Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 7.10, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50 - Bộ Công an) phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (PC46 - Công an tỉnh Đồng Nai) tiến hành bắt, khám xét đối với Nguyễn Thị Minh Phương (36 tuổi, ngụ P.Tân Hòa, Biên Hòa, Đồng Nai) - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phương Thái An (gọi tắt công ty, trụ sở ở đường Đồng Khởi, KP.3, P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa, Đồng Nai), Phạm Thanh Toàn (45 tuổi, ngụ Đồng Nai) - Tổng giám đốc, Hồ Đình Phú (25 tuổi, ngụ Đức Trọng, Lâm Đồng) - Giám đốc kinh doanh, cùng về tội “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Theo đó, Phương cầm đầu đường dây này, còn Toàn và Phú có vai trò giúp sức đắc lực cho Phương.
Đã có 4.000 khách hàng là nạn nhân của hình thức huy động vốn với lãi suất cao trái phép của công ty này. Chị N.T.M.D (ngụ Q.9, TP.HCM) cho biết chị quen với người đàn ông giới thiệu tên mình là Nguyễn Quang Sim (quê ở Đồng Nai). Sim khoe mình quen thân với Phương, Phú và Toàn. Những người này đều là lãnh đạo của công ty, đang cần tiền đầu tư để mở hãng xe taxi hero8, kinh doanh bất động sản và mở garage xe.
Sim khuyên D. có bao nhiêu tiền thì đầu tư vào công ty để kiếm lời, cứ mỗi mã số ID (hơn 10 triệu đồng) sẽ được nhận lãi 130%/tháng, cứ 5 ngày sẽ được nhận tiền chuyển vào tài khoản 2,2 triệu đồng. Nghe vậy, chị D. đã mua 4 mã số (gần 45 triệu đồng) và còn kêu gọi thêm một số người bạn “đầu tư” cùng, một vài người không ngần ngại đầu tư vài trăm triệu đồng vào công ty trên.
“Ban đầu Công ty Phương Thái An tỏ ra rất uy tín, cứ 5 ngày họ gửi tiền lãi vào tài khoản cho khách. Tuy nhiên chỉ "uy tín" được 3, 4 lần thì phía công ty đa cấp này không chịu chuyển tiền nữa. Tôi đã đòi nhiều lần nhưng Sim cứ đưa ra nhiều lý do, đổ lỗi cho ngân hàng”, chị D. nói.
Một nạn nhân khác là chị Thương (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cũng cho biết, chị tham gia đầu tư vào công ty từ 12.7.2016 do người bạn giới thiệu. Với những lời chào mời rất hấp dẫn, chỉ có lời chứ không bao giờ lỗ và mất tiền nên chị Thương đã mạnh dạn đầu tư 250 triệu đồng vào công ty. Ba lần đầu công ty uy tín, gửi tiền lời vào tài khoản đúng hẹn nhưng sau đó nêu đủ lý do để trì hoãn, không chịu trả tiền.
Theo thống kê của C50, có 4.000 người là nạn nhân của công ty đa cấp nói trên, tuy nhiên theo số liệu trên hệ thống của trang web hero8.org thì đã có 21.405 người tham gia (trong đó 14.637 thành viên kích hoạt mã ID). Số tiền các nạn nhân bị mất lên đến 140 tỉ đồng.
Hiện C50 phối hợp với PC46 điều tra mở rộng đường dây này.
Bình luận (0)