TNO

Tranh cãi trong việc tu sửa lăng Ông Bà Chiểu

03/07/2016 09:33 GMT+7

(Tin Nóng) Dù đã được công nhận là di tích cấp quốc gia từ năm 1998, nhưng Lăng Ông Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) ngày càng bị xâm hại nghiêm trọng. Việc trùng tu được nêu ra nhưng vẫn còn gây tranh cãi kéo dài vì chưa có sự đồng thuận từ các cơ quan chức năng.

(Tin Nóng) Dù đã được công nhận là di tích cấp quốc gia từ năm 1998, nhưng Lăng Ông Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), nơi yên nghỉ của Tả quân Lê Văn Duyệt, một “người hùng” của đất Gia Định xưa lại càng ngày bị xâm hại nghiêm trọng.

Lăng Ông Bà Chiểu nay xuống cấp nặng, lại còn bị lấn chiếm, việc sửa chữa trước đây mang tính chắp vá và không theo nguyên bản - Ảnh: Quỳnh Trân

Việc trùng tu đặt ra hết sức cấp bách nhưng sự việc kéo dài vì chưa có sự đồng thuận từ các cơ quan chức năng.

“Hồn Trương Ba, da… thiếu nhi”

Ông Huỳnh Văn Mười, chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM cho biết: “Từ xưa cho đến nay lăng Tả quân Lê Văn Duyệt hay còn gọi là lăng Ông Bà Chiểu vốn là biểu tượng của đất Gia Định - Sài Gòn và là danh thắng nổi tiếng châu Á. Trước 1975, hàng ngày tại di tích này, học sinh, sinh viên trường Mỹ thuật Gia Định chúng tôi thường sang đây để vẽ phong cảnh, ghi chép các vốn cổ.

Sau khi đất nước thống nhất, một số người phê phán triều Nguyễn nên năm 1977 mới có ý định phả bỏ lăng vì cho rằng Tả quân Lê Văn Duyệt là quan của triều Nguyễn phong kiến, và bắt đầu cho đập bỏ toàn bộ hàng rào xung quanh lăng để xây lại hàng rào cao, rồi UBND Q.Bình Thạnh sử dụng làm Nhà thiếu nhi. Vì vậy mà xây cổng có hình búp măng non trên tường rào ở nhiều đoạn.

Toàn bộ các cột và gạch trang trí nhỏ bằng gốm xanh lưu ly tại hàng rào phía đường Lê Văn Duyệt và Chi Lăng đều bị đập nát (hồi xưa hàng rào và cổng rào đều thấp, trừ cổng chính). Rất may là vòng rào bên trong, bao bọc miếu và mộ của Tả quân vẫn còn y như cũ, rào bằng cột men”.

Quang cảnh trước cổng tam quan lăng Ông Bà Chiểu xưa dùng để tham khảo trùng tu (chụp từ tư liệu của Sở VH-TT TP.HCM)
Cổng tam quan Lăng Ông Bà Chiểu hiện nay - Ảnh: Quỳnh Trân

Theo ghi nhận của chúng tôi, hệ thống tường rào của lăng do mục đích sử dụng từng giai đoạn khác nhau nên pha trộn đủ phong cách: Cổng phía đường Đinh Tiên Hoàng, cổng phía Phan Đăng Lưu được hàn bằng sắt cho cao hơn, xây kiểu cách chắp vá không giống ai. Riêng con nghê ở đầu cột bị tháo bỏ, xây thêm mái che. Người ta đã trồng thêm các cột sắt, nối cao thêm các cột có sẵn để đỡ cho dàn mái cổng mới như hiện nay, với cách thiết kế xây dựng vô cùng tắc trách (cổng xưa không có mái).

Cũng theo ông Huỳnh Văn Mười, ngày xưa Lăng Ông có 4 cổng: Cổng Tam Quan (nhìn ra đường Vũ Tùng), trước có 2 cây thốt nốt là cổng chính, có mái. Ba cổng (phía đường Đinh Tiên Hoàng, Phan Đăng Lưu và Trịnh Hoài Đức) đều thấp, không có mái che. Các cổng thấp, bằng sắt vuông nối cao thêm lên (như hiện nay). Hai cổng phía Đinh Tiên Hoàng (đường Lê Văn Duyệt cũ ) và Phan Đăng Lưu (đường Chi Lăng cũ) có trụ cổng cao, trên đỉnh trụ có tượng con nghê bằng gốm men xanh lưu ly như các con nghê bên trong lăng hiện nay).

