Anh về được hai ngày thì mẹ bảo:
- Mày qua thăm thằng Tuyến chưa con? Nghe bảo nó bị bệnh nặng lắm, chưa biết thế nào...
Minh họa: Hồng Thiện Cường |
Anh nghe mà thảng thốt. Tuyến là bạn học của anh hồi bé. Nhà thằng đó ở cuối xóm chài bên kia triền sông. Bố của nó cực kỳ thương anh, vẫn đối đãi với cả hai đứa như con ruột. Có con cá đối to đi lưới bắt được, bố nó cũng gọi anh qua cùng ăn. Hồi đó nhà anh nghèo mạt rệp, suốt tuổi thơ chỉ mơ tưởng tới một bữa cơm no nê thỏa thuê mà thôi.
- Nó đang cào nghêu thì bị đột quỵ. Tưởng chết. Nghe bảo là bệnh viện trả về rồi.
Hồi đó, lay lắt học xong mười hai thì thằng Tuyến đi bộ đội. Anh theo ông chú bỏ xứ đi kiếm ăn. Biền biệt. Tứ chiếng giang hồ. Lên voi xuống chó. Đời phiêu bạt đã nhiều, đến mức ngày quay về, anh thiếu điều chẳng còn nhớ hết mặt người quen ở xứ. May thay, những cảm xúc thân thương về Tuyến thì vẫn còn mồn một.
Anh ngang qua cái cổng xóm chài xơ xác cũ. Gió cuối chiều mang theo hơi cỏ cháy, mùi rơm rạ đốt đồng thổi mơn man lên người anh cảm giác dễ chịu mơ hồ. Mảnh trăng heo hút sớm ở trên đầu. Phía xa bên kia là nhà người bạn khốn khổ của anh.
- Anh tìm ai vậy?
Câu hỏi của mẹ thằng Tuyến khiến anh giật mình định thần lại. Bà già đội một cái nón lá kèm theo sợi quai to tướng có chức năng kiêm luôn cái khẩu trang thì phải, nên che chắn gần hết khuôn mặt. Duy chỉ có đôi mắt mỏi mệt là lộ rõ. Mớ tóc lòa xòa điểm nhiều sợi bạc trắng không sao giấu diếm được.
- Chào bác, cháu là bạn cũ của Tuyến, nhân tiện ghé thăm nó.
Người đàn bà im lặng ngó đi chỗ khác, sau khi hất hàm chỉ vô phía nhà. Thời gian đã quá dài để bà già có thể nhận ra anh... Anh mạnh dạn bước tới. Căn nhà mái tôn núp mình phía sau mấy cây bông hoàng hậu, me keo và trứng cá. Lác đác dưới chân rau dền, rau sam cùng mấy thứ cỏ dại li ti khác. Mọi thứ bé mọn và hiu hắt đến lạ lùng.
Bóng chiều thê lương phủ lên mái gia đình mà có lẽ mới đây thôi vẫn còn đủ đầy, tươm tất. Người đàn ông trông thấy anh thì hấp háy đôi mắt đã chẳng còn bao nhiêu thần sắc. Cái miệng ú ớ như định nói. Rồi bất giác meo méo tựa hồ đang muốn khóc. Tuyến có thật sự nhận ra thằng bạn thời niên thiếu, hay chỉ đơn giản là phản ứng trước người lạ? Trào lên trong lòng anh nỗi xót thương và e sợ. Đời người ta, rồi sẽ phải đến lúc bất lực khổ sở thế này trên giường, thật sao?
- Chồng em nằm đây cũng hơn năm nay rồi.
Anh giật mình quay lại. “Mẹ” thằng Tuyến đã gỡ chiếc nón lá chuyên dụng kia ra, để lộ khuôn mặt vẫn còn khá trẻ. Anh ngỡ ngàng đổi cách xưng hô:
- Chị chắc là vất vả nhiều.
Người đàn bà kiệm lời không nói gì thêm nữa, lặng lẽ bỏ ra sau nhà lục đục dọn dẹp gì đấy. Anh lừng khừng ngồi thêm với Tuyến một lúc nữa, nói với bạn đôi câu mà tựa hồ như với chính mình.
***
- Hồi mày không có ở nhà, cần gì mẹ hú thằng Tuyến một tiếng, là nó qua ngay, không nề hà bao giờ.
Trong tiếng võng đòng đưa, mẹ kể về những năm tháng anh vắng nhà. Mẹ chỉ có mình anh. Mà anh thì không chịu nổi cảnh nghèo khổ xơ xác quê nhà. Không muốn ràng buộc yêu đương với bất kỳ ai. Nói nào ngay, sau cái ngày Lệ đi lấy chồng Hàn Quốc để có tiền sửa nhà cho ba cô ấy, giúp mẹ của Lệ chữa bệnh thuốc thang, các em cô ấy thoát cảnh đói ăn mỗi ngày, anh cũng không còn tha thiết nổi chuyện gái trai trên đời. Anh càng không thể cam lòng sống mãi trong cái xứ mà đàn ông nghèo gắn liền với hèn, phải chấp nhận buông tay để người con gái mình yêu đi làm vợ một kẻ khác để kiếm chút tiền còm...
