Tranh danh họa 'chờ điều hòa, nghỉ dưỡng'

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
07/09/2020 06:11 GMT+7

Chờ để có chế độ điều hòa 24/24 và phải được “nghỉ dưỡng” là tình trạng của nhiều tác phẩm của các danh họa tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện tại.

Điều hòa theo giờ hành chính

Đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ sáng sớm một ngày tháng 8, bà Linh Lê, một khán giả yêu mỹ thuật cho biết bà thấy rõ cái oi nóng của phòng trưng bày bảo tàng. Phải chờ một lúc lâu sau không gian mới mát dần. Bà cũng bày tỏ không vui vì nhiều tác phẩm nổi tiếng có những vết rạn trên mặt, có thể thấy ngay bằng mắt thường.
Bức sơn dầu nổi tiếng Bình văn của Lê Huy Miến, các bức lụa của danh họa Nguyễn Phan Chánh như Bữa cơm mùa thắng lợiTổ đan mây, bức sơn dầu Thiếu nữ bên cầu ao của tác giả Lê Văn Đệ... đều trong tình trạng rạn nứt rõ ràng. “Nhìn các tác phẩm như vậy rất xót ruột. Tôi không rõ nó có liên quan đến việc tắt bật điều hòa phòng trưng bày không. Vì khi trời nóng, việc thay đổi nhiệt độ nóng lạnh cũng có thể làm ảnh hưởng tác phẩm”, bà Linh Lê nói.
Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, xác nhận việc điều hòa ở phòng trưng bày không được bật 24/24 là có thật. Ông cho biết khu trưng bày là mấy tòa nhà Pháp cổ, có các phòng nhỏ nên việc lắp đặt và kiểm soát an toàn điều hòa khó khăn. “Bộ VH-TT-DL sẵn sàng cho tiền điện, nhưng máy điều hòa phải đồng bộ chứ không sẽ khó đảm bảo an toàn cháy nổ. Điều hòa tổng như chung cư mới giải quyết được triệt để. Chúng tôi đang xin Bộ cho điều hòa tổng, Bộ cũng đang cho triển khai, dự kiến trong năm nay hoặc năm tới sẽ có”, ông Minh nói.
Mặc dù vậy, theo ông Minh, nhiều tác phẩm đã xuống cấp do thời gian và chất liệu họa phẩm không tốt từ ngay khi Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua về. “Bức Bình văn chẳng hạn, khi nhận về đã có vết rồi. Đó là một tác phẩm trước năm 1945, đã trải qua 80 năm trong điều kiện khí hậu nước ta. Bây giờ chúng ta mới có điều hòa chứ trước làm gì có. Hay tác phẩm Bức thư của Trần Văn Cẩn khi đưa về là đã có dấu hiệu xuống cấp. Bức đó sẽ được cho nghỉ”, ông Minh nói.

Có thể chúng tôi sẽ cho một số tác phẩm nghỉ trong kho. Điều kiện của kho thì tốt hơn, điều hòa 24/24 và các điều kiện khác cũng tốt

Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Ông Trần Dũng Tiến, Giám đốc Trung tâm bảo quản, tu sửa tác phẩm nghệ thuật, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cũng xác nhận nhiều tác phẩm đã có vết từ khi mang về bảo tàng. “Tranh bị tác động bởi môi trường khắc nghiệt cả về nhiệt độ, độ ẩm ở Việt Nam, trong khi điều kiện bảo quản chưa thay đổi nhiều. Chất liệu các cụ vẽ ngày xưa cũng không ổn. Chúng tôi biết, nhưng có những thứ để thay đổi được rất khó”, ông Tiến chia sẻ.
Tranh danh họa 'chờ điều hòa, nghỉ dưỡng'1

Tác phẩm Bình văn của danh họa Lê Huy Miến

Cho tranh nghỉ dưỡng

Cũng theo ông Tiến, để tu bổ các tác phẩm của danh họa nêu trên cần có nhiều thời gian nghiên cứu để tìm ra các chất liệu phù hợp với tác phẩm ấy, giai đoạn ấy. Từ đó, mới có thể đưa ra được kế hoạch cụ thể phù hợp. “Khi làm cũng phải khẳng định được cách xử lý sẽ theo hướng nào, giống như bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị. Tôi phải xử lý được, nó nằm trong tầm tay khả năng của tôi. Dù không khẳng định được 100% nhưng cũng phải khẳng định được nó nằm trong tầm kiểm soát”, ông Tiến nói.
Tranh danh họa 'chờ điều hòa, nghỉ dưỡng'2

Tác phẩm Thiếu nữ bên cầu ao của danh họa Lê Văn Đệ

ẢNH: PHƯƠNG HÀ

Ông Tiến cho biết các tác phẩm của danh họa Nguyễn Phan Chánh từng được người Nhật phục chế cách đây gần 10 năm. “Những bức tranh đó gia đình giữ gìn nhưng vẫn có tác động của thời gian. Những tác phẩm như vậy phục chế được nhưng khi làm phải tốn kém, có thời gian, có nhiều điều kiện về trang thiết bị. Tranh người Nhật làm lại đẹp lắm. Điều kiện ở bên Nhật làm cũng khác mình, hơn nữa khi làm họ cũng xin được tài trợ. Trong khi kinh phí của mình eo hẹp, lại không có tài trợ. Đại loại hiểu như là spa ở trong nước không bằng spa nước ngoài, nhưng spa nước ngoài thì tốn kém”, ông Tiến chia sẻ.
Khi phục chế tác phẩm của danh họa Nguyễn Phan Chánh, các chuyên gia Nhật cũng có buổi giới thiệu quá trình phục chế này. “Khi chuyển giao, họ chuyển giao lý thuyết. Còn tự mình phục chế thì phải tỉ mỉ hơn khi chuyển giao thực hành. Như ở Đức, cũng phải thực hành 7 - 8 năm trời thì tay nghề mới đạt trình độ nhất định chứ không phải chuyển giao hôm trước thì hôm sau đã được”, ông Tiến nói. Tuy nhiên, ông Tiến cũng cho biết thêm, các đường nứt trên tranh khi phục chế thường được chuyên gia nước ngoài xử lý theo hướng gia cố để nó không tiếp tục xé ra nữa vì họ cũng hạn chế can thiệp vào hiện trạng.
Theo ông Nguyễn Anh Minh, bảo tàng hiện cố gắng bảo quản tác phẩm tốt nhất có thể. Còn việc phục chế thì đang tạm chưa thực hiện với tác phẩm của các danh họa. Việc phục chế này cần các dự án của nước ngoài hỗ trợ. Trước mắt, ông Minh cho biết: “Có thể chúng tôi sẽ cho một số tác phẩm nghỉ trong kho. Điều kiện của kho thì tốt hơn, điều hòa 24/24 và các điều kiện khác cũng tốt”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.