Tranh luận về đề kiểm tra môn văn có ngữ liệu nhạy cảm

Bích Thanh
Bích Thanh
27/12/2023 20:50 GMT+7

Đề bài kiểm tra môn ngữ văn lớp 8 của một trường THCS tại TP.HCM sử dụng ngữ liệu là truyện cười đang gây tranh luận về việc có hay không 'bêu xấu' nghề giáo.

Tranh luận về đề kiểm tra môn văn có ngữ liệu nhạy cảm- Ảnh 1.

Đề kiểm tra môn văn Trường THCS Colette (Q.3,TP.HCM)

PHCC

Đề kiểm tra môn văn có ngữ liệu nhạy cảm?

Ngày 27.12, đề kiểm tra môn ngữ văn dành cho học sinh lớp 8 của Trường THCS Colette (Q.3, TP.HCM) thu hút sự quan tâm của phụ huynh, giáo viên. Đã có những ý kiến tranh luận về nội dung ngữ liệu sử dụng trong đề kiểm tra vì cho rằng có tính "bêu xấu" nghề giáo và không nên sử dụng.

Cụ thể, đề kiểm tra ngữ văn có nội dung:

"Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

"Ông thầy đồ nọ vốn tính tham ăn. Bữa ấy có người mời đi ăn cỗ, thầy mới cho một cậu học trò nhỏ theo hầu. Đến nơi, thầy ngồi vào cỗ, bảo học trò đứng bên cạnh. Trông thấy trong mâm cỗ còn nhiều bánh trái, bụng no nhưng thầy lại muốn bỏ túi mấy chiếc. Sợ người chung quanh nom thấy thì mất thể diện, thầy mới cầm bánh thản nhiên đưa cho học trò, bảo:

- Này, con cầm lấy!

Vừa đưa, thầy vừa nháy ra hiệu bảo cất mang về cho thầy. Cậu học trò không hiểu được cái nháy mắt thâm thúy của thầy, tưởng thầy cho thật, liền bóc ngay ra ăn. Thầy nhìn thấy giận lắm, nhưng giữa đông đủ mọi người, không dám mắng.

Đến lúc ra về, thầy vẫn còn nhớ đến mấy cái bánh, muốn kiếm cớ để trả thù học trò. Khi hai thầy trò đang cùng đi ngang nhau, thầy bèn giận dữ mắng học trò:

Mày là anh em bạn với tao hay sao mà dám đi ngang hàng với tao?

Trò sợ, vội vàng đi nhanh lên trước. Thầy lại gắt:

Mày là bố tao hay sao mà dám đi trước tao?

Trò tụt lùi lại sau. Thầy lại quát:

Tao có phải là thằng tù đâu mà mày phải đi sau áp giải.

Trò ngơ ngác quay lại thưa:

Bẩm bẩm, con đi thế nào thầy cũng mắng, vậy thầy bảo cho con nên thế nào cho phải?

Thầy chẳng ngần ngại gì nữa, hầm hầm bảo:

Thế bánh tao đâu?

(Truyện "Bánh tao đâu?" - sachhay24h.com)

Câu 1: Văn bản trên thuộc thể loại nào?

Câu 2: Nêu bài học rút ra từ văn bản trên?

Câu 3: Cho biết nghĩa tường minh và nghĩa hàm ý trong câu: "Này, con cầm lấy!".

Câu 4: Dựa vào văn bản, xác định bối cảnh và loại nhân vật.

Câu 5: Viết đoạn văn ngắn (5-7 dòng) nêu suy nghĩ của em về bài học rút ra từ văn bản trên.

Thạc sĩ H.T.P, đang dạy ngữ văn tại một trường THCS tại Q.Tân Phú (TP.HCM) nhận xét: Thứ nhất, về ngữ liệu đề cập đến "ông thầy" tham ăn, cách xưng hô mày-tao giữa thầy và trò là thiếu tính thẩm mỹ, có phần nhạy cảm.

Thứ hai, câu 2, nêu bài học rút ra từ văn bản trên và câu 5, viết đoạn văn ngắn (5-7 dòng) nêu suy nghĩ của em về bài học rút ra từ văn bản trên, lặp lại nội dung câu hỏi.

