Trong căn phòng trọ của nhóm sinh viên tại Q.9 (TP.HCM), tiếng động cơ của máy in 3D đều đặn chạy 24/24, và nhóm sinh viên phải trắng đêm để kịp tạo ra số lượng nhiều thiết bị đeo khẩu trang tặng cho y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.
Tận dụng tối đa thời gian
Bắt nguồn từ ý tưởng của một học sinh người Canada, chế tạo ra thiết bị nhằm làm giảm đau ở vùng tai khi phải đeo khẩu trang làm việc, nhóm sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cùng với sự hỗ trợ của nhóm các sinh viên khởi nghiệp in 3D đã phát triển và thiết kế lại thành công thiết bị đeo khẩu trang, tặng cho đội ngũ y, bác sĩ trên cả nước.
|
“Tụi mình cũng mong muốn chia sẻ và đóng góp một phần nhỏ để hỗ trợ các y, bác sĩ đang ngày đêm làm việc tại các bệnh viện và khu cách ly”, Trương Xuân Thi, chủ nhiệm câu lạc bộ, chia sẻ.
Thiết bị này có hình dạng giống như chiếc lược với các nấc treo nhô ra ở hai bên. Nhân viên y tế có thể vòng dây qua các nấc (tùy kích cỡ đầu) thay vì vòng qua vành tai. Như vậy sẽ không phải chịu áp lực ở vùng tai và có thể đeo khẩu trang làm việc trong thời gian dài mà không bị đau nhức.
Theo Thi, để làm được thiết bị đeo khẩu trang này, đầu tiên phải thiết kế một bản 3D trên máy tính, vẽ lại thiết kế sao cho phù hợp với kích cỡ của người Việt, khi có bản 3D thì sẽ đưa qua một phần mềm dịch sang GCode (ngôn ngữ lập trình cho máy tính điều khiển số) để máy bắt đầu in.
Hiện nay, Thi có 3 máy in 3D do chính nhóm của anh chế tạo ra và đang hoạt động hết công suất mỗi ngày để in thiết bị đeo khẩu trang. Mới đây, nhóm của Thi được Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM hỗ trợ thêm 2 máy in để có thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu in sản phẩm phục vụ cho các y, bác sĩ.
|
“Tụi mình muốn tiết kiệm tối đa thời gian nên cho máy hoạt động 24/24 và không nghỉ giờ nào. Máy hoạt động nên người cũng phải hoạt động, tụi mình cũng phải canh và bấm máy sau mỗi lần máy in xong. Do đó, tụi mình chia ca ra trực, đứa trực ngày thì đêm ngủ, còn đứa nào trực đêm thì ngày sẽ ngủ, vì khi trực đêm là coi như thức trắng để canh chứ không dám ngủ, vì sợ ngủ quên”, Thi bày tỏ.
Gần 3.000 sản phẩm đã được tặng
Hiện tại, ngoài nhóm của Thi còn có nhiều sinh viên của trường, những bạn có thể tự chế tạo được máy in 3D hoặc có sẵn máy ở nhà cũng cùng chung tay góp sức để thực hiện in sản phẩm.
Vi Quang Trường, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, thời gian nghỉ dịch ở quê nhà Đắk Nông, biết đến hoạt động này, cũng tận dụng tối đa thời gian để in thiết bị đeo khẩu trang.
“Mình có sẵn máy in 3D tự chế tạo từ lúc còn học THPT nên muốn góp chút công sức cùng các anh chị trong hoạt động này. Mình cũng cố gắng hết sức, mỗi ngày in được 200 - 300 thiết bị đeo khẩu trang”, Trường kể.
Hiện tại, Trường in và chuyển trực tiếp đến bệnh viện của tỉnh. Trường đang chờ khi xe buýt đi vào hoạt động bình thường trở lại sẽ chuyển sản phẩm đến hỗ trợ đội ngũ y, bác sĩ tại Bệnh viện tỉnh Đắk Lắk.
|
Sau những ngày trắng đêm để in, đến giờ nhóm của Thi đã hỗ trợ gần 3.000 thiết bị đeo khẩu trang chống đau tai khi đeo khẩu trang cho Bệnh viện nhân dân Gia Định, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Q.2, Q.Thủ Đức, Bệnh viện T.Ư Huế…
Mọi chi phí để mua cuộn nhựa phục vụ cho việc in của nhóm Thi được trích từ kinh phí của cửa hàng Thanh niên thuộc Đoàn trường. Đây là một cửa hàng rửa xe, thay nhớt vừa tạo việc làm thêm cho sinh viên trong trường vừa có thêm nguồn thu nhập để hỗ trợ những hoạt động vì cộng đồng như thế này của sinh viên.
Sắp tới, nhóm sẽ vận động thêm sinh viên có máy in 3D, cũng như việc chia sẻ bản thiết kế thiết bị đeo khẩu trang để các đơn vị, các trường có máy in có thể hỗ trợ thêm nhằm giúp nhanh chóng gửi được nhiều hơn các thiết bị đeo cho các bệnh viện có nhu cầu.
Bình luận (0)