Tranh cãi về phim 'ăn theo' người nổi tiếng

Ngọc An
Ngọc An
24/06/2022 06:36 GMT+7

Phim Trịnh Công Sơn không được của riêng ai?">Em và Trịnh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh lấy cảm hứng từ cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đang gây ra những phản ứng trái chiều.

Hư cấu quá đà ?

Bắt đầu từ cuộc gặp gỡ giữa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Michiko - cô gái Nhật đang làm đề tài nghiên cứu về âm nhạc phản chiến, bộ phim Em và Trịnh đan xen giữa hiện tại và quá khứ, cho thấy hình ảnh người nhạc sĩ ở nhiều giai đoạn khác nhau trong cuộc đời ông. Cùng với đó là những “bóng hồng” bên nhạc sĩ, hành trình trong tình yêu - âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Chỉ mới sau khoảng 1 tuần công chiếu chính thức (từ ngày 17.6) và trước đó là những suất chiếu sớm (từ ngày 10.6), theo đơn vị phát hành phim, Em và Trịnh đã cán mốc hơn 1 triệu vé nhanh nhất trong năm 2022.

Bùi Lan Hương và Avin Lu vai Khánh Ly và Trịnh Công Sơn trong phim Em và Trịnh

Ê kíp sản xuất Em và Trịnh nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh kể: “Ngày đầu tiên gặp gia đình nhạc sĩ, tôi có nói, nếu gia đình đồng ý cho tôi làm phim này, gia đình phải chấp nhận một chuyện có thể hình ảnh nhạc sĩ trong phim không đẹp hết, sẽ có lúc xấu, lúc đẹp. Chúng tôi không thể chỉ kể chuyện tốt của ông mà cần cả những chuyện “xấu” trong đó mới tạo nên con người thú vị. Gia đình rất tôn trọng và đồng ý với việc đó”. Dù sau đó, đạo diễn đã quyết định chọn làm phim theo lối an toàn.

“Mọi người đều biết có nhiều lời đồn xung quanh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhưng trong phim này tôi không muốn đi vào chỗ đó”, anh nói và lý giải: “Tôi phát hiện ra, gặp mười người ai cũng nói tôi là bạn thân nhất của Trịnh Công Sơn, ai cũng kể những câu chuyện góc khuất mà cho rằng họ là người duy nhất biết. Nhưng hóa ra, cùng một câu chuyện, một sự kiện, mỗi người lại kể khác nhau, nên tôi không thể lấy chuyện lời đồn ra đưa vào trong phim”.

Trở về VN để tham gia tour diễn kỷ niệm 60 năm ca hát, khi được hỏi về phim Em và Trịnh, ca sĩ Khánh Ly khẳng định trước báo giới: “Tôi chắc chắn không đi xem phim”, vì đã có một Trịnh Công Sơn ngoài đời thật của riêng mình và không muốn xem một Trịnh Công Sơn hư cấu trên phim. Bà đã phản ứng về một số chi tiết được nghe nói có trong phim vì cho rằng hoàn toàn không có những chuyện đó, chẳng hạn như nhân vật Lệ Mai đòi đút sữa chua cho Trịnh Công Sơn, hay câu nói của nhân vật nhạc sĩ lúc gọi điện cho Lệ Mai: “Âm nhạc đã bỏ anh rồi”… Khánh Ly cho biết, từng có người bên phía ê kíp sản xuất liên hệ qua trợ lý của bà hỏi ý kiến về bộ phim, tuy nhiên những ý kiến mà bà đóng góp không thấy được đưa vào.

“Mọi người yêu Trịnh Công Sơn là yêu ông ở phía bên ánh sáng, chứ không phải là bên phía người ta hư cấu”, ca sĩ Khánh Ly nhận định.