Mẹ bảo, vợ thằng Tuyến cũng là con gái xóm chài bên huyện khác. Lấy thằng Tuyến vài năm mà cũng chưa kịp con cái gì. Đàn bà lỡ thì giống như một nhánh cây khô cằn, gặp phải người đàn ông thô kệch, nghèo khó thì cũng như chưa từng được tưới tắm. Tuyến hay uống rượu. Rượu vào lời ra. Vũ phu nhập vào người, không bỏ được. Hạnh phúc ngắn và thưa thớt như đa phần số phận của đàn bà con gái xứ này. Người ta đẹp đẽ thì lấy chồng Hàn, chồng Đài, cúi mặt trước bao nhiêu là tủi hổ. Đàn bà vô phước không nhan sắc thì lấy chồng bản địa, được tiếng đàng hoàng hơn nhưng che giấu bên trong vất vả khó nhọc cả đời. Mẹ chắt lưỡi bảo. Giờ thì chăm chồng đến bạc cả tóc.
Anh đứng dậy, bỏ ra ngoài vườn. Nỗi đau xa xưa cồn lên trong tim khi nghe tới cái đoạn lấy chồng xa xứ.
Mấy bụi tre già đã lâu chẳng có ai chặt tỉa. Anh vung liềm lên, vun vén lại cây cỏ trong vườn. Dựng thêm cho mẹ cái chái bếp. Che chắn lại cái chuồng heo. Chỉ loáng vài ngày là xong việc. Rồi tần ngần, anh nghĩ đến cái cảnh tuềnh toàng nhà Tuyến.
- Mày lại sang nhà thằng Tuyến đấy à?
- Con sửa lại mấy cái cửa nẻo giùm vợ chồng nó ấy mà mẹ.
- Ừ...
Mẹ tần ngần như định nói gì đó cùng anh. Thằng con trai đã rời nhà từ năm mười chín tuổi, rắn rỏi, đen nhẻm, khuôn ngực nở nang cùng đôi mắt to sâu khiến bà dường như chẳng yên lòng. Mẹ nay cũng đã có tuổi rồi, mà nhà cửa thì cứ mãi quạnh hiu thế này.
- Hay con coi có đứa nào được được. Ở nhà lấy vợ đẻ cháu cho mẹ ẵm bồng. Cứ coi đời thằng Tuyến đấy...
Anh bỏ tiền ra mua dăm ba tấm tôn thiếc. Nhờ người quen lo thủ tục làm cho Tuyến cái bảo hiểm để đỡ tiền mỗi khi tái khám. Anh sửa lại mấy cánh cổng vườn lỏng lẻo nhà Tuyến. Có bàn tay đàn ông, cái vườn cũng đỡ um tùm hoang dã, cảm giác có hơi người hơn. Vợ Tuyến luôn miệng nói cảm ơn anh. May nhờ có anh giúp đỡ. Hễ cứ nói xong là chị rơm rớm nước mắt:
- Anh ở lại ăn cơm luôn. Trưa rồi.
- Thôi để tôi về. Chị với Tuyến dùng đi.
- Em có nấu canh chua bông súng và cá chốt trứng kho nghệ. Nghe bác nói anh thích món này.
Anh giật mình. Món kho đặc biệt ấy, đã lâu anh chưa từng được nếm lại. Anh cũng không tin là mùa này người ta có thể tìm được mấy con cá chốt với cái bụng ươm vàng những trứng để kho nghệ. Mấy thứ dân dã mà hơn mười năm phiêu bạt, anh chưa một lần nhìn thấy bao giờ. Hồi xưa, Lệ từng bảo với anh một câu rằng, sau này anh chặt lá dựng một cái nhà nền đất nện, cô ấy sẽ mỗi bữa đãi anh hai món đặc sản mà anh ưa thích...
Vợ Tuyến nấu ăn khá vừa miệng. Đã lâu anh mới có một bữa no căng như thế. Mâm cơm bày ngay dưới đất, xeo xéo chỗ Tuyến nằm, để vợ Tuyến vừa ăn vừa có thể ngó chừng chồng. Đó là anh nghĩ vậy.
Đấy cũng là lần đầu tiên anh chủ tâm quan sát vợ bạn, ở một cự ly gần đến thế. Lòng anh dấy lên nỗi ngạc nhiên. Đây là người đàn bà mới hôm nào anh còn nhầm là mẹ bạn đấy ư? Cái gì đã gột rửa nỗi vất vả muộn phiền đằng đẵng của chị ta, để trả lại trước mặt anh một nhân dáng khá đàn bà, dịu dàng và e ngại trong từng gắp thức ăn mời khách thế này? Vợ Tuyến hình như cũng bối rối trước ánh mắt của bạn chồng. Chị luống cuống làm rơi một chiếc đũa, nên vội vàng vươn nhặt. Làn da trần từ khủyu tay xuống vô tình chạm vào tay anh, mát rượi như một chiếc lá ướt sương đêm trên cành. Giờ tới lượt anh thấy mình lúng túng một cách vô lý.
