Tranh dân gian Đông Hồ… hồi sinh

04/02/2015 08:00 GMT+7

Tranh Đông Hồ vốn là một “thương hiệu” nổi tiếng của Việt Nam. Trải qua những thăng trầm thời gian, việc chơi tranh tưởng chừng như đã mai một thì nay lại được rất nhiều người quan tâm.

Tranh Đông Hồ vốn là một “thương hiệu” nổi tiếng của Việt Nam. Trải qua những thăng trầm thời gian, việc chơi tranh tưởng chừng như đã mai một thì nay lại được rất nhiều người quan tâm.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế giới thiệu về lịch tranh do mình sáng tạo.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế giới thiệu về lịch tranh do mình sáng tạo.
Làng Đông Hồ, X.Song Hồ, H.Thuận Thành, Bắc Ninh, là nơi làm tranh dân gian có truyền thống của miền Bắc. Trước năm 1945, nơi đây vẫn tổ chức những phiên chợ tranh đi vào lịch sử. Sau đó nghề không phát triển được nữa vì cả làng chuyển sang làm hàng mã. Tuy nhiên, vẫn có 2 gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Sam cùng con cháu giữ gìn nghề cho đến hôm nay.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cho biết: “Từ năm 1991 đến nay, tôi đã cùng gia đình làm lại nghề tranh. Thời gian đầu, chỉ được một số người quan tâm, nhưng dần dần nhiều hơn và hiện nay thì dịp giáp Tết, chúng tôi tiếp không hết khách đến chơi tranh".
Quả là nhà ông đã trở thành trung tâm giao lưu văn hóa tranh dân gian Đông Hồ. Đây là nơi các trường học ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng... đưa học sinh về tham quan, tìm hiểu văn hóa chơi tranh Tết của người Việt xưa. Ông Chế tự hào khoe: “Người đến mua tranh, xem tranh dịp Tết rất đông. Năm nay, có đoàn khách từ Mỹ đăng ký đến tham quan, tôi phải trực ở nhà để tiếp đón họ”.
Ngoài những bức tranh nổi tiếng như: Vinh quy bái tổ, Đám cưới chuột, lợn gà…nghệ nhân còn sáng tạo làm quyển lịch bằng tranh Đông Hồ. Chỉ vào những bức tranh do ông tự mình sáng tạo, nghệ nhân Chế nói: “Tất cả tranh đều phục vụ cho ngày Tết. Từ xưa vẫn gọi là tranh Tết, làng Đông Hồ có đặc thù 1 năm có 6 ngày, chợ chỉ bán tranh, người ta đem tranh bán ở đình làng. Nhà nông nghèo thì mua tranh về treo ở vách, mừng cho ngày Tết, tranh con gà, con lợn để cầu mong chuyện chăn nuôi sung túc, sinh sôi nảy nở…Tiếc rằng đó chỉ là quá khứ, bây giờ chẳng còn chợ tranh. Trước đây, 17 dòng họ đều làm tranh, nhưng đến nay, dân làng Đông Hồ chủ yếu sống bằng nghề làm vàng mã.”
Hiện nay, nhiều người tìm đến tranh như tìm về cội nguồn, làm hồi sinh nét văn hóa Tết cổ truyền Việt Nam. Trong nhà nghệ nhân lúc nào cũng có tiếng cạch cạch của người thợ làm tranh khắc gỗ. Người in tranh phải luôn tay làm việc phục vụ khách. Khách hàng đến mua tranh còn xin cả chữ ký của nghệ nhân và nhờ ông tư vấn việc treo tranh thế nào cho hợp…
Chị Hải Yến ở Từ Sơn, Bắc Ninh cho biết: “Con gái tôi mới 8 tuổi mà cháu rất thích tranh Đông Hồ, tôi đã hứa sẽ đưa cháu đi mua tranh, học vẽ tranh để cháu được tìm hiểu văn hóa truyền thống của người Việt”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.