Nhắc đến Thụy Sĩ, ai cũng nghĩ đến một đất nước thịnh vượng, hiền hòa và là xứ sở của những sản phẩm cao cấp. Vậy mà suốt một giai đoạn dài trong quá khứ, để giữ được hình ảnh “không tì vết”, hàng ngàn mảnh đời non trẻ đã phải nếm trải ác mộng. Nhiều thập niên sau, chính phủ Thụy Sĩ mới “ngập ngừng” thừa nhận sự việc.
Tống giam không xét xử
Trong căn hộ sang trọng ở thành phố Zurich, bà Ursula Müller-Biondi chìa tấm ảnh ố vàng cho nhà báo Romain Rosso của tờ L’Express. Nổi bật trong tấm ảnh là cô gái trẻ Müller-Biondi, 17 tuổi, đang tươi cười. Đây là khoảng thời gian hạnh phúc của cô cho đến trước buổi sáng 21.4.1967. Ngày định mệnh ấy, 2 cảnh sát thình lình tìm đến, tra còng vào tay Müller-Biondi và tống vào trại giam dành cho nữ giới Hindelbank ở bang Berne. Không lệnh bắt, không xét xử và người bị bắt thì không hiểu chuyện gì xảy ra với mình. “Tội” của Müller-Biondi là bỏ trốn với người yêu và có thai khi còn vị thành niên. Các tổ chức xã hội đề nghị đưa cô vào “nhà giáo dưỡng” và mẹ Müller-Biondi đồng ý vì nghĩ làm vậy là bảo vệ con gái khỏi cái xấu. Không ai ngờ cô gái trẻ bụng mang dạ chửa bị đẩy vào một trong những trại giam “khét tiếng” nhất Thụy Sĩ và chỉ được phân biệt với những tội phạm thật sự qua màu áo đồng phục.
|
Bà Müller-Biondi nhớ lại: “5 tháng đầu tiên đã suýt lấy mạng tôi: bị ép làm việc không nghỉ ngơi, phải sống cùng những tù nhân đủ thành phần...”. Nhưng khủng khiếp nhất là người ta lạnh lùng đưa con của bà đi ngay sau khi bé chào đời. Ở bàn bên cạnh chỉ có mảnh giấy với dòng chữ khô khốc: “Đừng cho sản phụ gặp con: thành con nuôi”. Nhiều tháng sau đó, “nhờ” liên tục tìm cách tự sát, Müller-Biondi mới được trả lại con và được thả ra. Tuy dần ổn định cuộc sống, nhưng hơn 40 năm qua, những ngày tháng tù tội vô cớ luôn ám ảnh bà.
Sau nhiều năm giữ yên lặng, bà Müller-Biondi trở thành người đầu tiên đưa giai đoạn u tối của Thụy Sĩ ra ánh sáng khi viết cuốn hồi ký Geboren in Zürich (tạm dịch: Sinh ở Zurich) vào năm 2002. Cuốn sách không được hoan nghênh, thậm chí nhiều người còn chỉ trích tác giả là “phản quốc” vì bêu xấu đất nước. Phải đến 6 năm sau, nhà báo Dominique Strebel bắt đầu tìm hiểu vấn đề này và kêu gọi những nạn nhân trước đây cùng lên tiếng, những trang sử bí mật về xã hội Thụy Sĩ mới thật sự được nhìn nhận.
Phá thai, triệt sản, thử thuốc
Theo L’Express, những thông tin thu thập được ngày càng khiến dư luận bàng hoàng. Đồng cảnh ngộ với bà Müller-Biondi, từ năm 1942 đến đầu thập niên 1980, hàng ngàn thanh thiếu niên Thụy Sĩ đã bị bắt giữ vì những cáo buộc như sống thử, làm mẹ đơn thân, suy giảm trí tuệ/tinh thần… Họ bị tống giam, bị bắt phá thai, triệt sản, có người từng bị các hãng dược lợi dụng để thử thuốc mới. Tất cả đều là nạn nhân của một xã hội bảo thủ, xem trọng lề lối và sẵn sàng loại bỏ những người “khác biệt”.