***
- Mày lại qua nhà thằng Tuyến đấy hả con? Ừ thì bạn bè lúc hoạn nạn giúp nhau. Nhưng nhà nó nay chẳng còn ai, cẩn thận kẻo miệng lưỡi thế gian chẳng tha cho mình.
- Ôi dào, mẹ nghĩ ngợi nhiều quá đấy. Cây ngay có sợ gì hả mẹ? Con vô tư thôi. Với lại...
Anh định nói cùng mẹ ý định rời khỏi của mình, nhưng chưa nỡ. Mấy lần mẹ xa gần nhắc tới người này người nọ, nhưng anh đều làm thinh. Anh vốn đã quen đi. Đàn bà xứ này làm sao có thể giữ được chân anh. Ngày trẻ trai đã không thể. Bây giờ, lấy gì để mà níu bước chân người đàn ông gần quá nửa đời người quen bước giang hồ. Gần hai mươi năm bỏ nhà lang bạt, anh đã lần nào tạt về ở với mẹ được lâu đâu. Dù chính nhà anh bây giờ cũng chẳng còn ai. Sao lần này, anh không ngờ là cảm giác nắm níu vô hình nào đó khiến anh cứ lừng khừng chẳng dứt khoát, mà ngày tháng thì cứ vùn vụt qua mất. Thêm một mùa trăng nữa lại về.
Anh!
Đêm khuya dằng dặc em nghĩ về anh...
Chỉ lướt qua hai câu đầu là anh đã biết người đàn bà ấy định nói chuyện gì. Hình ảnh vợ Tuyến hôm đầu gặp gỡ với mái tóc điểm nhiều sợi bạc trắng hiện ra mồn một trong tâm trí anh. Cũng người đàn bà ấy, ngồn ngộn đầy đặn dưới thứ ánh sáng nhàn nhạt lỡ làng ngoài mảnh sân cằn cỗi cuối mùa nhan sắc. Chút niềm vui bé mọn vay mượn nào đấy đủ khiến chị lạc quan hơn, mặn mà lại mắt môi mái tóc thì phải? Người đàn bà ngồi ở cầu ao, tỉ mẩn rửa từng nhánh rau càng cua vừa hái lặt được trong vườn, ngước đôi mắt lấp lánh tia mừng vui khi thấy anh xuất hiện ngoài cổng rào. Mâm cơm với món cá chốt sông kho nghệ vàng ươm vừa miệng ăn kèm với rau dừa, rau đắng. Tô canh chua bông súng nêm rất nhiều ngò gai, thơm nồng nàn hương đất cũ. Và thoáng qua cuối cùng là cảnh vợ Tuyến chạy lúp xúp đuổi theo dúi vào tay anh cái bao thư nặng trịch mà anh cứ ngỡ là tiền cảm ơn gì gì đấy, nên cương quyết chối từ không nhận. Khuôn ngực đàn bà mềm ấm vô tình chạm khẽ vào lưng anh như trong một giấc mơ nhàu nhĩ đượm ánh trăng buồn.
Anh không dám đọc tiếp. Cảm giác tim như nghẹn lại, vội vàng nhét xấp giấy viết tay ấy trở ngược vào. Bật lửa đốt bỏ. Thứ ánh sáng lờ mờ quăn queo khổ sở hiện ra, trong run rẩy sợ hãi như thể bản thân anh vừa làm chuyện gì mờ ám, lén lút. Anh mơ hồ nghe thấy tiếng trống ngực của chính mình thình thịch. Sự cô quạnh đằng đẵng nào đấy đã kéo sự lo âu của mẹ anh dần trở thành hiện thực, thật sao? Anh mở cái ngôi nhà đang khép hờ. Mẹ đang ngủ, giấc bình yên hiếm hoi của người đã chớm già. Anh quả là đứa con bất hiếu của mẹ, của mảnh đất này mà...
Anh đi. Như một nhân vật hành tẩu giang hồ trong phim kiếm hiệp, vội vã trốn chạy. Không từ mà biệt. Như chỉ sợ chính mình yếu lòng mà chẳng thể nào cất bước nổi. Trăng cuối mùa sấp sải trải xuống xóm chài một cái màu lờ nhờ buồn bã. Lỡ làng. Ngang qua cái triền sông khúc khủyu um tùm, anh bất giác chậm lại, tần ngần thở dài đầy thương cảm. Dường như anh nghe trong gió có tiếng bước chân ai vồn vã đuổi theo, ngơ ngác dúi vào tay anh một cái phong thư dày...
Bình luận (0)