Thứ ba, giả sử học sinh trả lời nội dung 2 câu này: vậy làm trò hãy thật cẩn thận và phải được "dạy dỗ" kỹ trước khi đến trường, thì giáo viên phải chấm làm sao?

Thứ tư, nội hàm khái niệm "thầy đồ" và nội dung văn bản "Bánh tao đâu" liệu học sinh 14 tuổi có hiểu được đặc điểm của truyện cười dân gian xưa? Hơn nữa, ngữ liệu nói đến chuyện đói kém ngày xưa, thầy và trò đều đói như nhau, miếng ăn là miếng nhục, có hay ho gì không?

Giáo viên trên nhấn mạnh: "Thực ra, học sinh lớp 10 chương trình cũ có học truyện Tam đại con gà, phê phán thầy đồ dốt nhưng làm nghề dạy học. Tuy vậy, nội dung văn bản thì học sinh đã được dạy thấu đáo. Còn văn bản Bánh tao đâu?, với học sinh lớp 8 cần cân nhắc đưa vào đề kiểm tra vì có phần phản cảm".

Còn giáo viên Võ Kim Bảo, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM), nhận xét: "Đề đúng về yêu cầu của chương trình nhưng trích nguồn của đề chưa ổn. Ngữ liệu hơi nhạy cảm, giáo viên cân nhắc về tính giáo dục của đề. Có những truyện cười, trẻ em cần có thêm trải nghiệm cuộc sống mới có cái nhìn nhận, đánh giá đúng đắn".

Tranh luận về đề kiểm tra môn văn có ngữ liệu nhạy cảm- Ảnh 2.

Đề kiểm tra dành cho học sinh lớp 8 của Trường THCS Colette đang gây tranh luận

BÍCH THANH

Giáo viên phải chọn ngữ liệu ra sao?

Trước một số ý kiến cho rằng, ngữ liệu trong đề kiểm tra có ý bêu xấu nghề giáo, thạc sĩ Trần Lê Duy, giảng viên khoa ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho hay: "Tôi không nghĩ đề có ý bôi xấu giáo viên hay gì cả. Chỉ là phê phán một hiện tượng xấu trong xã hội cũ, thông qua một cá nhân thôi".

Đồng thời thạc sĩ Duy cũng nhận xét đề kiểm tra: Ngữ liệu cũng thể hiện rõ thể loại truyện cười dân gian. Tuy nhiên nguồn dẫn chưa đảm bảo, là một trang web tổng hợp thông tin, nên khó để chắc chắn độ chính xác của ngữ liệu.

Từ đó, thạc sĩ Trần Lê Duy nhấn mạnh: "Tìm ngữ liệu cho đề kiểm tra không dễ nhưng không quá khó. Về nguyên tắc, phải chọn ngữ liệu có uy tín, tức là giáo viên nên chọn ngữ liệu từ những nguồn tin cậy. Muốn vậy, giáo viên cần chịu khó đọc, tra cứu và thẩm định kỹ. Giáo viên cần chú ý độ khó của ngữ liệu. Ngữ liệu có độ khó phải tương đương các văn bản trong sách giáo khoa đề dung lượng, cách diễn đạt, chủ đề, nội dung… Ngữ liệu phải đạt tính thẩm mỹ, hướng con người tới cái đẹp, cái hay, có tính giáo dục".

Trường sẽ lưu ý và sẽ tổ chức rút kinh nghiệm

Chia sẻ với báo chí, bà Lưu Thị Hà Phương, Hiệu trưởng Trường THCS Colette, cho biết: "Trong chương trình môn ngữ văn lớp 8, học sinh có học về thể loại truyện cười. Các truyện cười thường phê phán thói xấu trong xã hội như khoác lác, tham ăn, lười biếng… Do đó, khi ra đề kiểm tra cuối học kỳ, giáo viên đã chọn một truyện theo hướng đó chứ không có chủ đích nhằm phê phán một đối tượng hay nghề nghiệp nào".

Tuy nhiên, người đứng đầu Trường THCS Colette nói thêm: "Ngữ liệu như đề kiểm tra môn văn là chưa đắt giá và có phần nhạy cảm. Nhà trường sẽ lưu ý vấn đề này và sẽ tổ chức rút kinh nghiệm sau khi kết thúc đợt kiểm tra cuối học kỳ 1".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.