Mạng xã hội những ngày qua nảy lên tranh cãi đề tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT có 2 lựa chọn đúng trong một câu. Cụ thể, bài thi đã trích dẫn ngữ liệu sau với yêu cầu chọn một đáp án cần được sửa lỗi, dựa trên 4 lựa chọn được gạch dưới:
"Their pioneering (A) research showed that the learning motivation of the two groups of learners was quite distinctive (B) from each other, and the comparative (C) group whose learning motivation was stronger performed better than the control (D) group".
Các chuyên gia cho rằng không chỉ một mà có đến hai đáp án sai trong câu này là 'distinctive' (B) và 'comparative' (C), gây khó khi làm bài. Theo đó, 'distinctive' sai về ngữ pháp vì không thể đi cùng giới từ 'from'. Còn 'comparative' sai về thuật ngữ nếu đặt trong bối cảnh nghiên cứu khoa học được đề cập ở ngữ liệu.
Câu hỏi mang tính hàn lâm?
Liên quan đến những tranh cãi đề tiếng Anh, nhiều bạn đọc đã nêu quan điểm đa chiều về cách ra đề thi tốt nghiệp THPT nói riêng, và quá trình dạy tiếng Anh trên trường phổ thông nói chung.
Chẳng hạn, tài khoản WTv... cho hay ngoại ngữ với đại đa số người học là để giao tiếp, nhưng với "cách dạy và thi như thế này mà học sinh, sinh viên chỉ giỏi thi chứ ra đường giao tiếp thì dở ẹc". "Những câu hỏi mang tính hàn lâm như trên chỉ nên dành cho những người đi sâu nghiên cứu", tài khoản này đánh giá.
Đồng tình, bạn đọc Thành Tô cho biết: "Đề bài đưa ra chỉ có thể đưa vào lý luận cho các bác tiến sĩ nghiên cứu, chứ thực tiễn cả 2 đều không đúng". "Đề thế này thì làm khó cho học sinh giỏi thôi", độc giả Dương Quá nhìn nhận.
Chung góc nhìn, bạn đọc Trần Như Minh cho rằng "vấn đề muôn thuở" là việc dạy nói, đọc, viết song ngữ Việt-Anh cho học sinh chưa bao giờ hoàn thành xuất sắc, dù các em đã trải qua 12 năm phổ thông.
"Đa phần học sinh đối phó với các bài thi ở trường chứ chưa ứng dụng thực tế trong đời sống. Phải xem đây là ngôn ngữ bắt buộc để học và thực hành trong cộng đồng thì mới khá lên được", người này đề xuất.
Đáp lại, độc giả Hà nêu ý kiến rằng tiêu chuẩn đầu tiên để dạy học sinh nắm vững 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh hay bất kỳ ngoại ngữ nào là sĩ số học viên chỉ từ 10-15 em, sau đó mới nói đến các điều kiện dạy và học khác như giáo trình, nghe nhìn và âm thanh, bàn ghế.
"Các bậc phụ huynh thời nay rất giỏi chê bai giáo viên Việt Nam là dạy học sinh 10 năm không nói được nhưng mấy ai biết yêu cầu đầu tiên và thiết yếu này. Với sĩ số khoảng 50 học sinh/lớp của Việt Nam từ trước đến nay, các em không bao giờ có thể nắm vững 4 kỹ năng và lỗi không thuộc về giáo viên", tài khoản này khẳng định.
Cả 2 đáp án nên được chấp nhận?
Từng đạt giải nhất học sinh giỏi tiếng Anh cấp tỉnh và giải ba học sinh giỏi tiếng Anh cấp quốc gia, Vũ Hà Linh, học sinh Trường THPT chuyên Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), cho biết em cũng phân vân giữa hai đáp án 'distinctive' và 'comparative' trong lúc làm bài.
"Cuối cùng, em chọn 'comparative' vì thấy 'distinctive' có một vài trường hợp đi cùng 'from' để chỉ sự khác biệt hoàn toàn. Em cũng so sánh 'comparative' với 'control' thì nhận ra phải có sự tương đồng giữa loại từ của hai từ này, vì 'control' là danh từ mà 'comparative' lại là tính từ. Nên em quyết định chọn C", nữ sinh lý giải.
