Lợi ích không thể phủ nhận
Mặt tích cực của tính ẩn danh đã được các trang confession trên mạng xã hội phát huy tối đa, giúp học sinh, sinh viên dễ dàng trình bày những thắc mắc và câu chuyện của mình.
Không ít học sinh, sinh viên như Võ Minh Thắng (khoa đô thị học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) nhận thấy các vấn đề bức xúc được thể hiện cởi mở hơn khi người nói ẩn danh. "Do đó, những trang confession với thành viên có thể ẩn danh là không gian để mọi người bộc lộ tâm tư về nhiều vấn đề trong cuộc sống, môi trường học tập và làm việc", anh Thắng nói.
Về phía giáo viên, thầy Lê Dũ Bằng, công tác tại Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6, TP.HCM), cho hay: "Ẩn danh là tốt khi ta muốn bày tỏ ý kiến, cảm xúc cá nhân. Những trang confession có thể giúp ích cho cả thầy và trò trong việc nắm bắt và chia sẻ cảm xúc với nhau".
Bên cạnh đó, các trang confession đóng vai trò 'cầu nối' giữa thầy và trò. "Tại trường THPT mà tôi từng công tác, giáo viên chủ nhiệm không có cách trò chuyện hiệu quả với học sinh nên tận dụng những trang confession. Ban giám hiệu cũng nhận thấy không thể lấy được nhiều ý kiến học sinh thông qua hòm thư góp ý. Do đó, vào mỗi thứ hai hàng tuần, lãnh đạo nhà trường thường dành 5-10 phút để nói về những confession hợp lý, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp với nguyện vọng học sinh", chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An (nghiên cứu sinh ngành tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) kể.
Từ câu chuyện của trường cũ, ông Tâm An nhận thấy tính ẩn danh là một trong những cái hay, cần được phát huy của các trang confession.
"Bản chất sự ẩn danh tạo cho người giãi bày cảm xúc một cảm giác an toàn. Qua đó, họ có thể bộc bạch tất cả những điều chất chứa trong lòng. Sự hiện diện về tên, gương mặt... sẽ luôn có 'rào cản' về mặt xã hội, khiến tâm lý con người không thể cởi mở", ông Tâm An nhận định.
"Hai mặt" của tính ẩn danh
Ngoài điểm tốt, tính ẩn danh nếu không được sử dụng đúng cách sẽ trở thành "con dao hai lưỡi", bị lạm dụng để công kích cá nhân khác
"Khi không có những 'rào cản' về chuẩn mực xã hội thì một người rất dễ buông lời chỉ trích, bởi họ không cần chỉn chu trong cách biểu đạt ý tưởng. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến đối tượng họ muốn giãi bày, gây ra chỉ trích cá nhân hay đặt điều không có cách xác thực", ông Đào Lê Tâm An nhấn mạnh.
Bên cạnh những bài chia sẻ tích cực trên trang confession của trường, tiến sĩ Đàm Anh Thư, Phó Trưởng khoa Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, còn thấy nhiều bài chứa nội dung và ngôn từ thiếu chuẩn mực.
Chính vì ẩn danh mà có những lúc các bạn phát ngôn thiếu cẩn trọng, chưa ý thức được hết mức độ gây tổn thương cho người khác, thậm chí là hậu quả mà bài viết của mình gây ra, theo tiến sĩ Thư.
Giới hạn nào cho những trang confession?
Trong quá trình vận hành, một số chủ trang confession liên quan đến các trường chấp nhận đánh đổi yếu tố đạo đức để "câu like, câu view". Chưa kể, những thành phần xấu lợi dụng sự ẩn danh trên các trang confession để đưa ra những bài viết đặt điều vu khống, thông tin sai sự thật, công kích cá nhân, ảnh hưởng đến nhà trường.
"Mỗi người đều có quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng nhưng không được quyền xâm hại lợi ích của tổ chức, cá nhân khác vốn được pháp luật thừa nhận và bảo vệ", ông Đào Lê Tâm An nhấn mạnh.
Còn tiến sĩ Đàm Anh Thư đề xuất nhà trường cần có những quy định cụ thể về ứng xử trên không gian mạng đối với người dạy lẫn người học.
Mặt khác, Phạm Khắc Hiếu, sinh viên năm 3, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ: "Tôi thường góp ý nhằm cải thiện văn hóa ứng xử và hy vọng các quản trị viên của một số trang confession sẽ rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, tôi nhận thấy các trang confession thường do một hoặc nhóm người quản lý tự do nhưng cũng cần tuân thủ luật an ninh mạng và có quy tắc văn hóa riêng biệt".
Người vi phạm sẽ bị xử lý ra sao?
Dẫn lại Điều 23đ, Nghị định 27 năm 2018 của Chính phủ, luật sư Nguyễn Duy Anh (Công ty Luật TNHH A+, Q.3, TP.HCM) lưu ý: "Người dùng những trang confession chỉ ẩn danh với người dùng khác chứ không ẩn danh với chủ sở hữu trang đó".
Luật sư Duy Anh cho biết thêm, trường hợp người đăng tin không đúng sự thật sẽ bị phạt 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng, theo Điều 101, Nghị định 15 năm 2020 của Chính phủ. Còn chủ sở hữu một trang trên mạng xã hội cũng bị xem xét trách nhiệm nếu cố ý đăng và lưu truyền thông tin sai sự thật với mức phạt là 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng theo Điều 100, Nghị định 15 năm 2020 của Chính phủ.
Mức phạt cao nhất là 5 năm tù nếu hành vi vi phạm cấu thành các tội vu khống, bôi nhọ danh dự làm hạ thấp uy tín của người khác theo Điều 155, 156 Bộ Luật hình sự.
Bình luận (0)