Tranh cãi nhà hàng phụ thu 4,5 triệu đồng cho 18 kg hải sản nhờ luộc hấp

Quế Hà
Quế Hà
06/07/2022 16:39 GMT+7

Một đoàn du khách ở Bình Dương phản ánh khi vào một nhà hàng tại TP. Phan Thiết và mang theo 18 kg hải sản nhờ luộc hấp và phí phụ thu 4,5 triệu đồng là quá cao.

Sự việc phụ thu chế biến hải sản gây tranh cãi xảy ra ngày 4.7 khi một đoàn du khách ở tỉnh Bình Dương đến thăm quan Mũi Né và vào ăn trưa tại nhà hàng trên đường Hùng Vương (TP.Phan Thiết).

Cụ thể, đoàn du khách nhờ nhà hàng luộc 18 kg hải sản mang từ bên ngoài vào và tiền phụ thu là 4,5 triệu đồng. Sau khi đoàn khách đăng phiếu phụ thu lên mạng xã hội, có nhiều ý kiến cho rằng việc nhà hàng lấy số tiền như vậy là “chặt chém”; việc du khách nhờ luộc, hấp 18 kg ốc hương, loại hải sản mới “thấy lửa đã chín” chắc cũng không tốn bao nhiêu điện, gas.

Cũng có người cho rằng nên lấy giá tượng trưng 1-2 triệu đồng là vừa phải, vừa có chi phí gas, điện vừa giữ khách và gây thiện cảm với đoàn du khách khi thăm thành phố biển xinh đẹp như Phan Thiết "để lần sau họ còn đến nữa chứ"...

Sau khi nghe phản ánh, sáng ngày 6.7, lực lượng chức năng của Bình Thuận đã đến kiểm tra, ghi nhận thông tin từ nhà hàng bị phản ánh "chém" 4,5 triệu đồng cho 18 kg hải sản nhờ chế biến giùm

CTV

Tuy nhiên, cũng có quan điểm ngược lại. Theo quản lý một nhà hàng tại TP.Phan Thiết, trong lúc giá xăng dầu, gas tăng vùn vụt như hiện nay nếu không lấy phụ thu thì dẫn đến nhiều thiệt thòi. "Đoàn khách nào cũng đi mua hải sản bên ngoài mang vào nhà hàng nhờ luộc, hấp thì nhà hàng sẽ thiệt thòi, thậm chí không bán được sản phẩm của mình nên buộc lòng phải có phụ thu", người này nói.

Trả lời báo chí, anh Nguyễn Ngọc P., quản lý nhà hàng có phụ thu nêu trên cho biết, đoàn khách mang từ ngoài vào 18 kg ốc hương và tôm hùm. Nếu tính 18 kg hải sản với giá 4,5 triệu đồng, thì mỗi ký phụ thu là 250.000 đồng là vừa phải, không quá cao.

Hóa đơn nhà hàng phụ thu bị đoàn du khách Bình Dương cho là "chặt chém"

ctv

“Ở trường hợp này, mức phụ thu thực tế mà nhà hàng thu đã có giảm giá và thấp hơn số tiền trong hóa đơn. Khi được nhờ luộc giùm, nhà hàng nói chuyện với hướng dẫn viên của đoàn và đã được đồng ý về mức phụ thu. Kinh doanh nhà hàng, ai cũng ngại việc đem thực phẩm từ ngoài vào nhờ làm. Phần là vì không ai đảm bảo chất lượng hải sản mang vào, lỡ xảy ra sự cố vềvệ sinh an toàn thực phẩm sẽ ảnh hưởng rất lớn”, anh P. chia sẻ.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, tại TP.Phan Thiết hiện nay rất nhiều nhà hàng tính phụ thu kiểu như trên, tùy theo loại hải sản. Mức phụ thu thấp nhất là 200.000 đồng/kg khi mang từ bên ngoài vào nhà hàng.

Chẳng hạn, khách nhờ hấp giùm ốc hương thì phụ thu khoảng 200.000 đồng/kg nhưng nếu nhờ làm giùm tôm hùm, nướng phô mai hay nấu cháo mù tạt thì giá sẽ cao hơn hấp ốc, ghẹ....

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Văn Bình - Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Bình Thuận, một chuyên gia về du lịch ở Mũi Né, chia sẻ: “Kinh doanh du lịch ở nước ngoài không ai cho mang hải sản bên ngoài vào nhà hàng. Du khách họ hiểu điều đó. Theo tôi, du khách muốn tự do nấu ăn theo ý mình, có thể thuê các biệt thự, khách sạn mini thỏa mãn nấu nướng từ đồ tươi sống mua ở chợ về. Hiện nay biệt thự du lịch cho thuê ở Phan Thiết khá phổ biến”.

Hải sản tươi sống tại TP.Phan Thiết vào mùa du lịch hè tăng mạnh do khan hiếm, trong khi khách khá đông

QUẾ HÀ

Cũng theo ông Bình, nhiều du khách lầm tưởng cứ mua tôm, ốc ngoài chợ mang vào nhờ chế biến giùm là lợi. Cái này là sai lầm của du khách, vì tôm tươi, ốc ngon các đầu nậu hải sản họ thu mua hết rồi.

“Ở góc độ người kinh doanh, tôi nói thật, không chủ nhà hàng nào muốn cho khách mang hải sản bên ngoài vào cơ sở của họ, trong khi họ đang bán thức ăn đó. Lỡ có mang vào thì du khách cũng phải chịu phí chế biến giùm, đó là quy luật kinh doanh, du khách đều hiểu cả”, ông Bình chia sẻ.

Cũng theo ông Bình, giá mà nhà hàng trên đường Hùng Vương, TP.Phan Thiết phụ thu 4,5 triệu đồng cho 18 kg hải sản là bình thường, không có gì là “chặt chém” cả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.