Anh Luyện Quang Kiên, giáo viên luyện thi tại Hà Nội từng 5 lần đạt 9.0 IELTS, cho rằng cả 2 đáp án 'comparative' và 'distinctive' đều nên được Bộ GD-ĐT chấp nhận vì lỗi thuộc về khâu ra đề. Tài khoản My Channel cũng kiến nghị: "Rất mong Bộ GD-ĐT nhanh chóng xử lý và có ý kiến sớm để học sinh yên tâm".
Tương tự, bạn đọc Nguyễn Quốc Phượng thắc mắc: "Đề thi sai một câu, vậy có cộng điểm thêm cho học sinh?". Phản hồi vấn đề này, tài khoản U0L... cho rằng: "Theo quy định, nếu Bộ GD-ĐT xác định câu đó sai thì toàn bộ thí sinh được hưởng điểm của câu đó. Tôi nhớ không lầm năm 2020 đã có một trường hợp tương tự ở đề thi toán".
Ở một góc nhìn khác, tài khoản fxA... nói đề bài đã "chuẩn". "Người ta hỏi từ sai chứ không hỏi ít dùng hay phổ biến hay không phổ biến. Sai có nghĩa là sai ngữ pháp theo chuẩn ngữ pháp tiếng Anh. Tôi đồng ý với đáp án là 'distinctive', câu trả lời đúng nhất và được tính điểm", người này nêu quan điểm.
Thêm một câu hỏi có 2 lựa chọn đúng?
Thông tin với phóng viên Báo Thanh Niên, anh Nguyễn Trung Dũng (29 tuổi), chuyên gia xây dựng và thẩm định chương trình của một hệ thống giáo dục, cho rằng một câu hỏi khác trong đề thi tiếng Anh cũng có 2 lựa chọn đúng. Cụ thể, đề yêu cầu chọn một đáp án đúng với ngữ liệu sau:
The journalist is talking about having a new ___ published in the local newspaper next week (tạm dịch: Nhà báo đang nói về việc ___ được xuất bản trên tờ báo địa phương vào tuần tới), với 4 đáp án được đề cập là 'editor', 'article', 'documentary', 'cartoon'.
Dẫn theo các từ điển Cambridge, Oxford và Longman, anh Dũng cho rằng ngoài 'article' là hoàn toàn đúng vì phù hợp với nội dung câu hỏi, thì phương án 'cartoon' cũng chính xác. Cụ thể, ngoài nét nghĩa là phim hoạt hình, 'cartoon' còn là tranh biếm hoạ/tranh hài/truyện tranh, trong đó tranh biếm họa là sản phẩm dễ thấy trên cả báo chí Việt Nam và thế giới.
"Không phải trong câu có nhà báo thì đáp án phải là bài báo, đó là suy luận cứng nhắc. Đề bài cũng không quy ước 'cartoon' phải mang nghĩa phim hoạt hình. Mỗi từ tiếng Anh có thể có nhiều nghĩa, nên việc tổ ra đề lấy một trong nhiều nghĩa của từ để khẳng định từ chỉ có một nghĩa là sai về mặt chuyên môn", anh Dũng khẳng định và kiến nghị Bộ GD-ĐT phải tính điểm cho cả 2 đáp án.
Về vấn đề này, anh N.T.P, đạt 8.5 IELTS và có kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy tại các trung tâm tiếng Anh, cho rằng với những từ khóa 'journalist', 'newspaper' ở câu hỏi, đa số thí sinh sẽ chọn đáp án 'article' vì sự tương quan. "Rất bình thường khi một câu hỏi có nhiều đáp án 'bẫy' và thí sinh nên tỉnh táo chọn phương án chính xác nhất. 'Cartoon' sẽ đúng hơn nếu câu hỏi đề cập đến 'artist' (họa sĩ) hoặc 'illustrator' (họa sĩ minh họa)", anh P. đánh giá.
Bình luận (0)