Lao động tự nguyện lại trả công như bắt buộc
Đại biểu (ĐB) Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) băn khoăn khi dự thảo quy định việc đưa phạm nhân ra lao động, học nghề ngoài trại giam là “tự nguyện” nhưng lại quy định chỉ được trả “một phần công lao động” theo quy định của luật Thi hành án hình sự.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) |
ĐB đang là Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật Quốc hội (QH) cho rằng khi phạm nhân tham gia lao động ngoài trại giam với yếu tố tự nguyện thì cũng cần có những cơ chế trả công tương xứng khác với chế độ lao động bắt buộc trong trại giam đang thực hiện. Từ đó, ĐB Hoàn đề nghị sửa đổi dự thảo nghị quyết theo hướng quy định phạm nhân lao động, học nghề ngoài trại giam “được trả công theo quy định pháp luật về lao động”.
Đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) |
Gia Hân |
Không đồng tình với ý kiến của ĐB Lê Thanh Hoàn, ĐB đoàn Đồng Nai Nguyễn Công Long, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp, cho rằng theo Nghị quyết 4511 ngày 19.12.1990 của Đại hội đồng LHQ về những nguyên tắc cơ bản đối xử với tù nhân mà các thành viên đang áp dụng thì nhà nước có trách nhiệm phải tạo điều kiện để tù nhân có thể thực hiện công việc hữu ích và có thu nhập để giúp đỡ cho gia đình và bản thân họ, nhưng không đặt ra vấn đề là phải trả như thế nào.
Theo ĐB Long, việc dự thảo quy định trả một phần công lao động xuất phát từ tính chất lao động của phạm nhân quy định tại luật Thi hành án hình sự. “Đây là quan hệ tội phạm và hình phạt, chứ không phải là quan hệ lao động bình thường. Pháp luật của chúng ta thể hiện sự nhân đạo rất cao ở chỗ là chúng ta đang áp dụng rất nhiều tiêu chuẩn và quy chuẩn của pháp luật lao động vào trong lao động phạm nhân nhưng điều này không có nghĩa rằng quan hệ pháp luật lao động của phạm nhân là quan hệ pháp luật thông thường. Tất cả các nước trên thế giới đều như vậy”, ĐB đoàn Đồng Nai nói và nhấn mạnh quan điểm “không thể áp dụng tiêu chuẩn trả công lao động đối với phạm nhân như pháp luật lao động được”.
Tranh luận, ĐB Lê Thanh Hoàn cho rằng dù là lao động bắt buộc theo bản án, quyết định của tòa án cũng phải trả mức lương tương xứng với lao động bên ngoài với điều kiện thông thường, tức là mức lương tối thiểu. Còn ở đây, chúng ta đang thí điểm với hình thức lao động tự nguyện. “Mấu chốt nhất là "tự nguyện" của phạm nhân và tính chất tự nguyện ở đây phải nói là cơ chế thỏa thuận, không phải là cơ chế áp đặt. Chính vì thế, tôi đề nghị phải thực hiện theo quy định pháp luật lao động”, ĐB Long nêu.
ĐB đoàn Đồng Nai Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh, cũng tranh luận, cho rằng 2 ĐB Lê Thanh Hoàn và Nguyễn Công Long chỉ đang “tiếp cận ở 2 cách khác nhau”. ĐB đoàn Đồng Nai dẫn quy định tại Nghị định 133 của Chính phủ hướng dẫn luật Thi hành án hình sự cho biết, trong việc sử dụng kết quả lao động, học nghề của phạm nhân thì chỉ 12% được dùng để chi trả một phần công lao động cho phạm nhân trực tiếp tham gia sản xuất và hỗ trợ khi bị tai nạn lao động, còn lại là chi cho các khoản khác như bổ sung mức ăn, đóng góp quỹ hòa nhập cộng đồng và 50% là hỗ trợ đầu tư trở lại trong trại giam phục vụ hoạt động lao động, dạy nghề. “Vấn đề đặt ra là chúng ta đang áp dụng quy định để trả công cho phạm nhân lao động ngoài trại giam như đối với phạm nhân trong trại giam có hợp lý hay không? Quan hệ lao động này phải thể hiện mức độ đặc biệt như thế nào chứ chúng ta lại áp dụng nó như nhau, tức là chỉ có 12% kết quả lao động thôi”, ĐB Trịnh Xuân An nêu.
Chỉ ngành nghề tiêu thụ trong nước hay cả xuất khẩu?
Một vấn đề khác cũng gây tranh luận là quy định ngành, nghề được tổ chức hoạt động lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là ngành, nghề mà pháp luật không cấm, trong đó tập trung vào các ngành, nghề sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước.
