạo tri thức lịch sử dưới quyền lực của các tư tưởng thời đại. Lịch sử hay nghiên cứu lịch sử có hấp dẫn hay mê hoặc không chỉ bằng những câu chuyện, bài học lịch sử, mà còn lấp lánh bởi nó thử thách và yêu cầu con người luôn phải tư duy, phải nghĩ khác, phải làm khác để tái định vị lại vị trí của cá nhân hay cộng đồng trên dòng chảy thời gian.
Một số tác phẩm của TS Trần Trọng Dương Ảnh: T.L
Trong Việt Nam thế kỷ 10, những mảnh vỡ lịch sử, anh chỉ ra cái sai của những người nghiên cứu trước. Chẳng hạn, theo anh, việc nghiên cứu từ tư liệu thứ cấp đã khiến vị trí, vai trò của Đinh Bộ Lĩnh là chưa chuẩn xác. “Giải thiêng” người đi trước có phải là mục tiêu của anh? Anh có ngại va chạm về việc đó?
“Giải thiêng” (như chữ dùng của chị) hay “giải ảo hiện thực lịch sử” (như chữ dùng của Giáo sư Trần Quốc Vượng), thậm chí “đốt đền” (như khẩu ngữ dân gian) chỉ là những cách nói khác nhau về việc nghiên cứu khoa học, mà trong nghề sư phạm chúng tôi gọi là “đóng góp mới của đề tài”. Một đề tài (từ một luận văn tốt nghiệp đại học, đến luận án tiến sĩ) đều phải chứng tỏ giá trị bằng cách thuyết phục đóng góp mới của mình so với tất cả các công trình trước đây đã công bố. Một tác phẩm nghệ thuật chỉ có thể được coi là nghệ thuật khi nó khác với tất cả những tác phẩm trước nó. Còn một đề tài nghiên cứu chỉ có giá trị khi nó đem đến nhận thức mới/(hoặc đôi khi là tái nhận thức) bằng các số liệu, cứ liệu và luận điểm (argument). Nói như người Mỹ: “In God we trust, all others bring data” (Về Chúa, chúng ta tín thác, còn tất cả những thứ khác thì hãy đưa ra cứ liệu).
Ví dụ, với sử liệu trong Đại Việt sử ký toàn thư, tôi đã chứng minh rằng Đinh Bộ Lĩnh là người có tráng chí “đại trượng phu không có thói đàn bà xót con”. Ông đã nổi lên cát cứ chống lại nhà Ngô trong vòng 17 năm (từ 951-967), cuối cùng ông đã tiêu diệt 8/11 thứ sử (sứ quân) của nhà Ngô, và buộc hai cháu nội của Ngô Quyền (là Ngô Nhật Khánh và Ngô Xương Xí) đầu hàng. Sau khi chiến thắng, ba bố con nhà Đinh đã lấy ba mẹ con nhà Ngô để thừa tiếp tính chính thống, để phục vụ công tác ngoại giao với nhà Tống, và xây dựng nhà nước Đại Cồ Việt. Như vậy, một nghiên cứu về cơ bản là sự “va chạm” của các luận điểm, các giả thuyết.

