Giữa lúc quan hệ Mỹ - Israel đang trắc trở lại rộ lên thông tin Mỹ đe dọa bắn hạ máy bay Israel để ngăn nước này tấn công Iran.
Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Obama không nhìn về một hướng trong vấn đề Iran - Ảnh: Reuters
|
Báo Kuwait Al-Jarida hôm qua loan tin chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu năm ngoái quyết định sẽ không kích Iran sau khi phát hiện Mỹ cùng Iran bí mật đàm phán liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran và hai bên sắp ký một thỏa thuận “sau lưng Israel”. Theo tờ báo, một bộ trưởng Israel có quan hệ tốt với Washington đã tiết lộ kế hoạch tấn công cho Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ngay lập tức, Tổng thống Mỹ Barack Obama phản ứng bằng cảnh báo sẽ tiêu diệt chiến đấu cơ Israel trước khi chúng có thể tiếp cận những mục tiêu ở Iran.
Al-Jarida dẫn các nguồn thạo tin cho biết nội các Israel quyết định tấn công Iran sau 4 ngày liên tiếp họp khẩn với các tướng lĩnh hàng đầu. Sau đó, chiến đấu cơ Israel được cho là đã thực hiện nhiều chuyến bay thử nghiệm vào không phận Iran để tập né ra đa của nước này. Tuy nhiên, chiến dịch tấn công cuối cùng bị hủy bỏ do lời đe dọa từ chủ nhân Nhà Trắng. Sau đó, truyền thông Trung Đông và phương Tây nhanh chóng đăng tải lại các nội dung của Al-Jarida, gây tranh luận sôi nổi trong dư luận. Đến chiều qua, tờ The Times of Israel dẫn một thông báo trên trang Twitter của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ nói đây là tin đồn “không đúng sự thật”, còn Washington và Tel Aviv vẫn chưa chính thức phản ứng.
Dù có chính xác hay không thì theo giới quan sát, những thông tin trên phản ánh tình trạng phức tạp hiện tại trong quan hệ Mỹ - Israel liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran. Thời gian qua, phương Tây và Iran có chiều hướng hòa hoãn hơn và các cuộc đàm phán hạt nhân đang mang lại dấu hiệu tích cực. Điều này khiến Israel hết sức giận dữ và lo lắng. Dự kiến hôm nay 3.3 (giờ địa phương), Thủ tướng Benjamin Netanyahu sẽ có bài phát biểu trước quốc hội Mỹ nhằm giải thích lý do Israel phản đối một thỏa thuận giữa các cường quốc và Iran, vốn được Tổng thống Obama xem là một trong những trọng tâm đối ngoại trong nhiệm kỳ thứ 2. Tuy nhiên, theo CNN, nhiều cựu tướng lĩnh Israel kêu gọi ông Netanyahu hủy bỏ bài phát biểu do lo ngại quan hệ với Mỹ sẽ càng xấu đi.
Mặt khác, Thủ tướng Netanyahu thăm Mỹ theo lời mời của quốc hội nước này, hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát, mà không có sự đồng ý của chính quyền Obama. Vì thế, Nhà Trắng đã chỉ trích động thái của quốc hội là “vi phạm các quy tắc ứng xử”, còn Tổng thống Obama từ chối gặp nhà lãnh đạo Israel, viện dẫn chính sách không gặp lãnh đạo nước ngoài trước thềm các cuộc bầu cử ở nước họ. Cố vấn An ninh quốc gia Susan Rice cũng cảnh báo việc ông Netanyahu đọc diễn văn tại Đồi Capitol có thể “gây tổn hại quan hệ song phương”. Đến hôm qua, Ngoại trưởng John Kerry có động thái xoa dịu khi tuyên bố Washington “chào đón Thủ tướng Netanyahu đến nói chuyện” và không muốn sự việc biến thành “một trận đấu chính trị”. Ông Kerry cũng tái khẳng định mục tiêu cuối cùng của Mỹ vẫn là ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Bình luận (0)