Hình ảnh trong phim Em và Trịnh

ĐPCC

Khi nhân vật được giữ tên thật

Nhìn ra thế giới, đã có nhiều bộ phim tiểu sử về nhân vật nổi tiếng có thật và cũng có nhiều những câu chuyện xung quanh đó. Chuyên gia truyền thông phim Châu Quang Phước ví dụ, phim Amadeus kể về một góc giai thoại cuộc đời nhạc sĩ thiên tài người Áo Mozart ra mắt năm 1984, của đạo diễn Miloš Forman người Mỹ (phim hợp tác đa quốc gia Mỹ - Pháp - Ý), thắng 8 giải Oscar năm 1985, trong tổng số 11 đề cử. “Đây là câu chuyện về một nhạc sĩ đã qua đời từ lâu, thậm chí hiệu lực về tác quyền âm nhạc cũng không còn. Với phim tiểu sử về một nhân vật có thật, còn sống ở thời đương đại, đó có thể sẽ là một vấn đề gây tranh cãi từ chính nhân vật người trong cuộc”, ông Phước nói và dẫn dự án không thành của biên kịch Elyse Hollander, thông qua kịch bản có tên Blonde Ambition, kể về đoạn đời ban đầu vào nghề của nữ danh ca Madonna.

“Điều trớ trêu là bản thân nhân vật “người thật việc thật” là ca sĩ Madonna lại không được hãng phim thông báo, và tại thời điểm tiền kỳ sản xuất đó cũng không liên quan gì đến dự án một cách chính thức chính danh. Sau khi Madonna phản ứng mạnh trên Instagram của mình, với lý do kịch bản viết sai sự thật về cuộc đời cô, hãng phim Universal đã phải tạm dừng dự án Blonde Ambition vô thời hạn”, ông Phước nói. Sau đó, các nhà điều hành của Universal đã chọn giải pháp kéo nữ danh ca trực tiếp nhập cuộc, Madonna đồng viết kịch bản và sản xuất, cùng với hãng phim Universal. “Gần đây thì hãng phim và ca sĩ đã đồng thuận trong công bố mới về dự án này, khi đã kết thúc giai đoạn tìm kiếm và chính thức giới thiệu được gương mặt vào vai danh ca Madonna”, ông Phước chia sẻ.

Quay trở lại với bộ phim Việt đang được công chúng quan tâm, chuyên gia truyền thông Châu Quang Phước cho rằng: “Từ phản ứng công khai của Khánh Ly trên truyền thông hiện có, thấy rõ là bà không hài lòng với một số hư cấu thái quá về nhân vật của bà trên phim, hầu như khác nhiều, khác hẳn tính cách hoặc về mối quan hệ của bà với người nhạc sĩ quá cố trong đời thực đã từng. Ngay cả một vài góp ý thiết yếu của nữ danh ca dường như cũng không được những người làm phim lưu tâm, dù vẫn có động thái hỏi ý từ kịch bản liên quan trước lúc bấm máy. Đây dĩ nhiên cũng là thế khó của người làm phim khi thực hiện phim tiểu sử về người nổi tiếng, trong lúc vẫn còn nhiều chứng nhân của lịch sử, nhưng vì một số lý do nào đó đã ơ hờ bỏ qua hoặc tham khảo thiếu thành ý với nhân vật liên quan”, ông Phước nhìn nhận.

Ông Phước cũng nói thêm: “Về các nhân vật họa sĩ mà ai cũng biết từng là bạn tâm giao trong đời thật của nhạc sĩ họ Trịnh, là họa sĩ Trịnh Cung và họa sĩ Đinh Cường. Thế nhưng khi lên phim thì lại mang tên khác, thậm chí là gộp lại thành một, trong khi các nhân vật khác đều giữ nguyên tên thật khi từ đời thật bước vào phim tiểu sử này. Phương cách bất nhất kiểu vậy của những người làm phim hẳn nhiên sẽ khiến cho một bộ phận công chúng hiểu chuyện cảm thấy bất ổn hoặc dị ứng, đó là điều dễ hiểu”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.