“Đọc” sử để phục dụng một phần lịch sử

TS Trần Trọng Dương (39 tuổi), hiện đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN. Lĩnh vực nghiên cứu: văn hiến học, ngôn ngữ học lịch sử, lịch sử cổ trung đại, biểu tượng tôn giáo.
Một số tác phẩm tiêu biểu: Nghiên cứu chữ Nôm và tiếng Việt qua các bản dịch Khóa hư lục; Kiến trúc một cột thời Lý; Nguyễn Trãi quốc âm từ điển; Lý thuyết và thực hành chữ Nôm; Khảo cứu từ điển song ngữ Hán Việt Nhật dụng thường đàm của Phạm Đình Hổ, Đào Uyên Minh toàn tập, Trúc Lâm Yên Tử Phật giáo tùng thư và Việt Nam thế kỷ 10, những mảnh vỡ lịch sử.
Có người cho rằng nhiều nghiên cứu lịch sử trung đại lại dựa trên các tài liệu thứ cấp. Người nghiên cứu không đọc được tài liệu Hán Nôm. Điều đó ảnh hưởng tới kết quả nghiên cứu. Anh nhận định về hiện tượng này thế nào?
Thực ra tài liệu Hán Nôm chỉ là một phần (dĩ nhiên là phần quan trọng) trong các hệ thống sử liệu phản ánh về lịch sử văn hóa VN. Tài liệu chữ viết là thứ “sử liệu biết nói”, còn hiện vật khảo cổ là loại “sử liệu không lời”. “Sử liệu không lời” là những mảnh vỡ nguyên cấp còn sót lại qua bao biến cố thời gian. Còn “sử liệu biết nói” kia thì đã được tái chế, được biên tập… bằng giọng nói của những người đã tạo ra chúng, hay nói cách khác đó là những lịch sử đã được kiến tạo (invented history). Vậy thì, ở khía cạnh này, tư liệu Hán Nôm (như Toàn thư chẳng hạn) cũng chỉ là một kiểu tư liệu thứ cấp mà thôi. Vấn đề là chúng ta “đọc” sử liệu như thế nào. Một nhà khảo cổ có thể “đọc” các hiện vật, các tầng khảo cổ để tái lập một thời đại lịch sử nào đó, thì một nhà nghiên cứu lịch sử có thể “đọc” các tư liệu chữ viết để phục dựng một phần lịch sử. Vậy thì vấn đề không phải là chỉ ở nguyên cấp hay thứ cấp, mà là ở cách đọc, phương pháp đọc và các công cụ dùng để đọc.
Anh có thể nói rõ hơn phương pháp nghiên cứu này?
TS Trần Trọng Dương trong những lần đi điền dã, nghiên cứu tư liệu khảo cổ và Hán Nôm Ảnh: NVCC
Tôi sử dụng cứ liệu phản chứng trong chính Toàn thư để “đọc lại” Đinh Bộ Lĩnh. Toàn thư chép sự kiện Đinh Bộ Lĩnh nổi lên ở Hoa Lư năm 951, chứng tỏ nhân vật này đã có trước giai đoạn “loạn 12 sứ quân” 15 năm. Đinh Bộ Lĩnh đã “dẹp loạn” chứng tỏ ông đã tham gia bạo lực quân sự vào giai đoạn này. Vậy thì, tại sao Đinh Bộ Lĩnh lại không có mặt trong danh sách 12 sứ quân nổi loạn kia? Theo tôi, đó là vì Toàn thư đã được biên tập theo góc nhìn của phe chiến thắng. Đinh Bộ Lĩnh được coi là hoàng đế chính thống đầu tiên của nền chính trị Nho giáo tại VN, nên các sử gia đời sau đã viết ông như là người đã có công dẹp loạn, bằng cách “dựng hiện trường giả” cho cuộc biến loạn nhà Ngô. Toàn thư đã dùng thủ pháp liệt kê danh tính 12 vị sứ quân làm loạn (liệt kê 2 lần), để “đóng đinh” vào lịch sử về một cuộc nội chiến khiến nhân dân đau khổ. Và Đinh Bộ Lĩnh được ghi chép như là người đã tham chiến sau khi nhà Ngô sụp đổ, đã tiêu diệt các sứ quân nổi loạn, nên ông đã được suy tôn làm vua (Tống sử).
Theo kết quả mà PGS-TS Nguyễn Danh Phiệt (Viện Sử học) đã nghiên cứu: không có sứ quân nào đánh lẫn nhau. Vậy thì việc tạo ra khái niệm “loạn 12 sứ quân” chỉ là cách nhìn của phe chiến thắng về phe chiến bại. Thao tác “đọc” sử này được gọi là “phân tích diễn ngôn lịch sử” (historical discourse analysis).

