Tranh chấp tại tòa nhà Victory Tower, khách hàng trở thành 'con tin'

Đình Sơn
Đình Sơn
14/03/2024 09:58 GMT+7

Gần 2.000 cư dân và khách hàng đang sinh sống, làm việc trong tòa Victory Tower (quận 7, TP.HCM) đang bức xúc, bất an vì cuộc sống, sinh hoạt bình thường của họ bị đảo lộn bởi tranh chấp kéo dài chưa được giải quyết giữa chủ đầu tư và đơn vị quản lý vận hành tòa nhà.

Liên tục bị cắt điện, nước

Phản ánh đến Báo Thanh Niên, nhiều cư dân tại đây cho biết từ ngày 14 - 16.2.2023, có đến 8 căn hộ và văn phòng công ty đặt tại tòa nhà Victory Tower bất ngờ bị đơn vị quản lý vận hành là Công ty CP Đầu tư dịch vụ Sao Kim (Công ty Sao Kim) cắt điện máy lạnh, nguồn nước với lý do chưa đóng phí dịch vụ quản lý vận hành.

Trong khi đó, cư dân lại cho biết mình đã đóng đầy đủ phí dịch vụ theo đúng hợp đồng đã ký trước đó với chủ đầu tư. Mặc dù sau đó chủ đầu tư đã có công văn yêu cầu Công ty Sao Kim không được cắt điện, nước làm ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của các cư dân và khách hàng nhưng công ty này vẫn không chấp hành. Từ tháng 2 - 4.2023, Công ty Sao Kim liên tục gửi công văn đòi cắt điện và ngừng dịch vụ nhiều khách hàng.

Trong tháng 11.2023, Công ty Sao Kim cắt hệ thống điện lạnh, điện sinh hoạt, hệ thống thông khí… của nhiều khách hàng khiến sinh hoạt của cư dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Gần đây, nhất vào sáng ngày 26.2.2024, Công ty Sao Kim tiến hành cắt nước tại khu vực siêu thị tiện lợi do bà T.T.U làm chủ sở hữu.

Quá mệt mỏi, nhiều khách hàng đã phải tìm nơi khác để hoạt động. Theo đó, từ tháng 2.2023 đến nay, hàng chục công ty sau nhiều lần bị cắt điện, cắt nước quyết định chuyển địa điểm kinh doanh đi nơi khác. Nhưng việc di dời tài sản ra khỏi tòa nhà cũng không phải dễ vì Công ty Sao Kim không cho đem đồ đạc ra ngoài.

Tranh chấp tại tòa nhà Victory Tower, khách hàng trở thành 'con tin'- Ảnh 1.

Cuộc chiến kéo dài nhiều năm giữa chủ đầu tư và đơn vị quản lý khiến gần 2.000 khách hàng và cư dân nơi đây điêu đứng

ĐÌNH SƠN

Theo đại diện Công ty U. (thuê văn phòng trong tòa nhà), việc tranh chấp giữa chủ đầu tư và đơn vị quản lý vận hành khiến doanh nghiệp thuê mặt bằng ở tòa nhà bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, doanh nghiệp này đã chọn cách dọn khỏi tòa nhà, tìm địa điểm mới. Tuy nhiên khi dọn đi, Công ty Sao Kim đã ngăn cản không cho đem tài sản ra khỏi tòa nhà. Mãi đến ngày 19.1.2024, Công ty U. mới di dời được tài sản của mình ra khỏi tòa nhà sau khi cầu cứu khắp các cơ quan chức năng.

Không chỉ bức xúc về những tranh chấp giữa chủ đầu tư và đơn vị quản lý vận hành, theo phản ánh của các cư dân, chất lượng dịch vụ ngày càng xuống cấp nghiêm trọng như: thiết bị nhà vệ sinh trong tòa nhà thường xuyên bị hư hỏng nhưng không được sửa chữa kịp thời…

Nghiêm trọng hơn, hàng loạt thiết bị kỹ thuật của tòa nhà bị hư hỏng nhưng không được sửa chữa và thay thế khiến người dân sinh sống và làm việc trong tòa nhà luôn cảm thấy bất an. Tòa nhà có 9 thang máy thì một thang máy bị hư hỏng cả tháng không thể sử dụng. Hệ thống PCCC tại tòa nhà liên tục gặp sự cố khiến cư dân lo lắng.

Theo kết quả thẩm định của cơ quan chức năng vào ngày 27.7.2023, hàng loạt vấn đề liên quan đến chất lượng dịch vụ tại tòa nhà Victory Tower không đảm bảo đã được cảnh báo như hệ thống điện vận hành nhiều năm chưa được bảo dưỡng, bảo trì định kỳ, bụi bặm bám nhiều nếu không được xử lý sớm có nguy cơ chạm, chập điện gây cháy nổ. Hệ thống phòng cháy chữa cháy hiển thị nhiều lỗi. Nhiều tủ báo cháy bị mất kết nối, lỗi nguồn. Hệ thống đèn thoát nạn không hoạt động. Nhiều thiết bị kỹ thuật của tòa nhà bị xuống cấp nghiêm trọng…

Hợp đồng với nhiều điều khoản kỳ lạ

Sở dĩ xảy ra tình trạng trên bởi trước đây tòa nhà Victory Tower do chủ đầu tư trực tiếp quản lý vận hành. Nhưng đến tháng 2.2017, ông Bùi Minh Chính đại diện pháp luật của Petroland (nay là Công ty VCG) chủ đầu tư tòa nhà ký hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành tòa nhà số 03 (gọi tắt HĐ 03) với Công ty Sao Kim. Theo đó, Công ty VCG thuê Công ty Sao Kim thực hiện công tác quản lý vận hành tòa nhà Victory Tower trong thời hạn 6 năm, tức đến ngày 20.2.2023 hết hạn.

