Trong dự án phim Quỳnh Hoa Nhất Dạ, Thanh Hằng hóa thân thành Lưỡng triều Hoàng hậu Dương Vân Nga và kiêm luôn vai trò sản xuất. Theo đó, cô muốn cùng ê kíp (đạo diễn Lý Minh Thắng, nhà thiết kế Thủy Nguyễn) mang đến một tác phẩm vừa khắc họa rõ nét về người phụ nữ có vai trò quan trọng trong lịch sử Việt Nam vừa ngợi ca sự hào hùng của đất nước ở giai đoạn này.
Dù nhà sản xuất của phim cho biết Quỳnh Hoa Nhất Dạ chỉ lấy cảm hứng từ cuộc đời Thái hậu Dương Vân Nga và phim sẽ cân bằng cả hai yếu tố lịch sử và sáng tạo, nhằm mang tới cho khán giả những góc nhìn và cảm xúc mạnh mẽ về người phụ nữ đặc biệt này; nhưng khi poster và bộ ảnh về tạo hình đầu tiên của nhân vật chính được giới thiệu, ngay lập tức đã dấy lên làn sóng tranh cãi quanh trang phục của Thái hậu Dương Vân Nga trong phim với nghi vấn: "Thái hậu triều Đinh - Tiền Lê sử dụng trang phục Mãn Thanh?".
|
Trên một trang chuyên nghiên cứu về những câu chuyện nội cung cũng như những yếu tố về văn hóa, lễ nghi, trang phục của các triều đại Việt Nam, hàng trăm ý kiến bình luận quanh trang phục của Thái hậu Dương Vân Nga qua tạo hình của diễn viên Thanh Hằng. Theo đó, "nhìn vào bức ảnh vừa được chia sẻ trên trang Facebook của phim, có thể thấy nữ diễn viên Thanh Hằng đang mặc một dạng thức trang phục quá xa lạ so với người Việt. Rất tiếc khi nói rằng, ê kíp phục trang của Quỳnh Hoa Nhất Dạ đã sử dụng một dạng thức trang phục mang đậm ảnh hưởng của triều đại Mãn Thanh lên một nhân vật sống vào thế kỉ thứ 10. Đây là điều khó chấp nhận".
|
Đồng tình với ý kiến trên, nhiều bình luận góp ý: "Người ta thường đánh giá văn hóa một nước qua nền điện ảnh của nước đó đúng không? Theo mình thì đã là một bộ phim điện ảnh, lấy bối cảnh trong lịch sử nhân vật có thật trong lịch sử để công chiếu đại trà, tự động người xem ít nhiều mặc nhận "à, thế là lịch sử như này, thời đại đó như này", rồi về sau mỗi khi liên tưởng và nhận thức về thời đại đó sẽ lại ít nhiều nhớ đến hình ảnh đã được đập vào mắt. Thế nên đã làm thì làm cho tới, công trình mượn nhân vật có tầm ảnh hưởng, diễn viên có tầm ảnh hưởng, lại không đem lại nhận thức đúng đắn thì hơi tiếc nhỉ", "Phim dã sử nên cũng không soi trang phục làm gì. Nhưng cái kiểu biến tấu từ Tàu như này thì thua"; "Không hiểu nổi luôn, mấy trang Việt Nam cổ phục đầy ra mà không tham khảo"...
Khó chấp nhận vì ảnh hưởng dạng thức trang phục thời Mãn Thanh dù là fantasy
Là người trẻ yêu lịch sử và là nhà nghiên cứu lịch sử độc lập, theo anh Tôn Thất Minh Khôi, ngày càng có nhiều dự án lấy cảm hứng từ lịch sử đã tạo nên sự lan tỏa tình yêu sử Việt đối với công chúng, đó là điều rất cần được khích lệ, hoan nghênh. Tuy nhiên, trang phục mà diễn viên Thanh Hằng khoác lên người trong bộ ảnh của phim Quỳnh Hoa Nhất Dạ vừa tung ra (do nhà thiết kế Thủy Nguyễn thực hiện), theo Minh Khôi, rất có vấn đề về kiểu dáng, nhất là phần cổ áo.