Có những trường hợp bị bắt với lý do “tưởng như đùa” rất mơ hồ như một nạn nhân giấu tên bị hàng xóm phát hiện để tờ Playboy ở phòng khách nên tố cáo với chính quyền. Một số nạn nhân nữ khác bị “chuyên gia tâm lý” nhận định là bất ổn tâm lý cũng bị bắt phá thai rồi triệt sản vì sợ con cái của họ sẽ thành gánh nặng cho xã hội. Cũng trong nỗ lực “lành mạnh hóa”, những đứa bé bị tách khỏi cha mẹ để “có tương lai tươi sáng hơn” phần lớn đều trải qua tuổi thơ cơ cực, thậm chí bị đối xử như nô lệ. Ông Jean-Louis Claude, 71 tuổi, phẫn uất: “Gia đình nhận nuôi bắt tôi ngủ cạnh chuồng heo. Ban ngày, sợ tôi bỏ trốn, họ trói tôi lại. Một thầy giáo trong làng nhìn thấy và giải thoát tôi nhưng lại gửi tôi vào một trung tâm xã hội. Tại đây mọi chuyện còn kinh hoàng hơn, tôi bị lạm dụng tình dục trong thời gian dài”.
Bao nhiêu cuộc đời đã bị đánh cắp như bà Müller-Biondi, ông Claude, hàng ngàn hay hàng chục ngàn? Con số chi tiết có thể sẽ mãi là bí mật vì phần lớn hồ sơ đã bị tiêu hủy. Mới đây, Bộ Tư pháp Thụy Sĩ đã thành lập ủy ban thu thập tài liệu về giai đoạn u tối này. Con số chính thức duy nhất hiện nay là 2.700 người đã bị bắt giữ tại Berne từ năm 1942 - 1981. Phải đến sau khi ký Thỏa thuận nhân quyền châu u, Thụy Sĩ mới chấm dứt tình trạng trên.
Chuyên gia Jean-Claude Métraux nhận định: “Thụy Sĩ đã nhờ những giải thích “mang tính khoa học” của các bác sĩ, nhà tâm lý làm chỗ dựa để giải quyết các vấn đề xã hội. Những người nghèo bị xem là dễ trở thành tội phạm nên chỉ cần có biểu hiện trái với chuẩn mực chung, họ sẽ bị lên án hoặc bị xem là có vấn đề về tâm lý”.
Sau 3 thập niên im lặng, năm 2010, chính phủ Thụy Sĩ lần đầu tiên chính thức lên tiếng xin lỗi các nạn nhân của chương trình bắt giữ, cưỡng bức trước đây. Hồi tháng 4.2013, Bộ trưởng Tư pháp Simonetta Sommaruga chỉ trích những hành động “tàn bạo, vi phạm nhân phẩm” nói trên. Đến tháng trước, lần đầu tiên đại diện chính phủ gặp gỡ các nạn nhân và quốc hội Thụy Sĩ đang xem xét dự luật về việc phục hồi danh dự cho họ. Tuy nhiên, vẫn chưa có kế hoạch bồi thường nào được đề xuất. |
Nguyễn Ngọc Lan Chi
>> Vệ binh Thụy Sĩ của Giáo hoàng, họ là ai?
>> Thụy Sĩ bị ép về bí mật ngân hàng
>> Thụy Sĩ muốn làm trung gian hòa giải khủng hoảng Triều Tiên
>> Du khách Thụy Sĩ bị cưỡng hiếp tập thể ở Ấn Độ
>> Xả súng tại nhà máy Thụy Sĩ, 3 người chết
>> Thụy Sĩ lo châu u bạo loạn
>> Thụy Sĩ phá đường dây buôn người Thái Lan
Bình luận (0)