Đánh giá lại Lê Quý Đôn

Có lần anh nói tới việc sẽ đánh giá lại tác giả Lê Quý Đôn khi cho rằng đó chỉ là một nhà thư mục học, một người gom góp văn hóa VN mà thôi. Nghiên cứu này đang ở tình trạng ra sao?
Việc nghiên cứu về Lê Quý Đôn vốn được thực hiện cách đây hơn 10 năm trong một chương trình hợp tác về “Nho tạng tinh hoa” giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bắc Kinh. Trong chương trình này, tôi chịu trách nhiệm làm hiệu điểm và chú thích Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn. Tôi thấy, Lê Quý Đôn là một người đọc rộng, học rộng, ông trích dẫn dăm bảy trăm cổ thư của cả Trung Quốc lẫn VN. Nhưng cái học của Lê Quý Đôn là một lối “thực học” trong học phong Đông Á, nó khác so với khái niệm “nhà bác học” hiện đại của phương Tây, vì “nhà bác học” là chỉ người hoạt động trong nhiều ngành khoa học. Nếu so sánh Lê Quý Đôn với Leonardo da Vinci, thì chúng ta sẽ thấy rất rõ sự khác biệt này! Cũng là “học rộng” cả nhưng đó là hai “truyền thống học thuật” khác nhau.
Dịch khai ấn, viết sai trên các câu đối tại di tích, có nên dạy Hán Nôm tại trường phổ thông... Trong nghiên cứu của anh có bao nhiêu phần liên quan đến các hiện tượng đương đại như vậy? Vì sao?
Mọi nghiên cứu về quá khứ ngoài chuyện phục vụ nhu cầu hiểu biết, còn luôn hướng đến cuộc sống hiện tại. Nghiên cứu về kiến trúc một cột thời Lý hướng tới việc phục dựng các công trình kiến trúc cổ. Cái kiến trúc Liên Hoa Đài một cột hiện còn được phục dựng năm 1955, nó khác rất nhiều so với kiến trúc một cột thời Lý qua tư liệu khảo cổ và bi ký. Tôi mơ ước một ngày nào đó không xa, chúng ta có thể “đi bộ” trong những di tích ấy, dù chỉ là trong công nghệ “thực tế ảo”. Còn các việc khai ấn, chữ thiêng bị viết sai trong di tích, việc dạy Hán Nôm trong nhà trường, thì dĩ nhiên đó là những câu chuyện thời sự, nghiên cứu thời nào đi chăng nữa thì cuối cùng cũng quay về với thời của mình, với thời hiện tại.
Anh có nghĩ vẫn nên đặt vấn đề về việc dạy Hán Nôm trong trường phổ thông không?
Tôi coi Hán Nôm như là một chiếc chìa khóa để mở cánh cửa đi về quá khứ. Nhưng, việc đưa Hán Nôm giảng dạy vào chương trình phổ thông thì là một điều không phù hợp trong thời điểm hiện tại. Từ sau năm 1945, văn hóa VN đã bước sang một ngã rẽ khác và càng ngày hai ngả đường ấy sẽ càng xa nhau hơn. Trong 10 năm trở lại đây, môn Hán Nôm đang dần bị thu hẹp trong các trường đại học thuộc khối nhân văn. Và tôi nghĩ, đây là một xu hướng đáng để suy nghĩ.

Đặt mình trong vai trò là một thám tử

Ảnh: NVCC
       
TS Trần Trọng Dương đặt mình trong vai trò là một thám tử, đứng trước một hiện trường, đánh giá những chứng cứ mơ hồ còn sót lại và dùng suy luận khoa học để tìm ra manh mối vụ án. Lịch sử VN có không ít những chi tiết đáng ngờ, một phần vì phương pháp làm việc của cổ nhân còn hạn chế, phần khác do những xuyên tạc mỗi khi có sự thay đổi triều đại. Việc tìm lại những sự thật lẩn khuất trong số tài liệu hỗn tạp lịch sử nước ta trong hơn 20 thế kỷ qua cũng còn nhiều khoảng trống chưa nghiên cứu đầy đủ. Việc lật lại những văn bản có giá trị để nối những mắt xích đứt cho tròn vẹn không phải điều dễ làm. Cuốn sách Việt Nam thế kỷ 10, những mảnh vỡ lịch sử là một công trình thú vị trong việc đi tìm những giải thích hợp lý cho những giai đoạn còn lẩn khuất. Các sử gia quan tâm về giai đoạn tranh tối tranh sáng của nền tự chủ dân tộc không thể không đánh giá cao về nỗ lực kiên trì này.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính

Là người xử lý những thông tin cũ để đưa ra thông điệp khác

Ảnh: Phong Anh
       
Dương có đủ công cụ để tiếp cận tư liệu có giá trị là chữ Hán cổ và chữ Nôm. Về phương pháp nghiên cứu, Trần Trọng Dương cũng thành thục nhiều phương pháp khác nhau như thao tác ngôn ngữ học, sử học, văn hóa học. Bởi vậy, nhà nghiên cứu này dễ dàng xử lý những thông tin cũ để đưa ra thông điệp khác đi so với người trước đây. Cộng với sự làm việc quyết liệt, cần mẫn với thái độ thẳng thắn và khách quan, Trần Trọng Dương đã mang lại những kết quả tốt trong việc giải mã khoa học. Với một người nghiên cứu trẻ, thành công mà Dương đạt được rất đáng kể, đáng quý.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.