Do trước đây Lăng Ông còn được dùng làm Nhà thiếu nhi Q.Bình Thạnh nên có đoạn tường rào hình búp măng non

Tại cuộc họp bàn trùng tu, bà Lâm Thị Hoàng Oanh, Trưởng ban Quản lý di tích lăng Ông Bà Chiểu đề nghị với Sở VH-TT: “Tường rào của lăng mới phải xây dựng tường thấp, bên trên có hàng rào sắt đặc kiên cố, có tuổi thọ cao theo hoa văn như các cửa sổ bên trong lăng… để vừa gìn giữ được vốn kiến trúc cổ, vừa bảo đảm tình hình an ninh trật tự rất phức tạp khu vực xung quanh lăng. Đồng thời lắp đặt thêm hệ thống điện trang trí, cột treo cờ vào những ngày lễ, tết và cúng Ông cho trang trọng”.

 Phía cổng phụ nhìn ra đường Phan Đăng Lưu, lại được xây mái che (?) - Ảnh: Quỳnh Trân

Ông Lưu Hướng Dương, Hội Kiến trúc sư TP.HCM cho rằng: “Khi tiến hành trùng tu phải tham khảo kỹ các tài liệu xưa, kết hợp với việc sử dụng phần tường rào nguyên bản còn lại để chọn lựa phương án tối ưu nhất. Làm sao cho cân đối giữa cổng chính và tường rào, các phù điêu phải liên kết từ trên xuống dưới không được rời rạc”.

Trùng tu Lăng Ông: Mỗi nơi một ý

Ngày 19.5, Sở VH-TT TP.HCM đã tổ chức buổi gặp gỡ với Trung tâm Bảo tồn di tích, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, Hội Kiến trúc sư TP, Hội Mỹ thuật TP, đại diện Ban Quản lý lăng Ông Bà Chiểu và công ty Tu bổ di tích TƯ… để lắng nghe các ý kiến tâm huyết đóng góp cho việc “thay áo mới” cho hệ thống tường rào lăng Ông.

Bãi giữ xe nằm trước lăng gây mất mỹ quan - Ảnh: Quỳnh Trân
 Việc bán cây kiểng trước cổng tam quan của lăng khiến du khách rất khó chịu - Ảnh: Quỳnh Trân

Sau khi nghe hết ý kiến đóng góp, Phó Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM Trần Tuấn Anh kết luận: “Việc trùng tu toàn bộ tường rào lăng Ông Bà Chiểu phải cố gắng thực hiện gần như nguyên bản từ các tư liệu hình ảnh xưa, trên cơ sở phân tích, so sánh, đánh giá để có giải pháp hợp lý nhất. Trên cơ sở đồng thuận của các thành viên, chúng ta sẽ lựa chọn phương án: Phần cổng chính sử dụng hình búp sen, còn các cổng phụ Đông – Tây - Nam - Bắc trên đỉnh trụ sử dụng hình tượng con Nghê.

Hệ thống tường rào bên ngoài sử dụng các hoa văn như các cửa sổ bên trong lăng. Tường rào trước cổng Tam quan để thấp, trồng loại cây xanh dễ cắt tỉa. Do trước đây, cốt xây dựng không đều nên tường rào hiện hữu khoảng cách chênh lệch nhau phải có sự điều chỉnh phù hợp.Vật liệu xây dựng phải sử dụng loại tốt, sắt đặc thay vì sắt hộp để tường rào bền vững theo thời gian”.

Đoạn tường rào còn nguyên vẹn được sử dụng làm mẫu để tham khảo trùng tu - Ảnh: Quỳnh Trân

Tuy nhiên, mới đây Sở VH - TT lại tiếp tục có cuộc gặp gỡ với các bên để đưa phương án mới. Phương án này không nhận được sự chấp thuận từ Hội Mỹ thuật TP.HCM.

Sáng 3.7, trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM cho biết: “Chúng ta có nhiều cách để chống trộm cắp chứ không thể vì quá lo mà làm tường rào sắt bên ngoài lên cao gần 3 m là không phù hợp, chưa kể các hoa văn đưa ra không giống nguyên bản khiến cho việc trùng tu các hạng mục mang tính chắp vá thiều sự đồng nhất. Chúng tôi đề nghị phải có ý kiến của Bảo tàng lịch sử TP.HCM tham gia vào trước khi UBND TP.HCM có quyết định cuối cùng về việc trùng tu sữa chữa lăng Tả quân Lê Văn Duyệt”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.