Tránh lạm thu: Hội phụ huynh làm đúng chức năng để giữ niềm tin cho giáo dục

11/10/2022 17:16 GMT+7

Mỗi năm, khi lá ngoài đường rụng nhiều và khi tiếng trống trường vang lên chào đón năm học mới là thông tin giáo dục tràn ngập 2 chữ lạm thu!

Từ lúc nào mà "điệp khúc" lạm thu xuất hiện ở nơi được coi là ngôi đền của trí tuệ và phải chịu đựng sự mỉa mai, chê bai và trách móc của dư luận? Là người thầy chắc ai cũng rất đau lòng! Dư luận không còn "trọng đạo" thì trong ngôi trường để giáo dục làm sao cho học sinh “tôn sư”?

Học sinh trong buổi lễ khai giảng

độc lập

Nhà nước đưa ra chủ trương giáo dục là quốc sách, người dân thì coi việc lo cho con được ăn học vừa là bổn phận của bậc làm cha mẹ vừa là hạnh phúc để mong cho con làm người có học, có cuộc sống tốt đẹp và đóng góp cho xã hội ngày càng phồn vinh. Vì vậy, niềm tin vào giáo dục, vào ngôi trường và thầy cô phải được tôn trọng và không vì bất cứ lý do gì bị làm tổn thương.

Nỗi đau của giáo dục là nỗi buồn của xã hội và là sự lo lắng của phụ huynh. Chính vì vậy, xin được nêu lên một số ý kiến như sau để lấy lại niềm tin cho giáo dục.

Ban đại diện cha mẹ học sinh không nên làm công việc tài chính

Nhà trường-gia đình-xã hội là 3 thành phần cần phối hợp chặt chẽ để làm cho giáo dục vững mạnh nhằm đem lại việc dạy và học thành công tốt đẹp cho thế hệ trẻ. Vì vậy, Hội phụ huynh hãy làm đúng chức năng của hội. Hãy chọn người uy tín, có tấm lòng yêu thương dành cho trẻ, cho sự nghiệp trồng người để chung tay với nhà trường. Hội không làm công việc tài chính, vì lĩnh vực nhạy cảm này chưa thực sự đóng góp tốt nhất cho trường mà tai tiếng đã lan rộng khắp nơi.

Một số nước trên thế giới, ở địa phương có trường học thì có Hội đồng giáo dục với nhiệm vụ hỗ trợ, giúp đỡ đồng thời giám sát các hoạt động giáo dục của nhà trường theo đúng mục tiêu, kế hoạch năm học.

Trường không nên kêu gọi phụ huynh đóng góp tài chính

Nhà trường phải công khai về tài chính. Nhà nước mỗi năm cấp ngân khoản cho mỗi học sinh là bao nhiêu, trường nhân cho tổng số học sinh và công bố cho phụ huynh biết. Ngân khoản được chi cho những khoản nào để nhà trường tổ chức dạy học? Nhà trường làm đúng chức năng dạy học và các hoạt động giáo dục cũng như lo cho học sinh học bán trú, bếp ăn, bữa ăn, chỗ ngủ, vệ sinh... Bất cứ hoạt động nào cũng nhằm rèn luyện cho học sinh để trở thành người có học và là công dân tốt. Nhà trường cũng lưu ý về đồng phục, nên quần xanh áo trắng đơn giản, dễ tìm mua chứ không đưa ra mẫu áo quần mà chỉ ở trường mình đóng tiền mới có. Là trường công lập, nhà trường không kêu gọi phụ huynh đóng góp tài chính.

Xã hội chính là cộng đồng địa phương. Muốn cho con em mình được có phương tiện học tập tốt thì chính quyền, đoàn thể và các nhà hảo tâm cùng góp sức vận động đóng góp cho nhà trường. Có thể là Mặt trận Tổ quốc, Hội khuyến học, các hội đoàn đứng ra kêu gọi công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp những người quan tâm đến giáo dục vận động, tổ chức thể thao, văn nghệ gây quỹ giúp cho nhà trường. Không cào bằng, không kích động cạnh tranh đóng góp vì như vậy không là làm cho giáo dục tốt hơn mà chỉ đem lại sự tổn thương!

Nhà nước và chính quyền phải thực sự coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. GDP quốc gia tăng lên, ngân sách nhà nước tăng lên thì đầu tư cho giáo dục cũng phải tăng theo. Nghĩa là tài khoản phân bố cho mỗi đầu học sinh trong năm học phải được tăng lên. Lương hay trợ cấp, khen thưởng cho thầy cô nhờ đó được khá hơn.

Bộ GD-ĐT cần lên tiếng để có sự công bằng cho giáo viên như Điều lệ trường tiểu học, sĩ số là 35 học sinh/lớp, như vậy, nếu lớp học có 40, 50, 60 học sinh thì phụ cấp lao động cho giáo viên phải được tính theo số lượng tăng lên trên lớp học. Phải tính đúng, tính đủ cho chi phí của 1 học sinh mà nhà nước còn phải xây thêm lớp học kèm theo bao nhiêu trang bị khác. Giáo viên cảm thấy lao động của mình và cả tâm huyết của mình được quan tâm và trả công xứng đáng.

Những điều này nhằm tránh được tình trạng lạm thu để giữ niềm tin cho giáo dục.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.