Tranh cãi về cải cách bầu cử ở Hồng Kông

23/08/2014 00:53 GMT+7

Giới lập pháp Trung Quốc và Hồng Kông vẫn bất đồng sâu sắc về cách chọn ứng viên cho cuộc bầu cử lãnh đạo đặc khu này vào năm 2017.

 
Hàng trăm ngàn người ủng hộ dân chủ biểu tình ở Hồng Kông ngày 1.7 - Ảnh: AFP

Ngày 22.8, tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin nhiều nhà lập pháp Hồng Kông đã phản ứng quyết liệt về phát biểu của Phó tổng thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cơ bản cho Hồng Kông Lý Phi về cách thức chọn ứng viên cho cuộc bầu cử rất được chờ đợi vào năm 2017. Cụ thể, trong cuộc họp với 48 nhà lập pháp Hồng Kông tại thành phố Thâm Quyến, ông Lý khẳng định “không có tiêu chuẩn quốc tế thống nhất cho việc bỏ phiếu phổ thông” và “sẽ không cho phép đề cử ứng viên một cách công khai”. Ông Lý còn đề xuất các ứng viên phải được sự ủng hộ của phân nửa thành viên ủy ban đề cử thì mới được tham gia tranh cử và lãnh đạo Hồng Kông phải là “người yêu nước”. Ông còn tuyên bố kể từ khi Hồng Kông được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, “luôn luôn có một nhóm người phản đối quyền quản lý của chính quyền trung ương với Hồng Kông”, đồng thời cảnh báo những người muốn Hồng Kông độc lập hoàn toàn “đều sẽ không có tương lai chính trị”.

Đáp lại, nghị viên Dennis Kwok thuộc đảng Dân sự ở Hồng Kông chỉ trích đề xuất trên của ông Lý mang tính “đè nén” và “áp đặt hạn chế vô lý cho các ứng viên tiềm năng”, theo SCMP. Nhà lập pháp Albert Ho thuộc đảng Dân chủ thì nhấn mạnh lập trường của họ là mô hình bầu cử phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về bỏ phiếu phổ thông, có nghĩa các ứng viên tiềm năng không thể bị loại bởi ủy ban đề cử chỉ vì quan điểm chính trị của họ. Chính quyền trung ương từng cam kết người Hồng Kông sẽ được tự bầu trực tiếp lãnh đạo vào năm 2017 nhưng các ứng viên phải được một ủy ban thông qua, điều mà nhiều thành phần ở Hồng Kông quyết liệt phản đối. Mới đây, 26 nghị viên Hồng Kông cũng tuyên bố phủ quyết bất kỳ đề xuất nào về cải cách bầu cử nếu không đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, theo Reuters. Nghị viên Helena Wong thuộc đảng Dân chủ còn nhấn mạnh Bắc Kinh phải cho phép người dân Hồng Kông có được “dân chủ đầy đủ thật sự”.

Cuộc họp ở Thâm Quyến được xem là cơ hội cuối cùng để thu hẹp bất đồng trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đưa ra quyết định về cách thức bầu cử lãnh đạo Hồng Kông vào tuần tới. Trước đó, Tổ chức Occupy Central cảnh báo nếu yêu cầu cải cách bầu cử “mang tính dân chủ thật sự” không được đáp ứng, họ sẽ tiến hành phong tỏa đường phố ở quận Trung Hoàn, trung tâm tài chính - hành chính của Hồng Kông. Hồi tháng 7, tổ chức này tổ chức biểu tình rầm rộ ở Hồng Kông, thu hút hàng trăm ngàn người tham gia.

Văn Khoa

>> Cuộc đấu trên đường phố Hồng Kông
>> Hồng Kông: Con trai chặt xác, nấu thi thể cha mẹ ruột
>> Hồng Kông vạch lộ trình cải cách dân chủ
>> Macau tiếp bước Hồng Kông đòi dân chủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.