|
“Được biết, nhà thiết kế Thủy Nguyễn gọi đó là trang phục giao lĩnh nhưng trong số các trang phục của diễn viên Thanh Hằng mặc – rất nhiều lớp, chỉ có duy nhất một lớp đúng với giao lĩnh (áo trắng, 2 vạt chéo nhau). Còn những lớp khoác bên ngoài, đặc biệt nhìn phần hoa văn trên cổ áo - vắt ngang cổ và sau đó kéo xuống thân áo, thì có thể khẳng định đó là dạng thức trang phục đậm chất Mãn Thanh, xuất hiện vào trung kỳ và hậu kỳ thời Thanh (khoảng thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20). Trong khi nhân vật Thái hậu Dương Vân Nga mà phim đề cập là người phụ nữ quyền lực sống vào thời Đinh - Tiền Lê, khoảng thế kỷ thứ 10, khoảng cách niên đại rất xa. Nên việc sử dụng trang phục ảnh hưởng như vậy rất khó chấp nhận, nhất là trong cộng đồng yêu lịch sử”, anh cho biết.
Trong tấm poster đầu tiên, trang phục Thái hậu Dương Vân Nga có nhiều lớp, nhìn tổng thể thì đẹp, nhưng xem những hình sau đó với các lớp áo bên trong thì có vấn đề. Trong lịch sử các triều đại Việt Nam: Đinh -Tiền Lê - Lý - Trần chưa hề xuất hiện dạng thức trang phục như vậy.
|
Rất khó có thể nói tư liệu hiện tại về trang phục các thời trên khan hiếm hay không thể có. Vì trong vòng 2 - 3 năm gần đây, phong trào phục dựng cổ phong, nhất là của giới trẻ yêu sử Việt, có những tác động sâu rộng.
“Chúng ta không đả kích về tính mỹ thuật vì đó là những phong cách rất riêng, sự phối màu, dấu ấn hoa văn… của nhà thiết kế Thủy Nguyễn, chỉ có kiểu dáng sai lệch nếu nói đó là giao lĩnh”, Minh Khôi nhận xét. Và điều này cũng được thấy rõ qua rất nhiều bình hình ảnh được so sánh trên các diễn đàn liên quan đến cổ phong.
|
Theo Minh Khôi, ê kíp làm phim có thể tham khảo thêm tài liệu từ các hội nhóm, những người nghiên cứu trẻ về dạng thức của loại trang phục triều Đinh - Tiền Lê, vì qua nghiên cứu hoàn toàn có thể đối chiếu, so sánh để có thể thực hiện vừa chuẩn với thẩm mỹ hiện đại và kết hợp từ kiểu dáng truyền thống, đó là điều hoàn toàn có thể làm được.
Trước những ý kiến trái chiều trên, trên fanpage của phim Quỳnh Hoa Nhất Dạ, nhà sản xuất đã chia sẻ: "Vì thời Đinh - Tiền Lê trong sách sử không có nhiều tư liệu ghi chép nên khó tránh sẽ có một số sai sót", đồng thời ê kíp Quỳnh Hoa Nhất Dạ mong sẽ nhận được sự đồng hành và đóng góp cho ê kíp trong thời gian tới để cùng mang đến một Quỳnh Hoa Nhất Dạ thật chỉn chu. Nhà sản xuất cũng không quên bày tỏ trên fanpage: "Ê kíp Quỳnh Hoa Nhất Dạ vô cùng cảm ơn những lời góp ý của các khán giả yêu và đam mê cổ phong, sử Việt để dự án điện ảnh dã sử Quỳnh Hoa Nhất Dạ có thêm động lực hoàn thiện hơn và mang đến cái nhìn chuẩn, đẹp nhất về lịch sử nước mình".
Bình luận (0)