Tranh bảo vật quốc gia chưa được bảo quản đặc biệt

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
16/05/2019 08:45 GMT+7

Hiện tại, các bức tranh được công nhận là bảo vật quốc gia ở Bảo tàng Mỹ thuật vẫn có chung chế độ bảo quản giống như các tác phẩm khác của bảo tàng. Điều khác biệt chỉ là vị trí đẹp và tăng thời lượng thuyết minh.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) hiện nắm giữ nhiều tác phẩm hội họa là bảo vật quốc gia nhất. Đó là: Em Thúy(họa sĩ Trần Văn Cẩn), Hai thiếu nữ và em bé (Tô Ngọc Vân), Gióng (Nguyễn Tư Nghiêm), Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc (Dương Bích Liên), Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ (Nguyễn Sáng) và Bình phong (Nguyễn Gia Trí).
Tuy nhiên, hiện bảo tàng chưa có gian trưng bày riêng cho các tác phẩm này. “Các tác phẩm thuộc nhiều thời kỳ khác nhau, đề tài khác nhau nên cũng không đặt ở một gian trưng bày riêng”, ông Trần Dũng Tiến, Giám đốc Trung tâm bảo quản, tu sửa tác phẩm nghệ thuật, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nói.
Dù là bảo vật quốc gia, các tác phẩm này cũng đang có chung chế độ bảo quản với những tác phẩm khác của bảo tàng. “Khi đã đưa lên khu trưng bày, các hiện vật trong đó đều có giá trị. Việc bảo đảm tình trạng cho các hiện vật đó đều được đáp ứng tương tự như nhau. Nó được lưu tâm theo hướng những hiện vật này để ở nơi trang trọng, các thiết bị phục vụ tôn vinh sẽ đưa vào chương trình như ánh sáng, vị trí để khách tham quan hiểu giá trị hơn. Nhưng nhìn chung, các tác phẩm nằm trong không gian trưng bày chung sẽ được đối xử tất cả như nhau”, ông Tiến cho biết.
Trong số những bảo vật này, bức Em Thúy là một tác phẩm đã từng được tu sửa kỹ lưỡng, thậm chí có thể coi như “bảo quản, tu sửa kiểu mẫu”. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, vào thời điểm tu sửa bức tranh, cả điều kiện lẫn kinh nghiệm bảo quản tranh sơn dầu của đơn vị này còn chập chững. “Asia link, một tổ chức nghệ thuật quốc tế, đã tài trợ tu sửa Em Thúy sau khi xem xét giá trị nghệ thuật và tên tuổi tác giả. Họ cử một chuyên gia nước ngoài đến VN thực hiện việc tu sửa này. Họ khảo sát đánh giá tình trạng, lập phương án kỹ lưỡng. Tôi nhớ có 5 bạn tham gia cùng để học kinh nghiệm và học xong thì áp dụng vào một số tác phẩm. Sau này cũng có thêm các đợt học tập, tập huấn ở nước ngoài với Trường đại học Mỹ thuật Dresden - Cộng hòa liên bang Đức và kinh nghiệm càng được áp dụng triệt để hơn”, ông Tiến nói.
Tranh bảo vật quốc gia chưa được bảo quản đặc biệt1
Bảo vật quốc gia Em Thúy của danh họa Trần Văn Cẩn

Thiếu đủ thứ

Chúng tôi không dám nói là không thể tu sửa tất cả được. Vì bảo quản tu sửa tác phẩm nó cũng như chữa bệnh 

Ông Trần Dũng Tiến, Giám đốc Trung tâm bảo quản, tu sửa tác phẩm nghệ thuật, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Tự học, dạy cho nhau kiểu “gia truyền”, học theo các dự án bảo quản của nước ngoài là những cách cán bộ bảo tàng học để tu sửa tranh. Tại các trường mỹ thuật, hiện vẫn chưa có chuyên khoa riêng cho tu sửa tranh. Chính vì thế, với các tác phẩm bảo vật quốc gia, bảo tàng cũng chỉ nói là có thể xử lý được trong những chừng mực nhất định. Đó là các trường hợp bong rộp cong vênh không quá nặng. “Chúng tôi không dám nói là không thể tu sửa tất cả được. Vì bảo quản tu sửa tác phẩm nó cũng như chữa bệnh. Nếu giai đoạn 4 thì thôi, cũng chỉ đứng ngậm ngùi tìm cách giữ nguyên để tìm cách câu giờ thôi”, ông Tiến cho biết.
Không chỉ thiếu nguồn đào tạo chính quy, cơ sở vật chất để bảo quản tu sửa tranh cũng rất thiếu. Trước đây, để phục vụ cho hoạt động chuyên môn, cán bộ trung tâm đã có sáng kiến làm ra những viên gạch bằng gang dùng để ép phẳng. Trong khi đó, nước ngoài có bàn ép để tạo mặt phẳng đó. Tác phẩm Hội chùa (Lê Quốc Lộc), Nam - Bắc một nhà (Nguyễn Văn Tỵ) đã được làm phẳng bằng những viên gạch mà bảo tàng tự chế.
Trong khi đó, một thời kỳ dài trước đây, các họa sĩ không có nhiều họa phẩm tốt để tác phẩm có thể bền vững lâu dài, thêm vào đó là môi trường khí hậu thời tiết khắc nghiệt, độ ẩm, nhiệt độ nóng lạnh thất thường thường xuyên tác động vào tác phẩm. Vì thế, tác phẩm rất khó ổn định và hay bị mốc, cong, vênh, rộp… Việc phục chế do đó càng phức tạp hơn.
Với các thiết bị chuyên dụng, cũng còn một cái khó nữa là do chúng ta ít được mua, nên việc mua càng khó khăn. “Mình cứ mua ít thì cũng ít người bán muốn đáp ứng hoặc phải đặt ở nước ngoài. Có mua được hay không phụ thuộc người ta chứ mình không chủ động được”, ông Tiến nói.
Làm “nhà” cho bảo vật quốc gia
Làm “nhà” cho bảo vật quốc gia1
ẢNH: N.P
Đó là câu chuyện “đổi đời” của 2 bức phù điêu Trà Liên 1 và Trà Liên 2 đang được trưng bày ngoài trời tại Bảo tàng Quảng Trị, vốn được công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2016. Hai bảo vật này có niên đại hơn 1.000 năm, độc bản, có giá trị lịch sử văn hóa nghệ thuật Champa được tìm thấy tại phế tích tháp Trà Liên (xã Triệu Giang, H.Triệu Phong, Quảng Trị); được đánh giá là 2 tác phẩm nghệ thuật độc đáo, không lặp lại... Tuy nhiên, cuối năm 2016, 2 cổ vật này được phát hiện đang... phơi mưa phơi nắng và đứng chung với cỏ dại đã nhiều năm (Thanh Niên đã phản ánh trong bài Bảo vật quốc gia phơi mưa nắng). Thời điểm đó, 2 bảo vật quốc gia bị rêu mốc bám đầy, có những mảng nứt nẻ.
Sau nhiều lần đề xuất, ngành bảo tàng tỉnh Quảng Trị đã được cấp kinh phí xây dựng hệ thống mái che bằng ngói theo dạng nhà rường truyền thống để che mưa nắng cho 2 bảo vật (ảnh). Theo đánh giá của một số nhà nghiên cứu, đây là cách làm hay vì phần mái che cũng đảm bảo thẩm mỹ. Nguyễn Phúc 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.