Tranh cãi việc 'siết' xe cá nhân

13/11/2020 06:10 GMT+7

Thông tin TP.HCM lại chuẩn bị ' siết' xe cá nhân thu hút sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc, với nhiều ý kiến tán thành và cả chưa đồng ý.

Như Thanh Niên đưa tin, UBND TP.HCM vừa quyết định phê duyệt đề án “tăng cường vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP”.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 VTHKCC sẽ đảm nhận 15% nhu cầu giao thông đô thị của toàn TP, tiến đến mốc 25% vào năm 2030, đồng nghĩa việc mạng lưới xe buýt của TP phải mở rộng gấp 5 - 6 lần hiện nay.
Để thực hiện, Sở GTVT đề ra 3 nhóm giải pháp chính: tăng cường VTHKCC; kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân và 7 nhóm giải pháp hỗ trợ về quản lý quy hoạch đô thị, ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý nhu cầu giao thông...
Trong đó, khối lượng các giải pháp tăng cường giao thông công cộng (GTCC) chiếm tỷ lệ cao nhất với 17 giải pháp nhằm phát triển hạ tầng, hệ thống tàu điện ngầm, cải thiện mạng lưới xe buýt, tăng cường tiếp cận, nâng cao chất lượng phương tiện... Nhóm giải pháp kiểm soát phương tiện cá nhân gói gọn trong 3 giải pháp kinh tế, hành chính về thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm TP, phân vùng kiểm soát khí thải kết hợp với thu phí ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động của xe mô tô, xe gắn máy 2 - 3 bánh...

Đầu tư GTCC tốt mới cấm xe cá nhân ?

Phản hồi về thông tin này, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay GTCC vẫn còn nhiều hạn chế, vì vậy chưa thể tính đến bài toán hạn chế xe cá nhân. “Thử hỏi GTCC hiện nay có khả năng phục vụ như thế nào, thành phần nào trong xã hội đang sử dụng GTCC? Chúng ta quá kỳ vọng vào metro nhưng bao lâu nữa mới hoàn thiện toàn hệ thống metro - chứ chỉ một tuyến thật sự chẳng giải quyết được gì. 5 năm thêm một tuyến hay 10 năm thêm một tuyến đó là bài toán cần giải quyết rồi mới nói đến cấm xe cá nhân. Trước mắt những khu được gọi là chật chội thì nên xem lại quy hoạch đô thị là biện pháp tốt nhất. Khi người ta có nhu cầu đi lại thì thu tiền cũng chẳng giải quyết được vấn đề”, bạn đọc (BĐ) MiMi ý kiến.

Dù đang sử dụng xe máy đi lại hằng ngày, nhưng mình hoàn toàn đồng ý với các giải pháp trên. Hy vọng thành phố triển khai nhanh, đồng thời cần phải nghiêm túc thực hiện.   

Hong Ngọc

BĐ Thuan Trinh cho biết ngắn gọn: “Siết và cấm nhưng có hiệu quả không? Nếu GTCC tốt thì lẽ tự nhiên không ai dùng xe cá nhân”. Tương tự, BĐ Văn Lê cho rằng: “GTCC càng tốt lên thì người dân sẽ tự bỏ thói quen đi xe cá nhân và khi đó có thu phí bao nhiêu cũng được”.
“Cần phải có giải pháp thay thế thì mới có thể cấm hoặc hạn chế. Như vậy thì mới hợp lòng dân”, BĐ Hoa Vo ý kiến.

Làm song song, không quá nặng một vế !

Nhiều ý kiến cho rằng việc hạn chế và từng bước tiến tới loại bỏ xe máy, đẩy mạnh GTCC là bước đi rất quan trọng để phát triển các đô thị văn minh, hiện đại, có môi trường sống tốt, an toàn cho người dân.
BĐ Hon Tran viết: “Đã quá chậm rồi. Cần có giải pháp và khẩn trương hơn nữa để đưa và liên kết các loại hình vận chuyển khách công cộng nhằm giảm xe cá nhân”. Đồng quan điểm, BĐ Minh Trực ý kiến: “Việc hạn chế và từng bước tiến tới loại bỏ xe máy, phát triển GTCC là bước đi rất đúng đắn. Việc này ít nhiều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân có thói quen sử dụng phương tiện cá nhân đông đảo như Việt Nam. Vì vậy, cơ quan chức năng trước khi thực hiện phải nghiên cứu các giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến người dân khi triển khai. Bên cạnh đó người dân cũng cần phải dẹp bỏ tư tưởng chủ nghĩa cá nhân, nâng cao tinh thần tập thể. Tất cả phải đồng thuận vì một hệ thống GTCC hiện đại, an toàn và văn minh”.

Có những nước vì muốn người dân sử dụng GTCC nên dùng ngân sách miễn giá vé, tăng đầu xe, trải rộng khắp, tự dưng xe cá nhân biến mất.

Chung Hong
"Thực ra chả có xã hội văn minh nào để cho xe cá nhân lưu thông kiểu Việt Nam, mỗi lần đèn xanh bật lên là “giáp lá cà” như chiến trận. Cần phải thực hiện: Đầu tư phát triển mạng lưới hệ thống GTCC xuyên suốt các quận huyện; tuyên truyền ý thức sử dụng GTCC làm phương tiện đi lại hằng ngày; phải có giải pháp hạn chế (không cấm) xe cá nhân lưu thông; cán bộ chính quyền phải làm gương trước; đừng hô hào phong trào, hành động thực tế, làm liền thì may ra còn kịp”, BĐ Phúc viết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.