Theo ĐB Lê Thanh Hoàn, việc quy định chỉ yêu cầu “tập trung” có nghĩa là vẫn được phép sản xuất hàng hóa để xuất khẩu và nếu như vậy sẽ vi phạm luật một số nước như Mỹ, Anh quy định cấm nhập khẩu sản phẩm được sản xuất bởi lao động kết án hoặc cưỡng bức hay sản xuất tại các nhà tù nước ngoài. ĐB Hoàn cũng thông tin, ngay cả thị trường lớn nhất của VN hiện nay là Liên minh Châu Âu (EU) cũng đang xem xét thông đạo luật tương tự.
Tuy nhiên, Chánh án TAND TP.Hà Nội Nguyễn Hữu Chính lại không đồng tình với quy định “chỉ tập trung vào các ngành, nghề sản xuất tiêu thụ trong nước” tại dự thảo. “Theo quan điểm của tôi, chúng ta không nên hạn chế tập trung vào sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước mà cần mở rộng thêm cả lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân đối với các ngành, nghề có thể xuất khẩu ra nước ngoài, nhất là trong bối cảnh nước ta hội nhập hiện nay. Ngoài ra, cũng cần đưa những ngành, nghề phát huy được những năng khiếu, thế mạnh, sở trường của phạm nhân nhằm kích thích, động viên họ trong quá trình lao động. Điều này sẽ giúp tăng cường sự đóng góp của phạm nhân đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, giúp có thêm cơ hội tiếp cận việc làm sau khi hết thời hạn chấp hành hình phạt tù”, ĐB Chính nói, và đề nghị dự thảo chỉnh sửa theo hướng chỉ cần quy định các ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Không đồng tình với ông Chính, ĐB đoàn Gia Lai Đinh Ngọc Quý, Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội QH, nêu quan điểm trong bối cảnh hiện nay, cần phải hết sức lưu ý sự tương thích của quy định với các công ước của LHQ, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). “Việc này rất dễ dẫn đến các tranh chấp mà sau này rất khó lường”, ĐB đoàn Gia Lai nêu quan điểm; đồng thời cho rằng cũng cần bổ sung thêm quy định bảo đảm các điều kiện an toàn, vệ sinh lao động cho phạm nhân lao động ngoài trại giam.
"Vai" của Tập đoàn dầu khí cần rõ hơn
Sáng 3.6, trình bày tờ trình luật Dầu khí sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết dự thảo luật thiết kế một chương riêng về chức năng, nhiệm vụ và nghĩa vụ của Tập đoàn dầu khí VN (PVN). Trong đó, bổ sung quy định xử lý chi phí điều tra cơ bản về dầu khí và chi phí tìm kiếm thăm dò dầu khí không thành công của PVN; nguồn thanh toán các chi phí, nghĩa vụ thuộc trách nhiệm của nước chủ nhà; hay chi phí duy trì hợp đồng dầu khí hoặc thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng giao...
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói cần rà soát các quy định để tránh trùng lặp, bảo đảm rõ ràng về phạm vi quyền và giới hạn nghĩa vụ, trách nhiệm khi PVN thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ. Thảo luận tại tổ chiều cùng ngày về nội dung này, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, nói rằng dự thảo luật vẫn cần làm rõ hơn "vai" của PVN gắn với quyền, cơ chế trách nhiệm của tập đoàn này trong tư cách nhà đầu tư, nhà thầu độc lập và là đơn vị thực hiện nhiệm vụ chính trị, ủy quyền của Chính phủ, Nhà nước liên quan tới hoạt động dầu khí.
Băn khoăn về đối tượng không được ra lao động ngoài trại giam
Nhiều ĐB cũng băn khoăn về quy định đối tượng không được cho ra ngoài lao động, học nghề theo dự thảo mà Chính phủ trình QH như dưới 18 tuổi, trên 60 tuổi, người tổ chức vụ án đồng phạm… ĐB Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND TP.Hà Nội, cho rằng quy định không cho người tổ chức vụ án đồng phạm ra ngoài lao động là “chưa rõ, trừu tượng”.
Ông Chính phân tích, người tổ chức trong vụ án đồng phạm có rất nhiều loại người với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội, có hành vi phạm tội rất khác nhau, có nhiều vụ án đồng phạm nhưng người tổ chức là người thực hiện hành vi rất đơn giản, tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội ít nghiêm trọng. Do đó, quy định như dự thảo nghị quyết sẽ không đảm bảo công bằng. ĐB Phạm Thị Thu Nguyệt (Hà Tĩnh) đề nghị QH cân nhắc quy định người dưới 18 tuổi được ưu tiên lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam.
Bình luận (0)