Trang sức danh dự của người xưa

19/09/2021 08:00 GMT+7

Nói đến danh dự là nói đến lễ nghi, mà trong lễ nghi thì không thể thiếu trang phục.

Theo học giả Phan Huy Chú thì “Lễ dùng để biện biệt sự hiềm nghi, soi sáng chỗ vi ẩn, phân định thứ bậc cao thấp làm tỏ rõ vật nọ phẩm kia, chẳng có chỗ nào mà tinh thần cổ nhân không y ngụ ở đó”.
Điển hình và rõ ràng nhất là quy định mũ áo của quan lại triều Nguyễn, trong đó danh dự nhất chính là mũ rồi tiếp đến mới là áo, nhưng đại diện ở áo là phần ngực được thêu gì. Đối với trang phục của vua và hậu phi cũng vậy, danh dự nhất vẫn là mũ miện rồi mới đến rồng và phượng ở ngực áo. Như vậy, người xưa đã dựa vào cơ thể của con người để phân định vùng danh dự trong trang phục, đó là đầu và ngực. Có lẽ chính vì thế mà ngoài mũ áo ra họ đã chế ra cúc cài và dây chuyền, dây chuỗi có mặt đeo trước ngực như hình Phật, cây thánh giá…
Hiện nay, khảo cổ học đã phát hiện và cho chúng ta biết khá nhiều về các trang sức thuộc vật đeo ở các nền văn hóa của nước ta như Óc-Eo, Champa, đa phần chúng được làm từ đá quý hay vàng bạc và được khắc chạm thường là những đề tài thuộc về tâm linh, đôi khi chỉ là một viên đá có vân đẹp liên quan đến những vị như Lạt-ma, hoặc là những đồng tiền được bề trên ban tặng. Còn trên tượng thì do đa phần là các tượng thần, Phật nên trang sức đeo thường được thể hiện là các hạt chuỗi và yếm cổ với những cánh sen được cẩn xen kẽ những viên đá quý rất nghệ thuật.
Nhìn chung, qua các điển chế về trang phục được ghi chép trong lịch sử, cùng với những phát hiện của khảo cổ học, đã chứng minh xã hội ngày nay đã thừa hưởng và tiếp nối, như quốc huy gắn trên mũ, huân huy chương đeo trên ngực áo… Trong đó có một trang sức rất đặc biệt ở vị trí trước ngực của những người có địa vị cao trong xã hội xưa, đó là loại cúc cài.
Những trang sức được cho là của các nhân vật có địa vị cao trong xã hội thời quân chủ ở nước ta hiện nay quả là không còn nhiều, đặc biệt là trang sức đó gắn liền với tên tuổi chủ nhân thì độc nhất là bộ trang sức của phi tần chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738 - 1765) đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Thế nhưng rất tiếc là tất cả các trang sức hiện tồn nói trên đa phần chỉ là nhẫn, khuyên tai, trâm, vòng, dây chuyền, dây chuỗi; còn trang sức đặc biệt thì cho đến thời điểm hiện tại vẫn duy nhất là chiếc cúc cài bằng vàng có đồ án trang trí song phượng chầu hoa cúc, hiện đang được Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế lưu giữ, trong khi loại hình này là khá phổ biến. Như vậy, chỉ còn cách nhận biết qua một số tranh tượng hiện tồn.

Hoa cúc cài trước ngực

Điển hình là bức tượng nữ quý tộc thời Lê sơ có niên đại thế kỷ 15 (thuộc dòng gốm hoa lam, đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia), cho thấy một trang sức thuộc dạng cúc cài có hình hoa cúc được cài ngay chính giữa cổ áo. Tiếp đến bức tượng hoàng đế Mạc Đăng Dung có niên đại thế kỷ 16 (đang lưu giữ tại chùa Trà Phương - TP.Hải Phòng, đã được công nhận là bảo vật quốc gia), ở trước ngực cũng là cúc hình hoa cúc. Tiếp nữa là bức tranh Thiền sư Nguyễn Minh Không, niên đại được đánh giá vào thời Lê - Trịnh (đang lưu giữ ở đền Thánh Nguyễn - tỉnh Ninh Bình) và bức ảnh của Hoàng hậu Nam Phương (chụp trong ngày cưới và cũng là lễ tấn phong Hoàng hậu ngày 21.3.1934) thuộc cuối triều Nguyễn, đều cho thấy một cúc hình hoa cúc được cài trước ngực.
Qua bốn điển hình nêu trên, điều đáng nói ở đây là trải dài xuyên suốt từ thế kỷ 15 (tượng nữ quý tộc thời Lê) đến giữa đầu thế kỷ 20 (ảnh Hoàng hậu Nam Phương) tức là khoảng 500 năm, thế nhưng các trang sức cũng vẫn một vị trí và điều thú vị ở chỗ vẫn là hoa cúc. Một biểu tượng của mặt trời và còn là sự viên mãn trường tồn, người được mang trang sức hoa cúc tức là mang trên người hình ảnh của mặt trời, người đó phải có địa vị cao trong xã hội, đồng thời cũng là người có công với triều đình, chính vì vậy mà hình ảnh của hoa cúc đã được trang trí danh dự ở phần ngực.
Cũng như chúng ta đã biết các đồ án trang trí trên bia ký thời Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng, Nguyễn đều cho thấy tại trung tâm trán bia khi thì là mặt trời, khi thì mặt trời hình hoa cúc, có khi là nguyên một hoa cúc, và đa phần đều được lưỡng long hoặc song phượng chầu, nhất là ở trên hệ thống mũ miện của triều Nguyễn. Ở bức tranh Thiền sư Nguyễn Minh Không còn cho thấy hai rồng ở hai tay áo hình như cũng được chầu hoa cúc ở trước ngực. Ngoài ra ở đây còn cho biết rất có thể liên quan đến tục cắt bỏ cúc áo của người chết, và như vậy cột mốc niên đại được biết sớm nhất là thời Lê sơ.
Được biết vào ngày 6.9.2019, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Hội Khoa học lịch sử VN tổ chức hội thảo khoa học Thân thế, sự nghiệp Thiền sư Nguyễn Minh Không do thiền sư đã có nhiều đóng góp đối với đời sống chính trị, tư tưởng văn hóa của Đại Việt thời Lý. Bức tranh Thiền sư Nguyễn Minh Không đã được các nhà nghiên cứu đánh giá có vào thời Lê - Trịnh, thế nhưng hình hoa cúc ở ngực và đai cho đến nay vẫn chìm trong sự quên lãng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.