Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội chiều 16.11 liên quan đến việc giảng dạy môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết Bộ vẫn đang 'lắng nghe' và sẽ xin ý kiến Ban Tuyên giáo T.Ư, Hội đồng Lý luận T.Ư... về vấn đề này.
Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận - Ảnh: Ngọc Thắng |
|
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Luận cho rằng việc dạy tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể ở bậc tiểu học và THCS đã cơ bản nhận được sự đồng thuận. Chỉ riêng việc tích hợp ở bậc THPT thì nhiều ý kiến trái chiều. Theo Bộ trưởng Luận, môn sử không phải bị coi nhẹ trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà thực tế còn được coi trọng hơn so với chương trình hiện hành.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Theo Bộ trưởng Luận, việc giảng dạy lịch sử dự kiến sẽ được lồng ghép, tích hợp vào các môn học khác. “Như văn học cũng có giảng dạy gắn với lịch sử, khi chúng ta dạy cho các cháu những tác phẩm như Bình Ngô Đại cáo, Hịch tướng sĩ, hay Tuyên ngôn Độc Lập… Nếu không gắn với lịch sử thì các cháu không hiểu được và tác phẩm không tạo được xúc động cho các cháu…
Giảng dạy về địa lý cũng sẽ gắn với lịch sử, bởi môn học không phải đơn thuần đem đến tên đất, tên đảo mà còn gắn với các chiến công, gắn với các quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của vùng đất đó… Giáo dục âm nhạc, giáo dục mỹ thuật cũng gắn kết với giáo dục lịch sử. Ví dụ khi chúng ta dạy trẻ cảm nhận về những bài hát như: Câu hò bên bến Hiền Lương… Nếu không gắn với lịch sử thì các cháu không hiểu, không có những rung động, nên rất nhiều những môn học khác nữa sẽ làm nhiệm vụ hỗ trợ cho việc giảng dạy lịch sử”, Bộ trưởng Luận nói.
|
Bộ trưởng cho biết: “Quan điểm của chúng tôi là, nếu việc dạy theo phương pháp tích hợp mà làm nhẹ thì sẽ không tích hợp. Còn nếu theo phương pháp dạy tích hợp mà vẫn đảm bảo khối lượng kiến thức thì sẽ cho dạy tích hợp”. Chốt lại, Bộ trưởng cho biết “sẽ làm việc với các chuyên gia lịch sử và các chuyên gia giáo dục để có kết luận cuối cùng về vấn đề này”.
Phát triển nóng ĐH là do “chỉ tiêu phấn đấu”
ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ trưởng đối với thực trạng “thừa thầy, thiếu thợ” đã được QH yêu cầu giải quyết từ 2 năm qua đến nay hầu như bỏ ngỏ về lộ trình và thời gian khắc phục. Trả lời, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận “xin đính chính”: “Chúng tôi vẫn đang thiếu thầy chứ không phải thừa thầy; còn thợ, đúng là chúng ta thiếu thợ, nhưng chỉ thiếu những thợ giỏi”. Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận thực trạng thành lập hàng loạt các trường ĐH và tuyển sinh nhiều nhưng không đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.
Theo Bộ trưởng, việc thành lập các trường ĐH và phát triển quy mô khá nóng giai đoạn vừa qua bắt nguồn từ việc thực hiện Nghị quyết 14 (năm 2005) của Chính phủ. Tại nghị quyết này Chính phủ đặt ra chỉ tiêu phấn đấu đến 2020 phải đạt 450 sinh viên/vạn dân. Sau khi phát hiện ra những bất cập nên chỉ tiêu này đã được hạ xuống còn 256 sinh viên/ vạn dân.
Để khắc phục tình hình, Bộ đã điều chỉnh quy hoạch mạng lưới, giảm mật độ thành lập mới các trường ĐH và nâng cấp trường CĐ lên ĐH, tăng cường thanh, kiểm tra việc đảm bảo chất lượng nhà trường; đóng, không cho phép mở nhiều ngành của nhiều trường ĐH không đảm bảo chất lượng, áp chỉ tiêu số lượng sinh viên/thầy cô giáo cơ hữu...
Về kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng đây là kỳ thi đầy áp lực, căng thẳng, tốn kém công sức tiền của nhân dân đồng thời đặt vấn đề kỳ thi sắp tới sẽ được điều chỉnh theo hướng nào? Bộ trưởng Luận trả lời trước đây một năm tổ chức 3 đợt thi, cộng 1 đợt thi tốt nghiệp là 4. Mỗi lần 3 môn, tối đa là thi 12 môn ở 4 đợt. Các thí sinh phải đến các thành phố lớn để tham gia thi tuyển sinh ĐH. “Bây giờ với cách thức tổ chức thi THPT quốc gia, các cháu chỉ phải thi tối đa 8 môn, thống kê thực tế các cháu chỉ thi 5 môn. Như vậy tiết kiệm việc ra đề, coi thi, các lực lượng hỗ trợ chấm thi. Các cháu không phải đi lại nhiều mà thi tại khu vực, ở tại tỉnh hoặc tỉnh bên cạnh, việc đi lại cũng đỡ tốn kém”, Bộ trưởng Luận nói.
Theo Bộ trưởng, việc như báo chí phản ánh thí sinh rút nộp hồ sơ “như chơi chứng khoán” thì số liệu thống kê số lượng này là trên 8%, diễn ra ở khoảng 30 trường ĐH tốp đầu ở TP.HCM và Hà Nội. Đây không phải là phổ biến ở tất cả các trường, ở tất cả các cháu... Tuy nhiên ĐB Nguyễn Thái Học không đồng tình với câu trả lời này và cho rằng việc Bộ khẳng định kỳ thi giảm áp lực, không tốn kém dựa trên những cơ sở chưa thuyết phục.
|
Bình luận (0)