Dù Công ty Sao Kim chỉ là đơn vị được thuê quản lý vận hành nhưng HĐ 03 lại cho phép công ty này toàn quyền thực hiện việc khai thác, sử dụng, kinh doanh, hưởng toàn bộ lợi nhuận. Được đàm phán, thương lượng, thỏa thuận, ký kết hợp đồng với khách hàng. Được thu, nhận, hưởng, sử dụng toàn bộ khoản phí dịch vụ khai thác… Công ty Sao Kim cũng được quyền trực tiếp thu, nhận toàn bộ khoản phí dịch vụ, phí khai thác từ người sử dụng, khách hàng và được hưởng toàn bộ khoản phí dịch vụ, phí dịch vụ khai thác này.

Chưa kể, công ty này còn được trực tiếp ký hợp đồng và thay đổi phí dịch vụ trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng. Được toàn quyền chủ động trong công tác thu và chi các khoản thu từ nguồn thu phí dịch vụ, phí dịch vụ khai thác và các khoản thu khác. Được nhận toàn bộ tầng hầm, diện tích, không gian khác không thuộc sở hữu riêng của người sử dụng để khai thác và thu phí...

Tranh chấp tại tòa nhà Victory Tower, khách hàng trở thành 'con tin'- Ảnh 2.

Cuộc chiến kéo dài hơn một năm qua vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Tuy nhiên, thiệt hại lớn nhất là cư dân, khách thuê văn phòng

ĐÌNH SƠN

Tòa nhà Victory Tower là tổ hợp văn phòng, căn hộ có quy mô rất lớn tại khu Nam Sài Gòn. Hàng tháng, số tiền quản lý vận hành ước tính lên tới trên 2,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo HĐ 03 thì Công ty Sao Kim chỉ phải trả cho VCG mỗi tháng 375 triệu đồng phí khai thác cơ sở hạ tầng, còn lại phần lớn nguồn thu thuộc về Công ty Sao Kim. Dù Công ty Sao Kim hưởng phần lớn doanh thu phí dịch vụ nhưng các chi phí phát sinh liên quan đến bảo trì, sửa chữa… lại do VCG phải bỏ tiền ra chi trả.

Không những vậy, theo HĐ 03 thì người sử dụng và khách hàng là bất kỳ cá nhân, tổ chức bao gồm cả chủ đầu tư. Do đó, dù là chủ nhà nhưng VCG bỗng nhiên bị "đổi vai" trở thành khách hàng của Công ty Sao Kim. Hàng tháng, VCG phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người sử dụng và phải thanh toán đầy đủ phí dịch vụ quản lý như mọi khách hàng khác trong tòa nhà. Thậm chí các khách hàng khác còn được hưởng chính sách ưu đãi, riêng "chủ nhà" VCG luôn phải đóng phí… kịch khung.

Đại diện Công ty VCG cho biết theo HĐ 03, thời hạn hợp đồng là 6 năm, tức đến hết ngày 20.2.2023 kết thúc. Tuy nhiên, dù thời hạn hợp đồng đã kết thúc hơn một năm qua nhưng Công ty VCG nhiều lần yêu cầu Công ty Sao Kim bàn giao lại việc quản lý vận hành tòa nhà nhưng đơn vị này không thực hiện. Bởi trong HĐ 03 do ông Bùi Minh Chính ký với Công ty Sao Kim có khoản 13.3 quy định: "Để đảm bảo sự hoạt động ổn định và an toàn của tòa nhà, nếu có xảy ra tranh chấp HĐ này thì trong suốt thời gian cơ quan tố tụng giải quyết việc tranh chấp, HĐ này vẫn được thực hiện cho đến khi có phán quyết cuối cùng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền". Do đó, Công ty Sao Kim viện lý do hai bên đang có tranh chấp về công nợ với nhau đang được khởi kiện tại tòa án nên không chịu bàn giao việc quản lý tòa nhà lại cho chủ đầu tư.

Liên quan đến ông Bùi Minh Chính, là người trực tiếp ký vào bản HĐ với nhiều điều khoản kỳ lạ, gây bất lợi và thiệt hại lớn cho VCG đã bị Bộ Công an khởi tố, bắt giam về tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" khi cùng đồng bọn lập khống các hợp đồng dịch vụ môi giới chuyển nhượng bất động sản để "rút ruột" chiếm đoạt tiền của VCG. Theo đó, kết quả điều tra xác định được từ năm 2012 đến 2017, ông Bùi Minh Chính đã cùng đồng bọn lợi dụng chức vụ, ký khống 17 hợp đồng và 1 phụ lục hợp đồng dịch vụ với 7 công ty, gây thiệt hại cho Petroland (nay là VCG) tổng số tiền hơn 50,5 tỉ đồng.

Nhiều khách hàng cho rằng, việc tranh chấp giữa chủ đầu tư và đơn vị quản lý vận hành không liên quan đến khách hàng. Trong khi với điều khoản trong HĐ, đơn vị quản lý sẽ viện lý do này để tranh chấp, sẽ khiến cho bản hợp đồng kỳ lạ trên kéo dài vô thời hạn. Từ đó khách hàng như trở thành "con tin" của cuộc chiến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.